Ngay khi thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman rời Thiên Tân sau cuộc đàm phán căng thẳng với các quan chức Trung Quốc vào tuần trước, một phái đoàn của Taliban đã đến từ Afghanistan và ở chính khách sạn này.

W020210728569292656393
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hội đàm với phái đoàn do người sáng lập Taliban là Mullah Abdul Ghani Baradar dẫn đầu (Ảnh: Bộ Ngoại giao Trung Quốc)

Đó là một thông điệp rõ ràng rằng Bắc Kinh sẽ xây dựng chiến lược riêng của mình với nước láng giềng Trung Á sau khi gọi chính sách của Mỹ đối với Afghanistan là một thất bại.

Khi thời hạn cuối tháng 9 cho việc rút quân của Hoa Kỳ đến gần, quan hệ giữa Trung Quốc và nhóm khủng bố Taliban đã tiếp tục được thắt chặt hơn, khi Bắc Kinh đảm bảo họ sẽ hỗ trợ vai trò của Taliban trong an ninh và tái thiết Afghanistan.

“Taliban ở Afghanistan là lực lượng chính trị và quân sự nòng cốt ở nước này, và họ sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình hòa giải và tái thiết ở Afghanistan”, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết trong cuộc hội đàm với phái đoàn do người sáng lập Taliban là Mullah Abdul Ghani Baradar dẫn đầu. 

Các cuộc hội đàm Trung – Mỹ và Trung – Taliban được tổ chức tại cùng một khách sạn ở Thiên Tân, nơi bà Sherman đã gặp ông Vương và các quan chức Bộ Ngoại giao khác hôm 26/7. Bà Sherman kêu gọi Bắc Kinh hợp tác với Mỹ trong các vấn đề khu vực, bao gồm Afghanistan và Iran.

Vương Nghị nói: “Việc rút quân của Hoa Kỳ và NATO về cơ bản là thể hiện của sự thất bại trong các chính sách của Hoa Kỳ đối với Afghanistan.”

Ông nói, lập trường chính thức của Trung Quốc về vấn đề Afghanistan là duy trì các nguyên tắc “do Afghanistan làm chủ” và “do Afghanistan lãnh đạo”, đồng thời phản đối sự can thiệp của các lực lượng nước ngoài.

Các nhà quan sát ngoại giao cho biết Trung Quốc chưa công nhận nhóm này là chính phủ hợp pháp, nhưng đang chuẩn bị cho khả năng nhóm sẽ tiếp quản đất nước nếu hòa giải dân tộc thất bại. Do vậy, Bắc Kinh coi mối quan hệ chặt chẽ hơn với Taliban là rất quan trọng đối với các “nỗ lực chống khủng bố” và lợi ích kinh tế của họ trong khu vực.

Trung Quốc cho rằng Taliban có thể đóng vai trò quyết định trong việc kiềm chế mối đe dọa an ninh mà Bắc Kinh gọi là Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) – một tổ chức mà Mỹ cho rằng không tồn tại và là cái cớ Trung Quốc dựng lên để đàn áp người Duy Ngô Nhĩ lưu vong. 

Trung Quốc cáo buộc ETIM chịu trách nhiệm về các cuộc tấn công bạo lực ở Tân Cương. Sau cuộc hội đàm với Taliban, phát ngôn viên của tổ chức này Mohammad Naeem cho biết ông Baradar đã cam kết sẽ không cho phép bất cứ ai trên đất Afghanistan gây ra mối đe dọa cho an ninh Trung Quốc.

Các nhà quan sát cũng cho rằng Bắc Kinh đang muốn tạo mối quan hệ vững chắc với Taliban để thúc đẩy Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường. 

Quy hoạch cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường liên quan đến sáu hành lang kinh tế chính, bao gồm các đặc khu kinh tế, năng lượng và cơ sở hạ tầng giao thông. Hai trong số đó băng qua Trung Á, gồm Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Trung Á – Tây Á và Hành lang Kinh tế Trung Quốc- – Pakistan (CPEC).

Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Trung Á – Tây Á nối Trung Quốc với Bán đảo Ả Rập, đi qua 5 quốc gia Trung Á (Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan và Turkmenistan) và 17 quốc gia Tây Á. Tuyến sau kéo dài từ Kashgar ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc đến cảng Gwadar của Pakistan.

CPEC cung cấp cho Trung Quốc một tuyến đường thay thế cho dầu và khí đốt từ Trung Đông và Bắc Kinh đã kêu gọi “mở rộng đáng kể” tuyến đường này để bao gồm cả Afghanistan.

Theo Richard Ghiasy, một thành viên cấp cao của Trung tâm Châu Á Leiden ở Hà Lan, sự giao thiệp của Trung Quốc với Taliban phục vụ lợi ích của cả hai bên.

Đối với Taliban, sự tham gia và công nhận từ Trung Quốc là một động lực thúc đẩy tính hợp pháp cho tổ chức này, ông nói.

Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao của Rand Corporation, cho biết Trung Quốc sẽ làm bất kỳ điều gì nào để đáp ứng được hai lợi ích quốc gia của họ: duy trì sự ổn định ở Tân Cương và khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Afghanistan.

Trung Quốc được cho là đang muốn tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên dưới các ngọn núi của Afghanistan, theo một báo cáo năm 2014 ước tính có giá trị gần một nghìn tỷ đô la.

Lê Vy (theo SCMP)

Xem thêm: