Hôm thứ Tư (21/9), CEO của 8 ngân hàng bao gồm Bank of America, Citibank và JPMorgan Chase đã điều trần trước Ủy ban Tài chính Hạ viện Mỹ. Ít nhất 3 CEO đã cam kết sẽ theo lệnh của Washington rút khỏi thị trường Trung Quốc nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tấn công Đài Loan.

Embed from Getty Images

Ngày 21/9, CEO của 8 ngân hàng Mỹ, bao gồm Bank of America, Citibank và JPMorgan Chase, đã điều trần trước Ủy ban Tài chính Hạ viện của Quốc hội Mỹ. (Ảnh: Alex Wong/Getty).

Các CEO của những ngân hàng lớn nhất của Mỹ như Bank of America, Citigroup và JPMorgan Chase đã đưa ra cam kết trong phiên điều trần trước Ủy ban Tài chính Hạ viện Mỹ.

Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Blaine Luetkemeyer bang Missouri hỏi liệu họ có sẵn sàng rút các khoản đầu tư ra khỏi Trung Quốc nếu Đài Loan bị tấn công quân sự hay không.

CEO Brian Moynihan của Bank of America, trả lời: “Chúng tôi sẽ tuân theo hướng dẫn của Chính phủ Mỹ, vài chục năm qua (chúng tôi) vẫn hợp tác với Trung Quốc, nhưng nếu họ thay đổi lập trường thì chúng tôi cũng sẽ ngay lập tức thay đổi giống như chúng tôi đã làm ở Nga”.

CEO Jane Fraser của Citibank và CEO Jamie Dimon của JPMorgan Chase đều tán thành quan điểm Moynihan.

CEO Dimon nói: “Chúng tôi tuyệt đối hướng về Chính phủ Mỹ và tuân thủ những chính sách của Chính phủ Mỹ”.

Sau cuộc tấn công của Điện Kremlin vào Ukraine, các ngân hàng Mỹ đã nhanh chóng có hành động đáp lại lên án của quốc tế đối với Điện Kremlin bằng cách thông báo kế hoạch chấm dứt hoạt động ngân hàng của họ ở Nga. Nhưng nền kinh tế Trung Quốc lớn hơn nhiều so với nền kinh tế của Nga và nhiều ngân hàng phương Tây đang muốn mở rộng hoạt động tại Trung Quốc.

Tính đến cuối năm 2021 mức độ tiếp xúc của Citibank với Trung Quốc lên đến 27,3 tỷ USD với các khoản cho vay và đầu tư chứng khoán, gấp 5 lần quy mô của họ ở Nga. Còn JPMorgan Chase vào năm 2011 đã thành lập công ty cổ phần chứng khoán tại Trung Quốc và vào năm ngoái mới nhận được chấp thuận đặc biệt của nhà chức trách để được phép sở hữu 100% vốn.

Trong 18 tháng qua, các công ty đa quốc gia đã trở nên lo ngại hơn về khả năng xảy ra xung đột ở Đài Loan khi ĐCSTQ tăng cường các hoạt động quân sự xung quanh hòn đảo này.

Các CEO đã rất quan tâm hỏi các chuyên gia an ninh của Washington về khả năng xảy ra chiến tranh Trung – Mỹ trong vấn đề Đài Loan, qua đó tìm hiểu các biện pháp tránh rủi ro.

Vào tháng 3/2021, Tướng Philip Davidson khi đó là Tư lệnh Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, đã gây chú khi tuyên bố trước Quốc hội rằng ông tin ĐCSTQ có thể tấn công Đài Loan vào năm 2027.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm Chủ nhật (18/9) cho biết, Mỹ sẽ gửi quân đến bảo vệ Đài Loan nếu ĐCSTQ tấn công. Trong năm qua Tổng thống Biden đã 4 lần đưa ra các cảnh báo tương tự, giới quan sát cho rằng có thể Mỹ đã có sự thay đổi trong chính sách đối với Trung Quốc khi mối đe dọa của ĐCSTQ đối với Đài Loan ngày càng tăng.

Dù sau cuộc phỏng vấn của Tổng thống Biden, quan chức Nhà Trắng lại giải thích rằng chính sách của Mỹ đối với Đài Loan không thay đổi, có vẻ cho thấy vẫn “mơ hồ về mặt chiến lược” trong việc liệu quân đội Mỹ có bảo vệ Đài Loan hay không, nhưng “Đạo luật Quan hệ Đài Loan” quy định rằng Mỹ có nghĩa vụ hỗ trợ trang bị Đài Loan để tự vệ.

Về vấn đề này, trong một bài đăng trên Facebook, giám đốc Akio Yaita của chi nhánh Đài Bắc của tờ Sankei Shimbun Nhật Bản, từng có thời gian 10 năm là phóng viên tại Trung Quốc, cho biết rằng đây là lần thứ 4 Tổng thống Mỹ Biden nói công khai trước truyền thông về vấn đề Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan. Vấn đề là cuộc phỏng vấn này không được truyền hình trực tiếp mà được ghi hình trước. Có nghĩa là, nếu Tổng thống Biden mắc sai lầm lỡ lời trong cuộc phỏng vấn, thì nhân viên Nhà Trắng tháp tùng ông ấy sẽ có đủ thời gian để yêu cầu cơ quan truyền thông cắt bỏ đoạn phát biểu đó.

Ông Yaita tin rằng thực tế chuyện cho rằng ông Biden “lỡ lời” thường là phát ngôn từ những người không hiểu về chính trị quốc tế. Bởi vì “lỡ lời” từ một nhân vật quan trọng như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích quốc gia. Trong trường hợp đó, người lỡ lời sẽ phải tự cải chính và xin lỗi để loại bỏ hậu quả. Về tuyên bố của người phát ngôn Chính phủ Mỹ phản hồi bằng cụm từ “Chính sách của Mỹ đối với Đài Loan không thay đổi”, ông tin rằng cách hiểu chính xác nên là: “Chính sách của Mỹ đối với Đài Loan luôn là bảo vệ Đài Loan. Chỉ là trước đây tuyên bố không tiện, nhưng bây giờ có thể công khai”.

Trong 2 năm qua quân đội ĐCSTQ đã tăng cường số lượng máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tập trận đột nhập “vùng nhận dạng phòng không” của Đài Loan khi băng qua đường trung tâm của eo biển.

Vào tháng Tám, sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, quân đội ĐCSTQ đã tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn đầy kịch tính, bao gồm lần đầu tiên phóng tên lửa đạn đạo qua vùng không phận Đài Loan, trong khi có vài tên lửa rơi xuống khu vực kinh tế của Nhật Bản.

Mộc Vệ (t/h)