Ngày 12/6, lãnh đạo nhóm G7 đã tìm biện pháp ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc, thông qua việc đưa ra kế hoạch cơ sở hạ tầng nhằm cạnh tranh với sáng kiến ​​Vành đai và Con đường trị giá hàng nghìn tỷ đô la của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Embed from Getty Images

Nhóm lãnh đạo G7 tiến hành nhóm họp ở khu vực Tây Nam nước Anh đã đi đến một phản ứng thống nhất trước sự quyết đoán ngày càng tăng của ông Tập, sau sự trỗi dậy mạnh mẽ về kinh tế và quân sự của Trung Quốc trong 40 năm qua.

Theo Nhà Trắng, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và các nhà lãnh đạo G7 khác hy vọng kế hoạch của họ, được gọi là sáng kiến ​​Xây dựng lại Thế giới Tốt đẹp hơn (B3W), sẽ cung cấp một mối quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng minh bạch, nhằm giúp thu hẹp 40 nghìn tỷ đô la mà các quốc gia đang phát triển cần vào năm 2035.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền của Biden nhận định: “Đây không chỉ là về vấn đề đối đầu hay thách đố Trung Quốc. Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa đưa ra được giải pháp thay thế tích cực nào phản ánh các giá trị, tiêu chuẩn và phương thức giao dịch của chúng tôi.”

Nhà Trắng cũng cho biết, G7 và các đồng minh sẽ sử dụng sáng kiến ​​này để huy động vốn của khu vực tư nhân trong các lĩnh vực như khí hậu, y tế và an ninh sức khỏe, công nghệ kỹ thuật số cũng như công bằng và bình đẳng giới. Hiện chưa rõ kế hoạch sẽ được vận hành như thế nào, hoặc cuối cùng sẽ phân bổ bao nhiêu vốn.

Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, do ông Tập đưa ra vào năm 2013, bao gồm các sáng kiến ​​phát triển và đầu tư trải dài từ châu Á sang châu Âu và xa hơn nữa. Đến nay, hơn 100 quốc gia đã ký thỏa thuận với Trung Quốc để hợp tác trong các dự án BRI như đường sắt, cảng, đường cao tốc cùng các cơ sở hạ tầng khác.

Nhiều chuyên gia nhìn nhận rằng, kế hoạch của ông Tập nhằm tạo ra một phiên bản hiện đại của tuyến đường thương mại Con đường Tơ lụa cổ xưa, nhằm nối liền Trung Quốc với châu Á, châu Âu và xa hơn nữa, chính là phương tiện cho sự bành trướng của Trung Quốc Cộng sản.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc

Các nhà lãnh đạo của G7, bao gồm các quốc gia Hoa Kỳ, Canada, Anh, Đức, Ý, Pháp và Nhật Bản, muốn thông qua cuộc gặp mặt của họ tại khu nghỉ dưỡng bên bờ biển Carbis Bay nhắn gửi thông điệp với thế giới rằng, các nền dân chủ giàu mạnh nhất có thể cung cấp một giải pháp thay thế cho ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc .

Việc Trung Quốc nổi lên với tư cách là một cường quốc có thể coi là một trong những sự kiện địa chính trị quan trọng nhất trong thời gian gần đây, bên cạnh sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 – mà qua đó đã kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Năm 1979, nền kinh tế Trung Quốc còn yếu kém hơn  Ý. Nhưng sau khi mở cửa cho đầu tư nước ngoài và tiến hành một số cải cách thị trường, nước này đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và dẫn đầu toàn cầu về một loạt công nghệ mới.

Quan chức Mỹ nói thêm, đến nay phương Tây vẫn chưa đưa ra được giải pháp thay thế tích cực nào cho “sự thiếu minh bạch, tiêu chuẩn và môi trường  lao động thấp kém, cũng như cách tiếp cận cưỡng chế” của chính quyền Trung Quốc vốn khiến nhiều quốc gia trở nên tồi tệ hơn.

Theo cơ sở dữ liệu của Refinitiv, tính đến giữa năm 2020, hơn 2.600 dự án với chi phí 3,7 nghìn tỷ USD đã được liên kết với BRI. Con số này có thể sẽ cao hơn nữa nếu  như không diễn ra đại dịch gây ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu. Hồi tháng 6 năm ngoái, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo khoảng 20% ​​dự án đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19.

Là một phần của kế hoạch G7, Hoa Kỳ sẽ làm việc với Quốc hội Hoa Kỳ để bổ sung nguồn tài chính phát triển hiện có và để “xúc tiến chung cho hàng trăm tỷ đô la đầu tư cơ sở hạ tầng”, Nhà Trắng cho biết.

Lên án vấn nạn lao động cưỡng bức ở Trung Quốc

Tại hội nghị, ông Biden đã có những bình luận xác đáng với các nhà lãnh đạo G7 về việc Washington đưa ra tuyên bố mạnh mẽ về nạn lao động cưỡng bức ở Trung Quốc. Tuy nhiên, thái độ của các quốc gia về vấn đề này cũng có sự khác biệt nhất định. Về cơ bản, Canada, Vương quốc Anh và Pháp phần lớn đồng ý với lời kêu gọi của Biden; trong khi Đức, Ý và Liên minh châu Âu tỏ ra lưỡng lự hơn trong phiên họp đầu tiên của Hội nghị G7 vào ngày thứ Bảy (12/6), theo một quan chức cấp cao của chính quyền Biden. Xung đột có thể sẽ không được giải quyết cho đến ngày Chủ nhật, khi nhóm ban hành một thông cáo tóm tắt kết quả của hội nghị thượng đỉnh.

Quan chức này còn nói, ông Biden muốn các nhà lãnh đạo G7 sẽ có chung một tiếng nói duy nhất về việc lên án hành vi lao động cưỡng bức nhắm vào người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác của chính quyền Trung Quốc. Ông Biden hy vọng điều này có thể trở thành một phần của thông cáo chung sẽ được đưa ra vào Chủ nhật khi hội nghị thượng đỉnh kết thúc, nhưng dường như một số đồng minh châu Âu không muốn đối đầu trực diện quyết liệt với Bắc Kinh.

Tuyên bố về Trung Quốc trong thông cáo có thể sẽ không đi kèm hình phạt ngay lập tức nào đối với Bắc Kinh, tuy nhiên hành động này sẽ gửi đi một thông điệp rằng G7 rất nghiêm túc trong việc bảo vệ nhân quyền và sẽ hợp tác chặt chẽ nhằm để chấm dứt vấn nạn lao động cưỡng bức của chính quyền cộng sản.

Theo ước tính của các chuyên gia và các nhóm nhân quyền của Liên Hợp Quốc, hiện có khoảng hơn 1 triệu người, chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác, đã bị giam giữ trong hệ thống trại lao động ở Tân Cương.

Chính quyền Trung Quốc vẫn luôn phủ nhận tất cả các cáo buộc cưỡng bức lao động hoặc đàn áp nhân quyền. Ban đầu, họ phủ nhận sự tồn tại của các trại tập trung này, nhưng sau đó lại khẳng định đó là các trung tâm dạy nghề và được xây dựng nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố cực đoan. Cuối năm 2019, Trung Quốc tuyên bố tất cả những người được đưa vào trong các trại này đã “tốt nghiệp”.

Minh Ngọc (Theo Reuters, AP)

Xem thêm: