2018 sẽ là năm của những cuộc bầu cử quan trọng từ Nga, Ý… ở Châu Âu, tới Campuchia, Malaysia tại Châu Á…và một loạt các nước Châu Phi, nhưng khả năng sẽ không có bất ngờ như bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Căng thẳng và xung đột có thể xảy ra ở các điểm nóng quen thuộc như Bắc Hàn, Trung Đông và Nam Mỹ.

Nhìn chung năm 2018 vẫn sẽ là vũ đài chính của Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Kinh tế và quân đội Mỹ sẽ tiếp tục phát triển nhanh và mạnh. Trung Quốc cũng ngày càng mạnh mẽ và quyết đoán hơn. Trong khi Tây Âu tiếp tục chia rẽ với sự suy yếu của khối Liên minh Châu Âu. Làn sóng di dân từ Châu Phi, Trung Đông tới Châu Âu tiếp tục gia tăng và nó ngày càng đe dọa tới sự ổn định của cựu lục địa.

1. Nước Anh sẽ hoàn thành đàm phán Brexit

Tháng cuối năm 2017, Thủ tướng Anh Theresa May đã đạt được thành công khi thuyết phục Nghị viện Anh Quốc thông qua vòng đàm phán thứ nhất về Brexit với Ủy ban Châu Âu. Các bên đã bắt đầu hướng tới vòng đàm phán thứ hai về tương lai của mối quan hệ giữa Anh và Liên minh Châu Âu (EU) hậu Brexit.

Cuộc đàm phán trong năm 2018 sẽ tiếp tục gặp khó khăn nhưng cuối cùng nước Anh vẫn sẽ kết thúc đàm phán thành công để chính thức rời EU vào năm 2019. Sau khi Anh ra đi, trong khi nước Đức của thủ tướng Merkel gặp rắc rối trong vấn đề nội bộ, Nước Pháp của Tổng thống Macron hứa hẹn sẽ là đầu tàu đoàn kết, thống nhất EU trong năm 2018 và các năm tiếp theo.

2. Tổng thống Putin sẽ dễ dàng tái nhiệm trong cuộc bầu cử 2018

Với việc ứng cử viên đối lập Alexei Navalny đã bị đình chỉ tư cách ứng viên tổng thống do đang chịu án lạm dụng công quỹ, Tổng thống Vladimir Putin không còn đối thủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga vào tháng 3/2018.

Cuộc bầu cử này gần như chỉ mang tính hình thức và ngoại giới sẽ chú ý nhiều hơn vào số lượng cử tri tham gia bầu cử thay vì dự đoán ai sẽ thắng cử.

Với việc nắm giữ kênh truyền thông trong tay, tất cả các cuộc thăm dò đều cho thấy ông Putin vẫn đang nhận được tín nhiệm cao. Tuy nhiên, có thể cuộc bầu cử 2018, số cử tri tham gia bầu cử sẽ không cao, báo hiệu sự thờ ơ và chán nản của công chúng Nga với sự cầm quyền quá lâu của ông Putin.

Việc ông Putin tái cử cũng sẽ không phải là tin vui với hàng triệu người sống trong các nước cộng hòa độc lập (thuộc Liên Xô cũ), vì Tổng thống Nga sẽ duy trì và cố gắng mở rộng ảnh hưởng trong lãnh thổ của họ để tạo ra một vùng đệm giữa Nga và phương Tây.

Cuộc chiến ở phía đông Ukraine sẽ tiếp tục kéo dài. Cộng hòa Dân chủ Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk, đang chiến đấu với chính quyền Kiev và được Moscow tài trợ, sau bầu cử Nga, có thể sẽ còn được Moscow hỗ trợ nhiều hơn nữa.

Moscow sẽ tiếp tục ủng hộ Nam Ossetia và các nước cộng hòa Abkhazia ở Gruzia, giống như Nga đang hậu thuẫn các nước cộng hòa ở Đông Ukraine. Chính quyền Putin cũng sẽ tiếp tục chiến thuật “lấn biên giới”, trong đó quân đội của họ từ từ và từng bước di chuyển các cột mốc biên giới theo từng centimet để giành được nhiều lãnh thổ hơn và tiếp tục hy vọng ngăn chặn NATO tiến thêm về phía Đông.

Nga cũng sẽ tiếp tục cố gắng trà trộn quân đội của họ với lực lượng của Belarus, vì Moscow chuẩn bị sẵn sàng sử dụng Belarus trong trường hợp có cuộc đối đầu với phương Tây. Các nước khác như Montenegro, Lithuania, và Latvia sẽ trải nghiệm bị Nga can thiệp vào chính trường nhiều hơn và đối mặt với “cuộc chiến hỗn huyết”.

3. Đảng Cộng hòa vẫn giành đa số ghế tại Quốc hội Mỹ sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ

Cuộc bầu cử quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ năm 2018 sẽ là thử thách quan trọng cho quyền lực của Tổng thống Trump và Đảng Cộng hòa.

Trong cuộc bầu cử Thượng nghị sĩ tại bang Alabama – trái tim của Đảng Cộng hòa vào cuối năm 2017, Đảng Dân chủ đã giành chiến thắng. Tuy nhiên, đó dường như chỉ là tai nạn cá nhân của ứng viên Roy Moore khi ông bị tố cáo lạm dụng tình dục.

Đảng Dân chủ có thể có thêm ghế tại Hạ viện, nhưng về tổng thể sau bầu cử phe Cộng hòa vẫn sẽ chiếm đa số tại lưỡng viện, tiếp tục hỗ trợ các chính sách ủng hộ kinh doanh và tăng cường tiềm lực quốc phòng mà Tổng thống Donald Trump đang theo đuổi.

4. Khủng hoảng hạt nhân Bắc Hàn chưa thể dẫn tới chiến tranh quy mô lớn

Bắc Hàn 2018 tiếp tục sẽ là điểm nóng an ninh lớn nhất trên thế giới. Chế độ Kim Jong-un nhiều khả năng sẽ vẫn thử thêm bom hạt nhân và nhiều tên lửa đạn đạo và sẽ lần đầu bắn thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm.

Phản ứng của Hoa Kỳ và chính quyền Trump tiếp tục là tăng cường tối đa lệnh trừng phạt và đe dọa sử dụng vũ lực. Tuy nhiên, cả Hoa Kỳ và Bắc Hàn sẽ mất rất nhiều nếu chiến tranh bùng nổ, nên bán đảo Triều Tiên 2018 vẫn sẽ luôn ở trên bờ vực chiến tranh, nhưng chưa thể diễn ra xung đột vũ trang quy mô lớn.

Tuy nhiên, có thể vẫn có những cuộc đụng độ nhỏ, ví như Hoa Kỳ và đồng minh có thể bắn hạ tên lửa của Bắc Hàn khi nó bay qua bầu trời Nhật Bản hoặc phá hủy tên lửa Bắc Hàn ngay từ lúc mới xuất phát.

Đổi lại, Bắc Hàn có thể sử dụng các cuộc tấn công không gian mạng, hoặc bắt giữa các công dân của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản để trả đũa. Nhưng chế độ Bình Nhưỡng sẽ không dám mạo hiểm phát động chiến tranh quy mô lớn với Hoa Kỳ và đồng minh.

5. Đức sẽ tổ chức bầu cử lại

Sau cuộc bầu cử năm 2017, Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của bà Angela Merkel đã giành thắng lợi sít sao và vẫn chưa thể thành lập chính phủ đa số. Những mâu thuẫn trong chính sách nhập cử đã khiến bà Merkel không thể dung hòa các đối tác đàm phán thành lập liên minh.

Đứng trước lựa chọn có thể thành lập chính phủ thiểu số hoặc tổ chức bầu cử lại, khả năng bà Merkel sẽ lựa chọn phương án thứ hai.

CDU nhiều khả năng vẫn sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lại, nhưng rất khó để họ giành chiến thắng áp đảo để tự thành lập chính phủ đa số. Hơn nữa, bầu cử lại có thể sẽ tạo ra thắng lợi lớn hơn cho Đảng lựa chọn khác cho nước Đức (AfD) – một đảng cực hữu chống nhập cư.

Nhiều khả năng 2018 nước Đức vẫn tiếp tục rơi vào khủng hoảng chính trị và bà Merkel sẽ còn phải mất nhiều thời gian để thành lập chính phủ. Liên minh Châu Âu cũng sẽ bị ảnh hưởng do cuộc khủng hoảng chính trị ở Đức. EU sẽ phải nhờ cậy nhiều hơn vào sự năng nổ của Tổng thống Pháp Macron để ổn định nội khối.

6. Trung Quốc ‘hung hăng’ hơn tại biển Đông và biển Hoa Đông

Trong năm 2017, Trung Quốc đã phát hành báo cáo công khai việc bồi đắp và quân sự hóa các đảo trên biển Đông. Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) triển khai nhiều cuộc tập trận quy mô lớn xung quanh quần đảo Hoàng Sa, thậm chí có những cuộc tập trận cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2017, chỉ cách bờ biển Việt Nam khoảng 75 hải lý.

Năm qua, PLA cũng thường xuyên cho máy bay ném bom chiến lược H-6 bay vào không phận và tàu sân bay tiến vào Eo Miyako Nhật Bản – vùng nước nằm giữa các đảo Miyako và Okinawa. Khi Nhật Bản phàn nàn về các hành vi vi phạm không phận và hoạt động gia tăng, giới chức Trung Quốc đã phản ứng bằng một tuyên bố ngắn gọn: “Hãy quen với nó”.

Với việc Trung Quốc có lối hùng biện ngày càng quyết đoán hơn và hoạt động triển khai tại thực địa cũng mạnh mẽ hơn, năm 2018 biển Đông và biển Hoa Đông sẽ tiếp tục nổi sóng với “sức mạnh cơ bắp” của họ.

7. Maduro sẽ bị lập đổ sau cuộc bầu cử tại Venezuela 2018

Năm 2017, khủng hoảng kép kinh tế và chính trị tại Venezuela cực kỳ nghiêm trọng. Đất nước Nam Mỹ này đã chính thức vỡ nợ, chính phủ thiếu tiền, người dân thiếu đói, tháo chạy…nhưng Tổng thống Nicolas Maduro vẫn dùng mọi thủ đoạn chính trị để tại vị.

Năm qua, chính quyền Xã hội chủ nghĩa của ông Maduro đã đứng vững sau hơn 4 tháng biểu tình liên tiếp của phe đối lập. Tổng thống với quân đội trong tay đã tổ chức các cuộc bầu cử gian lận để thành lập Hội đồng Lập hiến, xóa bỏ Quốc hội do phe đối lập kiểm soát.

Venezuela đã chịu chế tài của Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và sự phản đối của các nước láng giềng Nam Mỹ. Cho tới cuối năm 2017, chính quyền Maduro và phe đối lập đã tổ chức được hai vòng đàm phán hòa giải tại Cộng hòa Dominica, nhưng mọi việc vẫn bế tắc. Ông Maduro thậm chí đe dọa cấm các đảng đối lập tham gia tranh cử năm 2018.

Ngoại giới nhận định rằng, việc hòa đàm chỉ là chiến thuật kéo dài thời gian của ông Maduro và cuối cùng những cuộc đàm phán đó sẽ không đi tới đâu.

Nhiều khả năng phe đối lập sẽ tẩy chay cuộc bầu cử 2018 và tiếp tục tổ chức các cuộc biểu tình quy mô lớn trên khắp Venezuela sau bầu cử. Nhiều khả năng chính quyền Xã hội chủ nghĩa của ông Maduro sẽ không thể tiếp tục đứng vững thêm được nữa.

8. Phiến quân IS sẽ tiếp tục tổ chức nhiều cuộc tấn công khủng bố nhỏ hơn trên quy mô toàn cầu

Những ngày cuối năm 2017, cả Mỹ, Nga, Iraq và Syria đều tuyên bố đã đánh bật được IS khỏi hầu hết lãnh thổ Iraq và Syria. Tuy nhiên, cuộc chiến với nhóm khủng bố Hồi giáo cực đoan này vẫn sẽ tiếp diễn trong năm 2018.

Đã bắt đầu có những cuộc đánh bom rải rác ở Afghanistan, Ai Cập mà IS nhận trách nhiệm. Trong những tháng tới, các cuộc tấn công theo công thức “sói đơn độc” có thể sẽ xuất hiện nhiều hơn ở Tây Âu (chủ yếu sẽ là Anh và Pháp) và Hoa Kỳ. IS của năm 2018 sẽ chia thành các nhóm nhỏ hoạt động độc lập, để tránh bị lực lượng của Mỹ và đồng minh nhắm mục tiêu tấn công.

Đông Nam Á, chủ yếu ở Philippines và Malaysia – nơi IS đã tạo được chỗ đứng trong vài năm qua, khả năng sẽ bùng nổ các cuộc khủng bố trong năm 2018. Ai Cập và Libia cũng sẽ xảy ra nhiều cuộc tấn công tự sát hơn.

9. Ả Rập Saudi sẽ tăng cường hợp tác với Israel để thực hiện các cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống Iran

Bất chấp những bất đồng về ý thức hệ, bất chấp vấn đề nóng bỏng liên quan tới Jerusalem, khả năng 2018 sẽ đánh dấu sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Ả Rập Saudi và Israel trong cuộc chiến với Iran.

Có thể chiến trường chính cho cuộc chiến tranh ủy nhiệm này là ở Yemen, nơi có phiến quân Houthi do Iran bảo trợ. Năm 2017, Houthi đã nhiều lần bắn hỏa tiễn vào Ả Rập Saudi. Cả Washington và Riyadh đều có bằng chứng cho thấy các tên lửa của nhóm phiến quân này có nguồn gốc từ Iran.

Trong bối cảnh IS đã bị đánh bật khỏi Iraq và Syria, nhóm phiến quân bị nhắm mục tiêu tiêu diệt chính trong năm 2018 sẽ là Houthi tại Yemen. Lực lượng chính thực hiện việc đánh bại Houthi sẽ là quân đội Ả Rập Saudi, nước đã kiên trì chiến đấu với nhóm phiến quân cực đoan này từ năm 2015. Mỹ cũng sẽ hỗ trợ Ả Rập Saudi nhiều hơn và là cầu nối để Riyadh hợp tác cùng nhà nước Do Thái Israel, cùng tiêu diệt kẻ thù chung Houthi và xa hơn là nhắm tới chế độ Iran.

10. Hiệu ứng Zimbabwe lan rộng tại Châu Phi

Sự kiện Tổng thống Zimbabwe Mugabe buộc phải từ nhiệm sau 37 năm cầm quyền vào những tháng cuối năm 2017 sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới chính trường Châu Phi năm 2018.

Những lãnh đạo tại vị lâu năm tại Cameroon, Guinea Xích đạo và Uganda nhiều khả năng cũng sẽ phải chuyển giao quyền lực “hòa bình” qua các cuộc bầu cử. Paul Biya của Cameroon, Teodoro Nguema của Guinea Xích đạo và Yoweri Museveni của Uganda nhiều khả năng sẽ phải nhìn vào tấm gương của ông lão 93 tuổi Mugabe để chọn cho mình cách rút lui êm đẹp.

Trong khi đó, lãnh đạo Joao Lourenco của Angola đắc cử năm 2017 hy vọng trong năm 2018 sẽ thoát được vòng ảnh hưởng của người tiền nhiệm Jose Eduardo dos Santos. Ngoại giới từng đánh giá rằng ông Lourenco chỉ là con rối trong tay cựu lãnh đạo Santos. Nhưng càng về cuối năm với diễn tiến bất ngờ từ Zimbabwe, ông Lourenco đã cương quyết hơn trong việc thanh lọc nhân sự, loại bỏ thân tín của người tiền nhiệm, để có thể chủ động hơn trong các chính sách lèo lái đất nước Angola tiến lên.

Tân Bình

Xem thêm: