Hôm 20/1/2017, ông Barack Obama và phu nhân Michelle rời khỏi Điện Capitol tại thủ đô Washington D.C với tư cách của những công dân Hoa Kỳ bình thường. Ông Obama đã kết thúc 8 năm làm tổng thống với những thành tựu và di sản đầy tranh cãi. Hãy nhìn lại một số di sản quan trọng nhất của vị Tổng thống Mỹ da màu đầu tiên này và khả năng chúng sống sót dưới thời Donald Trump ra sao.

Ảnh: facebook
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.

1. Thành tựu môi trường 

Chính quyền của Tổng thống Obama góp phần dẫn đến thành công của hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu. Hoa Kỳ cùng với 185 quốc gia khác cam kết cắt giảm lượng khí gây hiệu ứng nhà kính. Họ cũng đưa ra rất nhiều quy định nhằm quản lý ô nhiễm đến từ các nhà máy nhiệt điện than và hạn chế khai thác than cũng như dầu và khí trên các vùng đất thuộc quyền sở hữu của chính quyền liên bang và các vùng biển gần bờ. Ông Obama cũng đã đưa gần 222 triệu hecta đất vào các khu bảo tồn – nhiều hơn bất kỳ tổng thống tiền nhiệm nào. Những ngày cuối nhiệm kỳ ông còn ký thêm Luật đặt một vùng biển Bắc Cực thuộc chủ quyền Hoa Kỳ vào khu vực cấm khai thác dầu vĩnh viễn.

Tương lai của các thoả thuận giảm cacbon của ông Obama có khả năng bị đảo ngược do tham vọng kinh tế của ông Trump. Ông Trump cũng thề sẽ khôi phục lại ngành dầu khí đang bị các quy định môi trường hạn chế. Ngoài ra, theo ông Trump, đầu tư vào năng lượng tái tạo với công nghệ hiện đại quá tốn kém và không hiệu quả. Tuy vậy, những thay đổi trong các quy định về môi trường phải trải qua một quy trình phê duyệt kéo dài và chắc chắn sẽ dính vào rất nhiều vụ kiện từ các nhóm vận động bảo vệ môi trường. Quốc hội có thể can thiệp để tăng tốc quy trình, nhưng Đảng Dân chủ có đủ số ghế ở Thượng viện để ngăn chặn điều này nếu họ đồng tâm hiệp lực.

2. Khôi phục nền kinh tế

Khi ông Obama nhậm chức, kinh tế Mỹ đang rơi tự do. Tỷ lệ thất nghiệp đã vọt lên mức hai con số, giá nhà ở rớt thảm hại còn ngành tài chính thì đang bên bờ vực sụp đổ.

Tám năm sau, bức tranh kinh tế mang màu sắc ổn định và tăng trưởng vừa phải, mặc dù người chỉ trích sẽ nói rằng mọi thứ có thể tốt đẹp hơn (và những cử tri thuộc nhóm công nhân bỏ phiếu cho Trump từ các bang thiên về công nghiệp đồng ý với điều này).

Về mặt chính sách, ông Obama đã sớm đưa ra một gói kích cầu lớn và một đạo luật cải cách tài chính trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Chính quyền của ông đã giám sát một chương trình hỗ trợ đã cứu General Motors khỏi một cuộc phá sản có thể đã tàn phá nền công nghiệp ô tô Mỹ.

Chương trình Tái cho vay Hợp túi tiền cho Nhà ở, được tiến hành bởi Cơ quan Tài chính Nhà ở Liên bang, đã giúp hàng triệu người mua nhà ở Mỹ tránh khỏi cảnh bị tịch thu nhà và giảm bớt gánh nặng từ các khoản vay mua nhà lãi suất cao.

Tổng thống đã thương lượng được một thỏa thuận giúp xóa bỏ rất nhiều khoản miễn giảm thuế dưới thời Tổng thống George W Bush để đổi lấy việc ngừng tăng chi tiêu trong ngân sách liên bang. Ông cũng thường xuyên kêu gọi tăng mức lương tối thiểu trên toàn quốc, nhưng không nhận được bất cứ sự ủng hộ nào từ phía Quốc hội nằm trong tay Đảng Cộng hòa.

Mặc dù thị trường chứng khoán đang đạt đến những đỉnh mới, thu nhập bình quân hộ gia đình vào năm 2015 vẫn còn thấp hơn mức năm 2007. Tuy thế, nếu xét đến hoàn cảnh mà ông Obama bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống của mình, thì có lẽ tình trạng của nền kinh tế hiện lại là di sản lớn nhất của ông.

Khi ông Trump lên thay thế, ông sẽ thực hiện chính sách kinh tế của Đảng Cộng hòa là cắt giảm thuế, giảm quy định kinh doanh để thị trường tự do phát huy tối đa tác dụng của chủ nghĩa tư bản. Các cải cách về thuế, nhiều khả năng bao gồm việc quay trở lại mức thuế dưới thời Tổng thống Bush cùng với nhiều thay đổi quan trọng khác, có vẻ như chắc chắn sẽ được thông qua. Đạo luật cải cách tài chính của ông Obama cũng dễ bị làm yếu đi bởi chúng là đối tượng thường được ông Trump nhắm tới trong khi phàn nàn về các quy định của luật.

Ông Trump cũng phàn nàn về việc Mỹ bị các quốc gia khác “lợi dụng” trong các thoả thuận thương mại, công việc thì đội nón ra đi do làn sóng “outsource” ảnh hưởng lớn đến tầng lớp trung lưu.

Ngân hàng Deutsche Bank của Đức cho rằng chính sách của Trump có thể kiến nền kinh tế Mỹ tăng gấp đôi tốc độ tăng trưởng trong năm 2018 cùng nhiều tác động khả quan khác.

2. Giải quyết vấn đề Trung Đông

Về mặt ngoại giao, 8 năm qua là thời gian không đáng nhớ đối với nước Mỹ. Ông Obama kế thừa một mớ hỗn độn ở Iraq, nhưng lại khiến nó tệ hơn khi rút sạch quân tại đây quá bắt ngờ khiến Hồi giáo cực đoan có chỗ trống phát triển trở thành lực lượng khủng bố đáng sợ nhất thế giới. Afghanistan vẫn là một bãi mìn, Libya – quốc gia mà ông Obama muốn “dẫn dắt từ đằng sau” trở thành một nhà nước thất bại. Tệ hơn, chính quyền Obama còn quay lưng lại với đồng minh duy nhất và đáng tin cậy nhất tại Trung Đông – Israel – trong những ngày cuối cùng tại nhiệm.

Lo ngại sa lầy giống Tổng thống Bush ở Iraq, ông Obama chần chừ trong việc giải quyết cuộc chiến Syria khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin nhảy vào gánh trách nhiệm lãnh đạo, xoay chuyển hoàn toàn cục diện một cuộc chiến quan trọng ở Trung Đông. Trong những ngày cuối cùng, ông Obama gần như khởi động lại cuộc chiến tranh lạnh với Nga khi cáo buộc Moscow can thiệp bầu cử Hoa Kỳ, trong khi trước đó hầu như chẳng làm gì khi Nga sáp nhập Crimea và kích động hỗn loạn ở Ukraine.

Giống như việc tiến thêm được một bước với Cuba, ông Obama ký tiếp một thoả thuận hạt nhân với Iran với mong muốn đảm bảo Iran không trở thành một nguy cơ hạt nhân đối với Mỹ và thế giới. Nhưng thoả thuận hạt nhân này bị Trump gọi là “thảm hoạ”. Theo những người chỉ trích, ông Obama hay Liên Hiệp Quốc không có cách nào kiểm soát được Iran có giữ vững cam kết gỡ bỏ hạt nhân hay không, hoặc biết đâu quốc gia hiếu chiến này sẽ sớm âm thầm phát triển lại vũ khí huỷ diệt hàng loạt, trong khi Mỹ lại gỡ băng hàng tỷ đô la cho chính quyền Tehran, một chính quyền khét tiếng tài trợ khủng bố.

Vì không được Quốc hội ủng hộ, ông Obama ký được thoả thuận này bằng sắc lệnh hành pháp để không phải thông qua quốc hội vốn được Đảng Dân chủ nắm thế đa số. Tân Tổng thống Trump đã loan báo sẽ tái thương lượng thoả thuận này hoặc đảo ngược sắc lệnh của người tiền nhiệm.

3. Hiệp định Đối tác xuyên Châu Á Thái Bình Dương TPP

Tổng thống Obama đã đưa việc hoàn thiện hai bản hiệp định thương mại – Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) – trở thành nền tảng cho toàn bộ nhiệm kỳ thứ hai của ông.

Nhưng TPP đã bị chối bỏ trước cả khi được Quốc hội Mỹ để mắt tới, bởi sự chống đối của một liên minh giữa phe cực tả của Đảng Dân chủ và những người theo chủ nghĩa dân tộc về kinh tế đang ngày càng có quyền lực nhờ sự nổi lên của Trump.

Thông báo của Nhà Trắng gọi đây là thành tựu của chính quyền Obama, tuy nhiên ngay cả đề cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton cũng không đồng tình với thoả thuận này. Hiệp định này dự đoán sẽ sớm chết yểu, khi ông Trump loan báo trong ngày đầu tiên nắm quyền sẽ rút Mỹ khỏi hiệp định “thảm hoạ” đối với công ăn việc làm của người Mỹ này.

Hơn thế nữa, Tổng thống mới còn sẵn sàng lật lại di sản của các đời Tổng thống trước, khi ông đã hứa sẽ tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự Do Bắc Mỹ (NAFTA) – được hoàn thiện dưới thời Tổng thống Bill Clinton – hoặc thậm chí rút lui hoàn toàn khỏi hiệp định này.

Lời hứa của Trump về việc áp đặt các mức thuế nhập khẩu hà khắc với một số hàng hóa ngoại nhập cũng sẽ đi ngược lại các cam kết của Hoa Kỳ với Tổ chức Thương mại Thế giới, có thể gây xói mòn nền móng của định chế thương mại toàn cầu này.

4. Nối lại quan hệ với Cuba

Một trong những niềm tự hào ngoại giao của Nhà Trắng là khi quốc kỳ nước Mỹ tung bay trên Đại Sứ quán tại thủ đô Havana sau hàng chục năm đóng cửa. Tuy nhiên nhiều người cho rằng đây là động thái “cố đấm ăn xôi” của ông Obama nhằm để lại dấu ấn ngoại giao sau nhiều năm cầm quyền. Thực tế thì việc chấp nhận nối lại quan hệ với Cuba thể hiện sự thừa nhận thất bại trong chính sách kiềm toả sau hàng thập kỷ của Washington đối với quốc đảo nhỏ bé phía nam. Đằng sau những lời hoa mỹ của ông Obama, là thực tế rằng Washington đành bó tay không làm gì được chính quyền thủ cựu Havana nên đành mở cửa, bắt tay, gỡ cấm vận, bất chấp Raul Castro chẳng có nhượng bộ gì về nhân quyền như đòi hỏi của các đời Tổng thống Mỹ.

Quan hệ với Cuba cũng có khả năng sẽ nguội lạnh hơn khi Trump nắm quyền. Ông đã tuyên bố sẽ làm cứng nếu Cuba không có cải biến gì về các quyền tự do cơ bản. Ông Trump cũng phê phán mạnh mẽ việc ông Obama bày tỏ sự cảm thông sau khi cựu lãnh tụ Cuba Fidel Castro qua đời.

5. Tiêu diệt Al-Qaeda

Anh ninh thế giới nói chung và Mỹ nói riêng tồi tệ hơn trong thời kỳ ông Obama làm tổng thống. Tuy nhiên một thành tích không ai phủ nhận được là đặc nhiệm Mỹ đã tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden, phục thù cho vụ tấn công 11/9 tại New York.

Nhà nước Hồi giáo IS hiện cũng suy yếu rất nhiều trong những tháng cuối cùng Obama tại nhiệm, nhóm khủng bố cực đoan này sắp bị đánh bật khỏi Iraq.

6. Xoay trục sang châu Á

Để giải quyết hậu quả sa lầy vào cuộc chiến không hồi kết ở Trung Đông và đối phó với ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc, ông Obama chọn tăng hiện diện tại châu Á và tăng cường liên kết với các đồng minh châu Á làm giải pháp. Tuy nhiên chiến lược này của ông mang kỳ vọng to lớn nhưng có nguy cơ chết yểu. Hiệp định TPP mang sứ mệnh liên kết kinh tế giữa Mỹ và các quốc gia trọng yếu ở châu Á – Thái Bình Dương không còn cơ hội sống sót dưới thời Donald Trump. Những tháng cuối cùng trong nhiệm kỳ ông Obama chứng kiến sự quay lưng của Philippines – đồng minh thân cận suốt 70 năm của Mỹ. Chính quyền Manila liên tục tỏ thái độ muốn cắt đứt với Mỹ và sát lại đối thủ là Trung Quốc và Nga. Thái Lan, Campuchia cũng ngả dần về phía Trung Quốc do bất mãn vì bị Mỹ chỉ trích nhân quyền và mối lợi quốc gia mà Bắc Kinh mời gọi. Trung Quốc liên tục “nắn gân” chính quyền Obama và ngày càng lấn tới vì Nhà Trắng không có một động thái đáp trả cứng rắn và thích đáng.

Nhưng những điều này có thể sẽ chấm dứt dưới thời Tổng thống Trump. Bằng hành động và nhiều phát ngôn của mình, ông Trump tuyên bố cho Trung Quốc và thế giới rằng nếu vượt qua những lằn ranh mà Mỹ vạch ra, thì sẽ phải chịu hậu quả. Có thể chính ông Trump – người phê phán cựu Tổng thống Obama trong suốt chiến dịch tranh cử của mình – lại là người hoàn thành chiến lược xoay trục mà ông Obama đề xướng.

>> Trump sẽ hiện thực hoá chính sách xoay trục sang châu Á của Obama

7. ObamaCare

Ông Obama là tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên khiến Quốc hội thông qua được một đạo luật về bảo hiểm y tế giúp 20 triệu người chưa có bảo hiểm được bảo hiểm.

Thế nhưng lời hứa nổi tiếng của vị Tổng thống da màu: “Nếu bạn thích bác sĩ riêng của mình, bạn có thể giữ lại bác sĩ của mình” là không đúng sự thật – và ông đáng lẽ phải biết điều này khi thúc ép Đạo luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền tới Quốc hội. Chẳng bao lâu, giá phí bảo hiểm tăng mạnh, luật lại đè nặng lên chủ doanh nghiệp nhỏ, vốn là lực lượng tạo ra lượng công ăn việc làm mới chủ yếu cho nước Mỹ.

Ông Trump và Đảng Cộng hòa không thích ObamaCare. Vì vậy vài giờ sau khi tuyên thệ, tân Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh mà ông cho là sẽ giúp “giảm gánh nặng kinh tế của ObamaCare“, góp phần đẩy nhanh tiến trình huỷ bỏ và thay thế đạo luật y tế mang dấu ấn của người tiền nhiệm.

Ông Trump cũng cam kết sẽ sớm công bố một giải pháp bảo hiểm y tế mới, phù hợp hơn và giá phí rẻ hơn nhiều.

Trọng Đức