Đến nửa cuối năm 2022, cuộc phản công quyết liệt của Ukraine đã buộc quân xâm lược Nga phải rút lui trên nhiều mặt trận. Đến nay sắp tới ngày 24/2 tròn năm chiến tranh Nga xâm lược Ukraine, quân Nga đang đạt được những bước tiếng nhỏ ổn định ở miền đông Ukraine.

Soledar 1 1
Chiến trường Soledar, Ukraine. (Ảnh chụp màn hình video)

Dưới đây là bản tóm tắt của Reuters về những diễn biến chính trong cuộc xung đột lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II:

Xâm lược

Ngày 24/2 năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin điều hàng chục nghìn quân vào Ukraine để tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” trên nước láng giềng nhằm “giải trừ vũ trang”, thanh trừng “những người theo chủ nghĩa dân tộc” và ngăn chặn vấn đề mà Moscow cho rằng các nước phương Tây ủng hộ Kyiv gia nhập NATO và Liên minh châu Âu (EU).

Người Ukraine lên án mục đích của ông Putin là làm tan biến dân tộc Ukraine 1000 năm lịch sử trở lại thành một phần của Moscow như tình trạng trước khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.

Khởi đầu cuộc chiến, quân Nga đã thực hiện tổng tiến công xâm lược Ukraine từ phía bắc, phía đông và phía nam.

Nga thất bại trong việc chiếm Kyiv

Là một phần của kế hoạch chiếm thủ đô Ukraine, chỉ vài giờ sau cuộc xâm lược, quân Nga đã thả biệt kích xuống sân bay Antonov, một căn cứ hàng hóa ở phía bắc Kyiv. Nhưng chỉ trong vòng một ngày, quân Ukraine không chỉ quét sạch các đơn vị lính dù tinh nhuệ của Nga, mà còn phá hủy đường băng bãi đáp của lính dù Nga.

Sau đó cánh quân thiết giáp của Nga tiến đến vùng ngoại ô phía bắc của Kyiv, nhưng cuối cùng phải rút lui trong hỗn loạn.

Tội ác

Các nhà điều tra nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã báo cáo vào cuối năm ngoái rằng quân xâm lược Nga trong giai đoạn đầu của cuộc xâm lược đã giết chết ít nhất 441 thường dân Ukraine, bao gồm cả hành quyết (hành quyết tùy tiện), có thể coi là tội ác chiến tranh.

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền (Office of the High Commissioner for Human Rights) báo cáo các vụ giết người [dân thường] diễn ra ở các vùng Chernihiv, Sumy và Kyiv, nổi tiếng nhất là ở thành phố vệ tinh Bucha của Kyiv, [tình hình đó kéo dài] mãi cho đến đầu tháng 4/2022 khi quân đội Nga rút lui.

Những cáo buộc nhắm mục tiêu vào dân thường đó luôn bị Moscow phủ nhận, tuyên bố bằng chứng cáo buộc đưa ra là giả mạo.

Nga thay đổi chiến thuật

Tháng 3/2022, Nga thu hẹp mục tiêu chiến tranh, tuyên bố tập trung vào “giải phóng” hoàn toàn vùng Donbas ở miền đông Ukraine – khu vực vào năm 2014 những phần tử ly khai được Moscow hậu thuẫn đã nỗi dậy.

Trong cuộc xung đột gây tổn thất nặng nề cho cả hai bên, quân đội Nga đã tiến công chậm dần. Đến tháng 6 cùng năm, Chính phủ Ukraine cho biết mỗi ngày có 100 đến 120 binh sĩ thiệt mạng. Trong khi phía Nga không tiết lộ số thương vong hàng ngày.

Quân đội Nga đã sử dụng ưu thế về hỏa lực pháo binh để áp đảo quân đội Ukraine. Sau khi chiếm được Sievierodonetsk và Lysychansk ở Donbas, vào ngày 4/7 ông Putin tuyên bố đã giành chiến thắng ở khu vực này, nhưng giao tranh vẫn đang tiếp diễn.

Đối với Kyiv, ngày 14/4 là một khoảnh khắc lên dây cót tinh thần khi 2 tên lửa của Ukraine đã bắn trúng soái hạm Moskva thuộc Hạm đội Biển Đen nổi tiếng của quân Nga –  40 năm qua, đây là con tàu chiến lớn nhất bị đánh chìm trong chiến tranh.

Vây hãm Mariupol

Sau cuộc bao vây kéo dài 3 tháng mà Hội Chữ thập đỏ ví là “địa ngục”, vào tháng 5 năm ngoái quân xâm lược Nga đã chiếm được thành phố cảng Mariupol quan trọng ở Biển Đen.

Trước đó vào tháng 3/2022, Ukraine từng cho biết một nhà hát nơi các gia đình Ukraine trú ẩn đã bị quân xâm lược Nga phá hủy. Trong các bức ảnh vệ tinh có thể nhìn thấy từ “trẻ em” được viết cảnh báo trên mặt đất bên ngoài nhà hát. Kyiv cho biết rằng Nga đã đánh bom nó, giết chết hàng trăm người. Moscow phản bác vụ việc là cáo buộc giả mạo, nhưng không đưa ra bằng chứng.

Kết thúc cuộc bao vây Mariupol là tình cảnh những người bảo vệ Ukraine cuối cùng trú ẩn bên trong nhà máy thép khổng lồ Azovstal đã phải đầu hàng.

Ukraine tấn công trở lại

Trong bối cảnh chiến tranh tiếp tục kéo dài, Mỹ và châu Âu bắt đầu cung cấp cho Ukraine vũ khí ngày càng mạnh và tầm xa hơn, đồng thời sử dụng các biện pháp trừng phạt để cố gắng ngăn chặn xâm lược quân sự của Nga.

Vào tháng 8/2022, Ukraine đã phát động một cuộc phản công gần Kherson ở phía nam (khi đó Ukraine đã được trang bị tốt hơn). Kherson là cửa ngõ đất liền duy nhất đến Crimea. Crimea được Nga sáp nhập vào năm 2014 và là nơi Hạm đội Biển Đen của Nga đóng quân. Kyiv tấn công các tuyến đường tiếp tế, kho đạn dược và thậm chí cả căn cứ không quân Saki của Nga ở Crimea.

Đầu tháng 9/2022, quân đội Ukraine đã đạt được bước tiến đáng ngạc nhiên ở phía đông bắc vùng Kharkiv, giành lại đầu mối đường sắt duy nhất cung cấp cho tiền tuyến của khu vực quân Nga chiến đóng.

Lấy lại Kherson

Nga đã ra lệnh cho quân đội từ bỏ Kherson vào ngày 9/11 năm ngoái, đây là vùng thủ phủ duy nhất mà quân Nga chiếm được kể từ khi xâm lược. Người dân hoan hô sự trở lại của quân đội Ukraine mặc dù thành phố vẫn đang bị Nga pháo kích.

Vùng Kherson là một trong bốn vùng mà Putin đã tuyên bố sáp nhập “vĩnh viễn” vào Nga.

Quân xâm lược Nga tấn công tên lửa vào thường dân

Kể từ những tuần cuối cùng của năm 2022, quân xâm lược Nga đã bắn hàng chục tên lửa vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine làm cho hàng triệu người Ukraine chìm trong bóng tối và giá lạnh.

Moscow cho biết họ nhắm mục tiêu vào hệ thống năng lực sản xuất quân sự quan trọng của Ukraine; nhưng phía Ukraine cho biết các cuộc tấn công cách xa mặt trận tiền tuyến phía đông và phía nam, nhằm mục đích gây hại cho dân thường và được coi là tội ác chiến tranh.

Nga gặp bất lợi

Bất chấp các cuộc tấn công tên lửa bừa bãi, vào cuối năm 2022 cuộc chiến xâm lược của Nga rõ ràng trên bờ vực thất bại. Moscow đã tuyển dụng khoảng 300.000 quân dự bị để củng cố quyền kiểm soát phần lãnh thổ bị chiếm đóng còn lại, chiếm khoảng 1/5 diện tích Ukraine.

Tình hình đó khiến các chuyên gia quân sự từng nghi ngờ về khả năng Kyiv chỉ đủ sức cầm cự trong vài ngày, đã chuyển hướng thảo luận về việc liệu Nga có thể giành chiến thắng nổi cuộc chiến này hay không.

Cuộc tấn công mới của Nga

Sau vài tháng, tiền tuyến hai bên chỉ đôi co trong trạng thái tĩnh của pháo kích với chiến hào, vào tháng 1/2023 quân xâm lược Nga được tăng cường hàng chục ngàn tân binh và lính đánh thuê tinh nhuệ của Wagner đã thúc đẩy tiến công trở lại.

Các máy bay chiến đấu Wagner đã đóng một vai trò quan trọng trong tuyên bố của Nga vào ngày 13/1 về việc chiếm thị trấn khai thác muối Soledar ở tỉnh Donetsk phía đông. Trong nửa năm, đây là chiến thắng đáng chú ý đầu tiên của Moscow trên chiến trường.

Đến nay quân Nga đang tập trung pháo binh và tấn công trên bộ vào thành phố Bakhmut gần đó – dù giờ đây thành phố gần như bị san bằng sau nhiều tháng bị ném bom: Bakhmut trước chiến tranh có 70.000 dân thì nay đã thực sự trở thành thành phố ma.

Từ ngày 7 – 12/2, lực lượng của Wagner dường như chỉ tiến được vài cây số xung quanh phía bắc Bakhmut và bắt đầu hình thành một vòng vây, tuy nhiên đó cũng có thể xem đó là bước tiến đáng kể trong một cuộc chiến mà tiền tuyến đã không nhích lên được trong nhiều tháng.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 14/2 cho biết, trước khi Kyiv có thể có được xe tăng chiến đấu hiện đại và các vũ khí hạng nặng khác từ NATO và các nước phương Tây giúp thay đổi cục diện, quân xâm lược Nga rất mong muốn một lần nữa di chuyển qua phía đông và phía nam.

Việc sử dụng đạn pháo của Ukraine đang nhanh hơn khả năng sản xuất của phương Tây. Sau khi hứa hẹn sẽ hỗ trợ xe tăng cho Ukraine, NATO đã bắt đầu thảo luận yêu cầu của Kyiv về máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa để giúp Ukraine trong cuộc tấn công mùa xuân được dự tính. “Đó là lý do tốc độ trợ giúp rất quan trọng”, ông Zelensky nói.

Trong tuần này các bộ trưởng quốc phòng NATO đang ở Brussels để có thêm các cuộc đàm phán liên quan.

Mộc Vệ (theo Reuters)