Thứ Năm (5/5), Nghị viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết khẩn cấp bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về hoạt động mổ cướp nội tạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). 

Trụ sở Liên minh châu Âu tại Brussels, Vương Quốc Bỉ.
Trụ sở Liên minh châu Âu tại Brussels, Vương Quốc Bỉ. (Ảnh: jorisvo/ShutterStock)

Trong một tuyên bố hôm thứ Năm (5/5), “Liên minh Tiến bộ của các đảng viên Xã hội và Dân chủ” (S&D) của Nghị viện châu Âu cho biết, về việc nghị quyết được Nghị viện châu Âu thông qua vào ngày 5/5, S&D nhấn mạnh rằng “hoạt động thu hoạch nội tạng có hệ thống” của Trung Quốc (ĐCSTQ) “vi phạm nghiêm trọng nhân quyền và cần phải tiến hành một cuộc điều tra đầy đủ, độc lập và minh bạch.”

Thành viên S&D, bà Marie Arena, kiêm chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện Châu Âu, lần đầu tiên đề xuất tại Nghị viện Châu Âu ý tưởng đưa ra một nghị quyết khẩn cấp về nạn mổ cướp nội tạng sống của ĐCSTQ. Ý tưởng này nhanh chóng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nghị sĩ như ông Peter van Dalen.

Sau đó, tất cả các đảng phái chính trị trong Nghị viện châu Âu đã tiến hành thảo luận và đề xuất nội bộ về vấn đề này, và cuối cùng các bên đã thông qua một nghị quyết. Bà Arena thay mặt S&D đàm phán nội dung của nghị quyết này với các bên khác.

S&D dẫn lời bà Arena cho biết trong một tuyên bố: “Mỗi năm, 10.000 ca cấy ghép nội tạng người bất hợp pháp được thực hiện trên toàn thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, việc này tạo ra lợi nhuận hơn 1 tỷ euro mỗi năm. Việc thu hoạch nội tạng sống có thể cấu thành tội ác chống lại loài người.”

Bà Arena nói: “Bắc Kinh phải chấm dứt ngay hoạt động nghiêm trọng và phi pháp này, chủ yếu nhắm vào các học viên Pháp Luân Công đang bị giam giữ. Chính quyền Trung Quốc cũng phải tuân thủ yêu cầu thu mua nội tạng và các cam kết về nhân quyền, đồng thời cho phép các chuyên gia quốc tế giám sát độc lập.”

“Vì đây là lần thứ 3 trong thập kỷ qua Nghị viện châu Âu đã kêu gọi chấm dứt hành vi xâm phạm nhân quyền nghiêm trọng của Trung Quốc (ĐCSTQ). Hiện giờ đã đến lúc EU phải công khai lên án và hành động, nhằm ngăn chặn người châu Âu (đến Trung Quốc) du lịch cấy ghép tạng,” bà nói.

Một nghị quyết khẩn cấp được Nghị viện châu Âu thông qua cho biết, hệ thống cấy ghép nội tạng của Trung Quốc không đáp ứng các yêu cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về “tính minh bạch và truy xuất nguồn gốc” khi thu nhận các cơ quan nội tạng; trong khi đó Chính phủ Trung Quốc lại “từ chối điều tra độc lập về hệ thống này.”

Nghị quyết cũng nói rằng Nghị viện châu Âu vô cùng quan tâm đến các báo cáo về việc mổ cướp nội tạng “liên tục, có hệ thống, vô nhân đạo và được nhà nước phê duyệt” từ các tù nhân còn sống ở Trung Quốc, cụ thể hơn là nội tạng từ học viên Pháp Luân Công và các dân tộc thiểu số như người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và tín đồ Cơ đốc.

Pháp Luân Công dạy mọi người thực hành “Chân – Thiện – Nhẫn” trong cuộc sống, giúp các học viên khỏe mạnh về thể chất và tinh thần. Đến nay, Pháp Luân Công đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và giành được hơn 3.000 giải thưởng quốc tế. Năm 1999, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công với quy mô chưa từng có, được Công an, Viện kiểm sát và các Sở Tư pháp phối hợp triển khai, và đã vượt xa phạm vi pháp luật.

EU “kêu gọi chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) kịp thời phản hồi về những cáo buộc mổ sống cướp nội tạng, và cho phép các cơ chế nhân quyền quốc tế, gồm Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc, giám sát độc lập”, nghị quyết cho biết.

Nghị viện châu Âu kêu gọi “EU và các quốc gia thành viên nêu vấn đề mổ cướp nội tạng sống ở Trung Quốc trong mọi cuộc đối thoại về nhân quyền; kiên trì yêu cầu EU và các quốc gia thành viên công khai lên án hành vi lạm dụng cấy ghép nội tạng của Trung Quốc (ĐCSTQ); kêu gọi các quốc gia thành viên tiến hành những hành động cần thiết, nhằm ngăn chặn công dân của mình đến Trung Quốc du lịch cấy ghép nội tạng, và nâng cao nhận thức của những công dân đến Trung Quốc về vấn đề này.”

Nghị quyết cho biết Nghị viện châu Âu hoan nghênh chuyến thăm của bà Michelle Bachelet, chuyên viên cấp cao của Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc tới Trung Quốc và kêu gọi Liên Hợp Quốc tiếp tục điều tra nạn buôn bán nội tạng ở Trung Quốc trong chuyến thăm lần này.

Bình Minh (t/h)