21 chính phủ thuộc Liên minh Tự do Truyền thông đã ra một tuyên bố chung bày tỏ “mối quan ngại sâu sắc” đối với hành động của chính quyền Hồng Kông cũng như việc ĐCSTQ tăng cường kiểm duyệt và đàn áp các phương tiện truyền thông ở Hồng Kông.

Trong khi phần lớn thế giới tập trung sự chú ý vào Thế vận hội Mùa đông 2022 ở Bắc Kinh, thì Hồng Kông lại lao đao trước cuộc đàn áp hung hăng và ngày càng leo thang của ĐCSTQ đối với các phương tiện truyền thông ở Đặc khu này. Hồi tháng 12/2021, cảnh sát Hồng Kông đã đột kích vào các văn phòng của trang web độc lập Stand News, bắt giữ bảy nhân viên và buộc trang web này phải đóng cửa. Sau đó, tháng 1/2022, trang web độc lập Citizen News thông báo, họ sẽ đóng cửa do lo ngại cho sức khỏe và an toàn của nhân viên trong một môi trường bất an và đầy rẫy những lo lắng.

Một tiền lệ ngay trước mắt đối với hai trang web độc lập này có thể tìm thấy qua cuộc đột kích hồi tháng 6/2021 của cảnh sát Hồng Kông vào các văn phòng của tờ báo ủng hộ dân chủ Apple Daily. Cảnh sát đã tịch thu các sổ ghi chép, máy vi tính, đĩa, và tệp của các nhân báo chí thuộc hãng tin này. Chính quyền Hồng Kông cũng đã bắt giữ nhà sáng lập Jimmy Lai của Apple Daily và buộc tội ông theo Luật An ninh Quốc gia hà khắc áp đặt lên Hồng Kông từ tháng 6/2020. Ngay sau đó, giới chức đã bổ sung thêm các cáo buộc khác liên quan đến tờ báo của ông, mà họ mô tả là một tạp chí xúi giục nổi loạn.  

Tháng 10/2021, cơ quan lập pháp Hồng Kông, dưới chiêu bài an ninh quốc gia, đã ban hành luật kiểm duyệt phim mới được nhiều người dự đoán sẽ gây khó khăn hơn cho các nhà làm phim phịa phương trong việc đưa tầm nhìn của họ ra thế giới. Các chuyên gia nhận định, luật này có khả năng sẽ tác động lớn hơn đối với các nhà làm phim độc lập nhỏ chỉ tập trung ở Hồng Kông, vì những tên tuổi lớn hơn đã hoạt động ở cả Trung Quốc Đại Lục và Hồng Kông, giống như đạo diễn Từ Khắc (Tsui Hark), người duy trì một văn phòng ở Trung Quốc, đã gặp rất nhiều khó khăn trước sự kiểm duyệt của ĐCSTQ ở đó.

baochi HK
Đoạn phim về vụ tấn công đốt phá tại xưởng in ấn bản Hồng Kông của The Epoch Times hồi tháng 9/2019 (Ảnh: The Epoch Times)

Tương tự, các nhân viên và hoạt động của ấn bản Hồng Kông của tờ Epoch Times cũng bị tấn công. Rạng sáng ngày 12/4/2021, bốn kẻ đột nhập đã xâm nhập bất hợp pháp cơ sở in ấn của Epoch Times ở Hồng Kông để thực hiện phá hoại các thiết bị in ấn và máy vi tính. Trước đó hồi tháng 11/2019 cũng xảy ra một vụ việc tương tự khi bốn kẻ đột nhập đã tấn công cơ sở in ấn này để tiến hành đốt phá.

Nguy hiểm hơn, hôm 11/5/2021, một kẻ tấn công cầm gậy nhôm xông đến phóng viên Sarah Liang của tờ Epoch Times khi cô đứng bên ngoài nơi ở của mình và giáng hơn 10 gậy vào cô, trước khi hắn chạy trốn. Vụ tấn công khiến cô Liang bị bầm tím nghiêm trọng và phải nhập viện để điều trị.

Tuyên bố chung hôm 8/2 của Liên minh Tự do Truyền thông đã trích dẫn các cuộc đột kích và đàn áp gần đây của chính quyền Hồng Kông đối với các hãng tin tức địa phương để lên án việc làm xói mòn quyền tự do ngôn luận ở Hồng Kông. Tuyên bố cũng chỉ trích, chiến dịch này “đã làm xói mòn các quyền dân sự và quyền tự do được bảo vệ theo quy định của Luật Cơ bản (Hiến pháp thu nhỏ của Hồng Kông), đồng thời làm suy yếu các nghĩa vụ của Trung Quốc theo Tuyên bố chung Trung – Anh.”

Tuyên bố chung Trung – Anh là một hiệp ước quốc tế quy định các điều kiện khi Anh trao trả Hồng Kông cho chính quyền cộng sản Trung Quốc vào năm 1997, theo đó Bắc Kinh đã cam kết cho phép Đặc khu này được hưởng các quyền tự do và tự trị, mà người dân Đại lục không được hưởng, trong thời gian 50 năm.

Bên cạnh việc lên án ĐCSTQ đang xóa sổ gần như tất cả các hãng truyền thông độc lập ở Đặc khu này, bản tuyên bố của liên minh còn cáo buộc, các nhà chức trách đặc khu đã gây tổn hại nghiêm trọng đến danh tiếng quốc tế của Hồng Kông

Tuyên bố nhấn mạnh: “Một Hồng Kông ổn định và thịnh vượng, trong đó các quyền con người và các quyền tự do cơ bản được bảo vệ, nên vì lợi ích của tất cả mọi người. Chúng tôi kêu gọi các nhà chức trách Hồng Kông và Trung Quốc Đại Lục cho phép tự do báo chí và tự do ngôn luận ở Hồng Kông, phù hợp với Luật Cơ bản và nghĩa vụ của Trung Quốc theo tuyên bố chung Trung – Anh.”

Tuyên bố có chữ ký của các chính phủ: Úc, Áo, Canada, Cộng hòa Séc, Estonia, Phần Lan, Đức, Iceland, Ý, Nhật Bản, Latvia, Lithuania, Luxembourg, Hà Lan, New Zealand, Slovakia, Slovenia, Thụy Sĩ, Vương quốc Anh, và Hoa Kỳ.

Gia Huy (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: