Đây là những quốc gia cho rằng virus corona sẽ không biến mất, vậy nên, họ sẽ chấp nhận sống chung với COVID-19 và hướng tới nhịp sống bình thường bên cạnh việc tiêm vắc-xin.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par StreetVJ/Shutterstock)

Một nhóm nhỏ các quốc gia đang đi đầu trong việc xác lập xu hướng tương lai khi COVID-19 không biết khi nào sẽ chấm dứt hẳn. Bất chấp biến thể Delta lây lan nhanh và là tác nhân dẫn đến tình trạng bùng phát các ca nhiễm mới, chính phủ những nước này vẫn kỳ vọng tỉ lệ tiêm vắc-xin cao sẽ giúp bảo vệ nhóm đối tượng dễ bị nhiễm bệnh, qua đó mở đường cho việc trở lại nhịp sống bình thường.

Đó chính là tương lai mà ở đó giới chức trách cho rằng có thể kiểm soát COVID-19 như một dạng cúm mùa, vốn là nguyên nhân khiến hàng chục nghìn người Mỹ tử vong mỗi năm nhưng không gây ra tác động mạnh đến mức buộc phải thực hiện việc đóng cửa nền kinh tế hay giãn cách xã hội.

Thế nhưng virus vẫn không biến mất, đó là thực tế đời sống. “Corona chính là loại virus mà chúng ta sẽ phải học cách sống chung, học cách kiềm chế virus và chấp nhận việc sẽ vẫn có những bệnh nhân COVID-19 trong tương lai”, Edward A. Stenehjem, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại chuỗi bệnh viện Intermountain Healthcare có trụ sở ở Murray, tiểu bang Utah, cho biết.

Dưới đây là các quốc gia theo đuổi cách tiếp cận “sống chung với COVID-19” dựa trên việc tiêm vắc-xin trên diện rộng:

Tại Anh, khác hoàn toàn với thời kỳ đầu, chính phủ Anh sắp gỡ bỏ toàn bộ các lệnh hạn chế từ ngày 19/7, bất chấp việc số ca nhiễm mới tại nước này tăng nhanh trong một tuần trở lại đây. Chính quyền Thủ tướng Boris Johnson đã có sự thay đổi mang tính bước ngoặt trong cách tiếp cận, trong đó chuyển từ các quy định, điều luật kiểm soát bắt buộc sang dựa phần nhiều vào ý thức và quyết định tiêm vắc-xin của người dân.

Tuần qua, Anh ghi nhận tỉ lệ 298 ca nhiễm/100.000 người dân. So sánh với Vermont, tiểu bang có tỉ lệ tiêm vắc-xin cao nhất nước Mỹ với 66% dân số, tỉ lệ này chỉ là 4 ca nhiễm/100.000 dân. Còn với tiểu bang có tỉ lệ tiêm thấp như Arkansas (35%), tỉ lệ này là 13 ca/100.000 dân, tính cùng thời điểm thống kê.

Giới chức trách Anh tin rằng với 86% người trưởng thành đã được tiêm vắc-xin ít nhất 1 liều và 65% tiêm đủ 2 mũi, tình trạng lây nhiễm có thể sẽ xuất hiện ở nhóm đối tượng chưa tiêm chủng, nhưng dịch bệnh vẫn ở mức an toàn. Số ca tử vong hay nhập viện do bệnh nặng sẽ giảm xuống so với thời kỳ trước đây. Hiện có 2.700 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện ở Anh, thấp hơn nhiều so với con số 40.000 bệnh nhân tại thời kỳ đỉnh dịch hồi tháng 1 vừa qua.

Tại Mỹ, giới hoạch định chính sách liên bang hiện chuyển trọng tâm từ áp các quy định bắt buộc sang công bố hướng dẫn phòng bệnh, ngăn chặn lây lan COVID-19 tại cộng đồng. Đa phần các quyết định đều được phân quyền cho địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Vậy nên, quy trình, biện pháp kiểm soát dịch bệnh tại Mỹ sẽ không có mẫu số chung, mà sẽ thay đổi tùy theo từng tiểu bang, từng thành phố.

Phần lớn các tiểu bang đều đã gỡ bỏ mọi hạn chế, ngoại trừ một số quy định gắn với môi trường bệnh viện, địa điểm trung chuyển giao thông công cộng. Tại tiểu bang đông dân nhất nước Mỹ là California, người chưa được tiêm vắc-xin từ 2 tuổi trở lên vẫn phải đeo khẩu trang khi ở sinh hoạt, làm việc tại các địa điểm công cộng trong môi trường kín, hoặc là tại doanh nghiệp. Người muốn tham dự các sự kiện tập trung đông người quy mô lớn trong nhà phải có chứng nhận tiêm vắc-xin hoặc là có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19. Còn ở Mississippi, tiểu bang có tỉ lệ tiêm vắc-xin thấp nhất cả nước, thì không có bất kỳ quy định nào.

Tại Canada, quốc gia láng giềng của Mỹ cũng có cách tiếp cận linh hoạt. Tính đến đầu tháng này, đã có khoảng 69% dân số Canada được tiêm ít nhất 1 liều, trong đó có 36% tiêm đủ 2 liều. Tỉnh bang miền tây Alberta từ ngày 1/7 đã dỡ bỏ mọi quy định hạn chế phòng chống COVID-19, trong đó có quy định bắt buộc đeo khẩu trang khi ở môi trường trong nhà.

Nhưng một số tỉnh bang lại chọn cách tiếp cận cẩn trọng hơn. Tại Ontario, tỉnh bang đông dân nhất Canada, du khách được phép dùng bữa tại khu vực hành lang lộ thiên, vỉa hè nhà hàng, nhưng sẽ chỉ được vào bên trong nhà hàng từ đầu tháng 8 tới. Đeo khẩu trang vẫn là quy định bắt buộc tại các sự kiện tập trung đông người trong nhà, hoặc là hoạt động tại các doanh nghiệp.

Trên phạm vi toàn quốc, Canada vẫn đóng cửa biên giới với du khách đến từ Mỹ và nhiều nước khác.

Tại Singapore, giới chức trách nước này lên kế hoạch coi COVID-19 thuộc dạng bệnh đặc hiệu. Quá trình chuyển tiếp tại Singapore sẽ được thực hiện trong vài tháng tới. Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung khẳng định Singapore sẽ không thay đổi đột ngột, mà chọn cách tiếp cận theo từng giai đoạn với sự cân nhắc cẩn trọng.

Chính phủ quốc gia này cho biết sẽ hoàn thành mục tiêu tiêm đủ 2 liều vắc-xin cho 50% trong tổng số 5,7 triệu dân trong tháng 7 và lên mức 2/3 dân số trong tháng 9. Những cột mốc này sẽ là điểm tựa để chính quyền triển khai nhiều chính sách mới cho phép nới rộng hoạt động kinh tế xã hội, để người được tiêm chủng có nhiều lựa chọn và được ưu tiên hơn so với số chưa tiêm.

Về lâu dài, đảo quốc Sư Tử sẽ dần từ bỏ nhiều chính sách phòng bệnh chủ chốt từng được áp dụng trong thời gian qua. Ví dụ, người nhiễm virus corona sẽ được phép tự điều trị, hồi phục tại nhà; chiến dịch truy vết, cách ly sẽ được thu hẹp quy mô; việc công bố số liệu chuyển từ số ca mắc mới, tử vong tính theo ngày sang khả năng tiếp nhận bệnh nhân từ buồng chăm sóc đặc biệt, lượng oxy cần thiết để phục vụ việc điều trị bệnh.

Tại Israel, nước này vẫn đang theo đuổi biện pháp chủ động ngăn ngừa lây lan dịch bệnh. Sau cuộc họp nội các mới đây, chính phủ cho biết mọi quyết định sẽ chủ yếu căn cứ vào số liệu về ca bệnh nặng.

Israel hiện vẫn đang áp dụng quy định đeo khẩu trang bắt buộc tại các địa điểm công cộng trong không gian kín, cách ly đối với người nhập cảnh từ nước ngoài cho đến khi những đối tượng này có xét nghiệm âm tính với COVID-19.

Hơn 62% dân số Israel đã được tiêm vắc-xin đẩy đủ, trong đó có trên 80% người trưởng thành. Hồi đầu tháng 6 vừa qua, nước này đã gỡ bỏ hầu hết các quy định hạn chế về phòng chống dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể Delta cùng với xu hướng gia tăng số ca nhiễm mới buộc những nhà hoạch định chính sách Israel phải thiết lập lại quy định về đeo khẩu trang.

Theo Wall Street Journal,

Phan Anh

Xem thêm: