Trong 2 tuần qua, ngay cả khi tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 đạt mức cao mới, nhiều quốc gia vẫn tuyên bố mở lại biên giới, hoặc đưa ra kế hoạch nới lỏng các hạn chế biên giới. Điều này đồng nghĩa với tư duy toàn cầu chống dịch viêm phổi Vũ Hán đang thay đổi. Nhiều quốc gia lần lượt mở cửa biên giới, dần chấp nhận việc sống chung với COVID-19.

sống chung với COVID-19
(Ảnh minh họa: Urbanscape/Shutterstock)

Hãng tin CNBC đưa tin rằng theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca nhiễm COVID-19 đạt đỉnh điểm trên toàn cầu vào cuối tháng Giêng, với hơn 4 triệu ca mắc mới chỉ trong 1 ngày. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đang báo hiệu rằng họ không đủ khả năng tài chính, hoặc không muốn đóng cửa lâu hơn. Điều này không chỉ giúp ngành du lịch có cơ hội hồi sinh, mà còn là cơ hội đoàn tụ của nhiều người đang bị chia cách.

Báo cáo cho biết, bắt đầu từ cuối năm ngoái, các biến thể Omicron dễ lây lan đã xuyên qua biên giới, làm dấy lên câu hỏi về hiệu quả của việc đóng cửa biên giới.

Đồng thời, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, trên thực tế các hạn chế phong tỏa thực sự chỉ có tác dụng nhỏ trong việc giảm số người chết.

Tuần trước, một phân tích tổng hợp của 24 nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins (JHU) Hoa Kỳ đã phát hiện ra rằng trong đợt COVID-19 đầu tiên vào mùa xuân năm 2020, theo một vài chỉ số, các chính sách phong tỏa chỉ giúp tỷ lệ tử vong ở Hoa Kỳ và Châu Âu giảm 0,2%.

Các nhà nghiên cứu cho biết, việc đóng cửa cũng có thể gây ra những hậu quả khác, như tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, giảm tỷ lệ đi học, bạo lực gia đình và tình trạng sử dụng ma túy quá liều gia tăng.

Theo Our World in Data, 61,6% dân số thế giới đã tiêm vắc-xin, và trước kia nhiều người cũng được bảo vệ khỏi việc lây nhiễm, cùng với việc tiếp tục phát triển các phương pháp điều trị y tế, nhằm giảm bớt hoặc điều trị những bệnh nhân bị bệnh nặng, nhiều chuyên gia tin rằng một giai đoạn mới của đại dịch có thể đang đến gần.

Sau đây là những quốc gia đã thay đổi chính sách kiểm soát biên giới trong thời gian tới:

Úc

Từ ngày 21/2, Úc công bố kế hoạch mở cửa trở lại cho khách du lịch đã tiêm chủng, đánh dấu sự kết thúc của “Pháo đài Úc”. Kể từ khi dịch bùng phát, chính phủ Úc đã hạn chế nhập cảnh nghiêm ngặt, gồm cả những người có quốc tịch Úc trở về từ nước ngoài. Chính sách biên giới gây tranh cãi đã mang lại cho nước này danh hiệu “Pháo đài Úc”.

CNBC cho biết, việc đóng cửa biên giới đã gây thiệt hại kinh tế đáng kể và khiến tình trạng thiếu hụt lao động thêm trầm trọng. Darryl Newby, người đồng sáng lập công ty du lịch “Welcome to Travel” có trụ sở tại thành phố Melbourne, cho biết đại dịch toàn cầu “không chỉ ảnh hưởng đến ngành du lịch mà còn đến mọi ngành nghề ở Úc.”

Khi tỷ lệ nhiễm COVID-19 tăng mạnh vào tháng 12, áp lực mở lại biên giới cũng tăng theo, làm dấy lên câu hỏi liệu có nên tiếp tục cự tuyệt những khách du lịch đã tiêm phòng và yêu cầu xét nghiệm mới cho nhập cảnh hay không.

Theo Sydney Morning Herald, “tâm lý tiêu cực” của người dân có thể là một yếu tố khác thúc đẩy Úc mở cửa biên giới. Trong bài viết dẫn lời bà Phillipa Harrison, Cục trưởng cục Du lịch Úc, rằng chính sách biên giới của Úc đã chuyển từ “đáng ngưỡng mộ” sang “lố bịch”, một số người lo ngại rằng sức hấp dẫn du lịch sẽ bị ảnh hưởng lâu dài.

New Zealand

New Zealand, quốc gia đã đóng cửa biên giới nghiêm ngặt từ lâu, cũng thông báo rằng họ sẽ chào đón khách du lịch quốc tế đã tiêm vắc-xin.

Không giống như Úc, tuần trước New Zealand đã đề xuất một “kế hoạch mở cửa trở lại gồm 5 giai đoạn”, sớm nhất là đến tháng 7, du khách quốc tế mới được nhập cảnh. Du khách đã tiêm chủng cũng phải tự cách ly trong 10 ngày khi đến nơi.

Theo kế hoạch, từ ngày 27/2, những người New Zealand đã tiêm vắc-xin có thể trở về từ Úc; từ ngày 13 tháng sau, công dân New Zealand từ các quốc gia hoặc khu vực khác, cũng như người lao động đủ điều kiện cũng được nhập cảnh.

Giai đoạn 3 bắt đầu từ ngày 12/4, có tới 5.000 sinh viên quốc tế được nhập học. Giai đoạn 4 là vào tháng Bảy, cho phép du khách từ Úc và các quốc gia miễn thị thực khác nhập cảnh. Giai đoạn 5 bắt đầu vào tháng 10, sẽ mở cửa trở lại hoàn toàn cho tất cả khách du lịch.

Philippines

Sau khi đóng cửa biên giới vào tháng 3/2020, Philippines công bố kế hoạch cho phép du khách từ hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ miễn thị thực được nhập cảnh vào ngày 10/2, yêu cầu họ phải hoàn thành việc tiêm chủng và có giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính, thì sẽ được miễn cách ly, để hồi sinh ngành du lịch đang chịu thiệt hại nặng nề.

Số ca nhiễm COVID-19 ở Philippines đạt đỉnh vào tháng trước, có thời điểm số ca mắc trong một ngày vượt qua con số 300.000 người. Theo WHO, sau khi đạt đỉnh, số ca nhiễm cũng giảm nhanh chóng, tính đến ngày 10/2, có 3.543 ca mới được xác nhận trong 24 giờ qua.

Bất chấp sự gia tăng các ca nhiễm, Bộ Du lịch Philippines cho biết các đường biên giới sẽ được mở lại để giải quyết các vấn đề kinh tế. Bộ Du lịch tin rằng đây là một sự phát triển đáng hoan nghênh, sẽ hỗ trợ rất lớn cho việc khôi phục việc làm.

Trong một bài báo, bà Berna Romulo-Puyat, Bộ trưởng Du lịch cho biết: “Chúng tôi tin rằng chúng ta có thể theo kịp các nước láng giềng ASEAN của mình, những nước đã thực hiện các bước tương tự để mở cửa trở lại cho khách du lịch nước ngoài.”

Indonesia

Tuần trước, Đảo Bali của Indonesia cũng đã thông báo sẽ mở cửa cho khách du lịch quốc tế đã tiêm chủng, mặc dù tỷ lệ lây nhiễm vẫn tăng cao.

Theo thông báo ngày 31/1 từ văn phòng Bộ Hàng hải và Đầu tư Indonesia: “Tỷ lệ dương tính hiện tại của Bali đã vượt quá 5% so với tiêu chuẩn của WHO… Số lượng người được kiểm tra và xét nghiệm mỗi ngày cũng tăng lên đáng kể.”

Tuy nhiên, theo bộ này, việc mở cửa trở lại cho du khách quốc tế là để “phục hồi nền kinh tế của Bali.”

Du khách được yêu cầu cách ly trong 5 ngày, nhưng họ có thể cách ly tại 66 khách sạn được chỉ định, gồm nhiều khu nghỉ dưỡng sang trọng nổi tiếng của hòn đảo.

Malaysia

Reuters đưa tin, hôm thứ Ba, Hội đồng Phục hồi Quốc gia của Malaysia kiến nghị mở cửa trở lại cho du khách quốc tế sớm nhất vào ngày 1/3.

Du khách sẽ không bị cách ly khi đến và chính sách biên giới có thể sẽ tương tự như chính sách của Thái Lan và Singapore. Theo Bộ Y tế Malaysia, gần 98% dân số người trưởng thành của đất nước này đã tiêm chủng.

Tuy nhiên, Malaysia có thể đang hướng tới đỉnh cao lây nhiễm Omicron. Các trường hợp hàng ngày bắt đầu tăng cao từ 2 tuần trước, hiện vẫn chưa giảm.

Châu Âu và các khu vực khác

Các quốc gia như Hy Lạp, Pháp, Bồ Đào Nha, Thụy Điển và Na Uy đã thông báo ý định từ bỏ yêu cầu xét nghiệm nhập cảnh đối với khách du lịch đã tiêm chủng, mặc dù một số quy tắc chỉ áp dụng cho cư dân thuộc EU (Liên minh châu Âu).

Tuần trước, Puerto Rico và Aruba (2 quốc đảo nhỏ trong Biển Caribe) đã ban hành các biện pháp tương tự.

Tuy nhiên, không giống như hầu hết các quốc gia trên thế giới, chính quyền Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang thắt chặt các hạn chế trong việc phòng chống dịch

Vào cuối tháng 1, sau khi đóng cửa các quán bar và cấm một số chuyến bay trong nước, trong tuần này Hồng Kông đã đưa ra các hạn chế mới, gồm hạn chế các cuộc tụ tập công cộng giới hạn trong 2 người. Theo Guardian, các lệnh hạn chế đang gây ra tình trạng thiếu lương thực trên khắp Hồng Kông, khiến giá cả tăng cao và công chúng phẫn nộ.

Ngoài ra, trước thềm Olympic Mùa đông, Trung Quốc một lần nữa thực hiện các biện pháp đóng cửa thành phố nghiêm ngặt, ảnh hưởng đến tổng cộng khoảng 20 triệu người ở Tây An, thành phố Vũ Châu, An Dương thuộc tỉnh Hà Nam và những nơi khác.

Trong dịp Tết Nguyên Đán, nhiều nơi đã áp dụng các biện pháp phòng chống dịch rất nghiêm ngặt, không cho người dân đi lại trong những ngày cận kề năm mới. Chính sách “Zero COVID” của ĐCSTQ cũng đã khiến nhiều gia đình không thể đoàn tụ trong 3 năm liên tiếp và buộc phải ly tán vào dịp năm mới.

Theo The Epoch Times,

Trần Đình

Xem thêm: