Hơn mười thành viên NATO đã ký kết một sáng kiến ​​nhằm xây dựng một hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không của châu Âu, trong bối cảnh Nga tiếp tục làn sóng tấn công hàng loạt vào các mục tiêu dân sự ở Ukraine.

Ngày 13/10, Phần Lan cùng 14 đồng minh NATO đã nhất trí phát triển “Sáng kiến ​​Lá chắn Bầu trời Châu Âu”, có thể cân nhắc mua hệ thống phòng không Arrow của Isarel hoặc Patriot của Mỹ hay tên lửa phòng không IRIS-T của Đức. NATO nêu rõ trong một thông cáo rằng sáng kiến ​​này sẽ tăng cường Hệ thống Phòng thủ Tên lửa và Phòng không Tích hợp (IAMD), một sứ mệnh hoạt động để ổn định và bảo vệ không phận NATO.

14 đồng minh NATO đã ký kết Sáng kiến ​​Lá chắn Bầu trời Châu Âu bao gồm Đức, Bỉ, Bulgaria, Séc, Hungary, Latvia, Hà Lan, Na Uy, Romania, Slovakia, Slovenia, Anh, Lithuania và Estonia.

Embed from Getty Images

Phó Tổng thư ký NATO Mircea Geoana (Ảnh minh họa: Getty Images)

“Cam kết này thậm chí còn quan trọng hơn, khi mà chúng ta chứng kiến ​​các cuộc tấn công tên lửa tàn nhẫn và bừa bãi của Nga ở Ukraine, giết chết dân thường và phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng. Trong bối cảnh này, tôi hoan nghênh việc lãnh đạo của Đức khởi động Sáng kiến ​​Lá chắn Bầu trời Châu Âu,” Phó Tổng thư ký NATO Mircea Geoana nhấn mạnh trong một tuyên bố. “Các khí tài mới, hoàn toàn có thể tương tác và tích hợp liền mạch trong hệ thống phòng không và tên lửa của NATO, sẽ nâng cao đáng kể khả năng của chúng ta trong việc bảo vệ Liên minh khỏi mọi mối đe dọa tên lửa và trên không.”

Nga đã thực hiện một loạt các cuộc tấn công tên lửa vào các trung tâm dân sự và cơ sở hạ tầng quan trọng trên khắp Ukraine trong tuần này. Đáng lưu ý, Tổng thống Nga Vladimir Putin coi đó là hành động trả đũa vụ nổ ở Cầu Kerch nối đất nước ông với bán đảo Crimea bị chiếm đóng. Ông Putin đổ lỗi cho Ukraine về vụ nổ, gọi đây là hành động “khủng bố”, cho dù Ukraine chưa công khai nhận trách nhiệm về vụ việc.

Trong thông tin cập nhật được đăng trên Telegram vài ngày qua, Cơ quan Tình trạng khẩn cấp Nhà nước Ukraine đã thông báo về tình trạng mất điện, nước và khí đốt. Cơ quan này cho biết hôm 11/10, số người chết trong các cuộc tấn công đã lên tới 19 người và hơn 100 người khác bị thương. Đến nay, tổng số thương vong vẫn chưa được công bố rõ ràng.

Trong khi NATO dự định xây dựng hệ thống phòng không của riêng mình ở châu Âu, Ukraine cũng kêu gọi các đồng minh phương Tây trang bị thêm thiết bị giúp họ có thể bảo vệ không phận của mình trong cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga.

“Ukraine rất cần các hệ thống phòng không và tên lửa. Chúng tôi cần chúng ngay tại đây và ngay lúc này,” Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đăng tweet hôm thứ 12/10.

Sau các cuộc tấn công của Nga, Đức tuyên bố cung cấp hệ thống phòng không IRIS-T đầu tiên trong số 4 hệ thống phòng không IRIS-T mới cho Ukraine trong vòng vài ngày tới.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 10/10, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng “cam kết tiếp tục cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ cần thiết để tự vệ, bao gồm các hệ thống phòng không tiên tiến”, theo một thông báo của Nhà Trắng.

Minh Ngọc (Theo AFP)