Tờ Epoch Times đưa tin, hôm thứ Tư (7/4), một nhóm chuyên gia và nhà khoa học quốc tế lên tiếng rằng “báo cáo nghiên cứu chung của WHO-Trung Quốc” về COVID-19 không cung cấp câu trả lời đáng tin cậy nào về nguồn gốc của đại dịch, cần có thêm các cuộc điều tra nghiêm ngặt hơn, không quan trọng việc Bắc Kinh có tham gia vào cuộc điều tra mới hay không.

Virus Corona, siêu máy tính
(Ảnh minh họa: Tushar Gatre/Shutterstock)

Trong báo cáo cuối cùng được nhóm điều tra của WHO đưa ra tuần trước sau khi đi thị sát tại Trung Quốc, đã kết luận về khả năng virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán là “cực kỳ khó xảy ra”; và cho rằng “rất có thể” virus đã truyền từ dơi qua một con vật khác rồi truyền vào người; nằm ở vị trí “trung dung” là khả năng virus được truyền trực tiếp từ dơi sang người hoặc qua thực phẩm đông lạnh.

Nghi ngờ “báo cáo nghiên cứu chung” bị chính trị chi phối

Do nghi ngờ kết luận của nhóm chuyên gia WHO bị chính trị chi phối, hôm thứ Tư (7/4), 24 nhà khoa học và nhà nghiên cứu từ châu Âu, Mỹ, Úc và Nhật Bản đã công bố thư chung lên án báo cáo nghiên cứu của WHO.

Người khởi xướng soạn thảo bức thư là Jamie Metzl – nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức  chuyên gia Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council). Ông nói: “Điểm khởi đầu của họ (WHO) là khiến cho chúng ta phải thỏa hiệp nhiều nhất có thể, và nhận được một số hợp tác tối thiểu từ Trung Quốc”.

Bức thư cho hay, kết luận trong nghiên cứu của nhóm chuyên gia WHO được đưa ra trong bối cảnh họ “không thể có được” tài liệu chứng cứ quan trọng.

Trước đó, một điều tra viên trong nhóm của WHO đã phàn nàn rằng quá trình điều tra ở Trung Quốc không được hỗ trợ tích cực cần thiết của cơ quan chức năng Trung Quốc vì họ đã từ chối cung cấp dữ liệu gốc của giai đoạn đầu đại dịch COVID-19, điều đó có thể khiến việc tìm hiểu COVID-19 bắt đầu ra sao trở nên khó khăn phức tạp hơn. Ngay cả Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom cũng chỉ ra vào tuần trước rằng cơ quan chức năng Trung Quốc đã ém nhẹm dữ liệu.

“Khi trao đổi với nhóm nghiên cứu, tôi được họ cho biết rằng họ gặp khó khăn trong việc thu thập dữ liệu gốc. Tôi hy vọng rằng việc hợp tác nghiên cứu trong tương lai sẽ được chia sẻ dữ liệu kịp thời và toàn diện hơn”, ông Tedros Adhanom cho biết.

Về cáo buộc “điều tra chung”, chuyên gia cấp cao về COVID-19 của phía chính quyền Trung Quốc là ông Lương Vạn Niên (Liang Wannian) – trưởng nhóm điều tra phía Trung Quốc của WHO – đã phủ nhận chuyện cho rằng Trung Quốc thúc đẩy điều tra chung, đồng thời cho biết nên chuyển hướng tâm điểm điều tra vào nước khác. Nhưng ông Jamie Metzl – người khởi xướng soạn thảo bức thư chung – cho rằng trong hoàn cảnh cơ quan chức năng Trung Quốc không hợp tác thì cộng đồng quốc tế buộc phải “phục hồi kế hoạch B”, tiến hành điều tra “theo cách có hệ thống nhất có thể”.

Về chuyện phía Trung Quốc phủ nhận cáo buộc virus được phát hiện đầu tiên ở Vũ Hán là do rò rỉ từ phòng thí nghiệm tại Viện Virus Vũ Hán, ông Jamie Metzl chất vấn rằng Trung Quốc hãy làm rõ vấn đề khi họ bác bỏ giả thuyết virus bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Ông chỉ ra phía Trung Quốc có một cơ sở dữ liệu về virus… và hồ sơ công việc trong phòng thí nghiệm.

“Trên thực tế, có rất nhiều nhà khoa học (Trung Quốc) đang theo đuổi công việc này, nhưng chúng ta không thể có được bất kỳ thông tin nào và cũng không thể liên hệ được với bất kỳ ai trong số họ”, tờ Epoch Times dẫn lời người khởi xướng thư chung.

Lên tiếng từ giới chức Mỹ

Thực tế trước đó vào ngày 26/3, Giám đốc Robert Redfield của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ nói với CNN rằng ông tin virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, nhưng không nhất thiết vụ rò rỉ là do cố ý.

Là một chuyên gia về virus, ông Redfield nghi ngờ về giả thuyết ​​cho rằng virus gây dịch COVID-19 này được truyền từ động vật sang người, theo chuyên môn ông có được trong nghiên cứu sinh học thì chuyện virus từ động vật lây sang người mà lại có khả năng lây lan giữa người với người mạnh mẽ như thế là khó tin được.

Phía Nhà Trắng cũng lên tiếng về báo cáo của “nhóm điều tra WHO – Trung Quốc”, tuần trước phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, “Báo cáo thiếu dữ liệu quan trọng…, cho thấy một bức tranh không hoàn chỉnh…. Chúng tôi cho rằng quá trình (điều tra) này nên có giai đoạn thứ hai được dẫn dắt bởi chuyên gia quốc tế độc lập. Họ phải có quyền truy cập không hạn chế vào kho dữ liệu. Họ có thể đặt câu hỏi cho những người có mặt tại hiện trường, đây là bước mà WHO có thể thực hiện”.

Cô Jen Psaki nói rằng các chuyên gia y tế Mỹ vẫn đang xem xét báo cáo [của nhóm chuyên gia WHO – Trung Quốc], nhưng Nhà Trắng nhận thấy rằng “tạm thời báo cáo không đáp ứng được yêu cầu”.

Theo Hoàn Vũ, Epoch Times

Xem thêm: