Việc điều động quân đội của Nga gần Ukraine đã khiến Kiev và Mỹ lo ngại rằng Nga có thể đang cân nhắc tấn công nước láng giềng của mình. Dưới đây là một số câu hỏi đặt ra.

Embed from Getty Images

Hai bên nói gì về nguy cơ xảy ra xung đột?

Nga phủ nhận việc đe dọa Ukraine và cho biết họ có thể triển khai quân đội trên lãnh thổ của mình tùy ý. Nga cũng đã cáo buộc Ukraine và NATO đang gây căng thẳng và cho rằng Kiev có thể đang chuẩn bị cố gắng giành lại hai khu vực phía đông do phe ly khai thân Nga kiểm soát kể từ năm 2014. Cơ quan gián điệp nước ngoài của Nga trong tuần này đã so sánh tình hình với sự kiện năm 2008, khi xảy ra cuộc chiến mà lực lượng của Nga đè bẹp quân đội nước láng giềng Gruzia.

Ukraine phủ nhận việc lên kế hoạch cho bất kỳ cuộc tấn công nào như vậy và cho rằng Nga có hơn 92.000 quân tập trung gần biên giới của mình và có nguy cơ tiến hành một cuộc tấn công.

Liệu có khả năng Nga xâm lược Ukraine?

Reuters đã trao đổi với hơn một chục nguồn tin, bao gồm các quan chức tình báo phương Tây và những người Nga thông thạo thông tin của Kremlin, và gần như tất cả đều đồng ý rằng một cuộc xâm lược khó có thể sắp xảy ra. 

Theo họ, một kịch bản hợp lý hơn là Tổng thống Vladimir Putin đang sử dụng sự răn đe bằng lực lượng quân sự đáng kể để báo hiệu rằng Nga nghiêm túc trong việc bảo vệ “lằn ranh đỏ” của mình đối với Ukraine. Trong những tuần gần đây, Nga đã nhiều lần tuyên bố rằng họ không sẵn sàng chấp nhận việc NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine hoặc bất kỳ sự hiện diện quân sự nào của NATO ở đó, chưa nói đến viễn cảnh Ukraine cuối cùng trở thành thành viên của liên minh. 

Các nguồn tin này cho biết thêm, ông Putin rất giỏi trong việc leo thang và giảm leo thang trong khủng hoảng – như ông đã làm vào hồi mùa xuân khi hơn 100.000 quân Nga tập trung gần biên giới Ukraine và sau đó rút lui. Bằng cách này, ông đang khiến các đối thủ của Nga phải phán đoán ý định của mình và nhắc nhở phương Tây rằng Nga là một thế lực cần phải tính đến.

Nếu chiến tranh xảy ra, thì nó sẽ như thế nào?

Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), các lực lượng vũ trang của Nga có 900.000 binh sĩ đang hoạt động so với 209.000 của Ukraine, tức gấp 4 lần. 

Nhưng Samir Puri, thành viên cấp cao về chiến tranh hỗn hợp tại IISS, cho biết lợi thế thực sự đối với Nga là nước này đã có các lực lượng ủy nhiệm chiến đấu trong cuộc chiến ly khai ở miền đông Ukraine, cho phép họ liên kết và mở rộng khu vực đã thuộc quyền điều khiển của lực lượng này. 

Ông nói, nếu Nga tiến hành một cuộc xâm lược rộng lớn hơn, họ có thể dự tính tấn công từ phía bắc (từ Nga và đồng minh Belarus), từ phía đông hoặc từ phía nam (qua Crimea, mà Nga đã chiếm từ Ukraine vào năm 2014), với một cuộc tấn công của hải quân vào các thành phố Odessa và Mariupol. 

Ukraine đang chuẩn bị ra sao để tự vệ?

Ukraine đã mạnh hơn đáng kể về mặt quân sự so với năm 2014, khi nước này mất Crimea vào tay Nga mà không có một cuộc chiến thực sự nào. Ukraine hiện có các tên lửa chống tăng tiên tiến do Washington cung cấp và có thể dựa vào sự hỗ trợ của tình báo Mỹ. Nhưng nước này vẫn sẽ phải đối mặt với một đối thủ áp đảo, ví dụ như lợi thế của Nga về xe tăng chiến đấu là 3 chọi 1.

Mathieu Boulegue, một nhà nghiên cứu tại Chatham House, London, cho biết: “Đối với Ukraine, vấn đề sẽ là … cầm cự càng lâu càng tốt, cầu xin sự hỗ trợ từ phương Tây và cuối cùng là phản công. 

“Nếu Nga gây ra cuộc xâm lược tổng thể, câu hỏi đặt ra cho Kiev là sẽ tổ chức chiến tranh kiểu phòng thủ phản công để khiến cái giá của Nga phải trả cho cuộc xâm lược là rất lớn.”

Điều gì có thể ngăn cản Moscow thực hiện việc này? 

Phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga sau khi chiếm Crimea và có thể thêm các biện pháp mới, chẳng hạn như ngăn cản Nga bơm khí đốt qua đường ống Nord Stream 2 mới được xây dựng tới Đức. Tổng thống Putin sẽ có nguy cơ bị cắt đứt hoàn toàn quan hệ với phương Tây nếu ông tiến hành xâm lược. 

Hiện vẫn chưa rõ NATO có thể hành động đến mức nào để bảo vệ Ukraine, một điều sẽ đầy rủi ro cho tất cả các bên. Ukraine không phải là thành viên của NATO nhưng cũng khó xử cho Liên minh nếu không làm gì khi nước này bị tấn công.

“Đây là một trò chơi đầy cam go đang diễn ra. Cả NATO và Moscow sẽ có những tính toán xung quanh các bước leo thang có thể diễn ra. Nếu NATO triển khai chiến đấu … thì người Nga sẽ coi đây là một sự leo thang khó tin”, ông Puri nói.

Đông A (theo Reuters)

Xem thêm: