Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa đã đến Trung Quốc vào ngày 1/4, mục đích thấy rõ là giải quyết khẩn cấp việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt giữ nhân viên công ty dược Astellas. Tại sao ĐCSTQ bất ngờ bắt giữ công dân Nhật Bản? Có ý đồ gì?

Astellas
Văn phòng Astellas ở Mỹ. (Ảnh chụp màn hình video)

Mặc dù ĐCSTQ tuyên bố rằng các nhân viên của Astellas bị bắt vì nghi ngờ là “gián điệp”, nhưng có thực sự như thế không thì còn chờ thương thảo. Suy cho cùng, hai tội danh “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia” và “gián điệp” luôn là “tội bỏ túi” của ĐCSTQ, có thể ném ra để bắt giữ bất cứ ai vào bất cứ lúc nào, bất chấp quá trình điều tra và thẩm vấn cho thấy hoàn toàn mơ hồ.

Lấy một ví dụ gần đây, vào ngày 1/12/2018 bà phó chủ tịch Huawei Mạnh Vãn Châu người Trung Quốc đã bị bắt tại Vancouver – Canada để dẫn độ sang Mỹ xét xử. Không lâu sau đó các công dân Canada đang ở Trung Quốc là Michael Kovrig và Michael Spavor liên tiếp bị nhà chức trách Trung Quốc bắt giữ với tội danh “làm gián điệp cho nước ngoài”, tức là “tội danh bỏ túi” nói trên.

Mặc dù Kovrig và Spavor luôn phủ nhận tội và thực sự không có bằng chứng nào sau đó cho thấy họ có liên quan đến tội danh bị cáo buộc, nhưng ĐCSTQ vẫn kiên quyết xem “hai con tin” đó là mối đe dọa, và cuối cùng buộc Canada phải thả bà Mạnh Vãn Châu, hoàn thành “ngoại giao con tin”.

Nói cách khác, tùy tiện bắt giữ công dân nước ngoài và gây áp lực buộc nước ngoài phải nhượng bộ và thỏa hiệp với ĐCSTQ là những thủ đoạn ngoại giao thường thấy của nhà cầm quyền Trung Quốc này – thủ đoạn noi theo cách thường thấy trong quân sự.

Do đó, tôi tin rằng vụ án nhân viên Astellas thực chất là một bản sao của vụ án “ngoại giao con tin” mà ĐCSTQ đã áp dụng khi giải cứu bà Mạnh Vãn Châu. Sau khi ĐCSTQ có được hiệu quả từ cách làm đối với Canada thì đã chiếu theo cách đó, buộc Chính phủ Nhật Bản phải đưa ra những lợi ích và nhượng bộ mà ĐCSTQ mong muốn. Vậy cuối cùng thì ĐCSTQ muốn gì từ Nhật Bản?

Thứ nhất, ĐCSTQ muốn công nghệ và thiết bị sản xuất chất bán dẫn.

Dưới lãnh đạo của Mỹ, các bên liên quan gồm Nhật Bản, châu Âu, Hàn Quốc, Đài Loan… không chỉ thành lập “Liên minh bán dẫn bao vây Trung Quốc”, còn liên tiếp hạn chế hoặc cấm xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm và thiết bị liên quan sản xuất chất bán dẫn cao cấp, đây được xem là đòn đặc biệt hiệu quả đánh vào phát triển chip của ĐCSTQ. Đồng thời, Mỹ cũng có kế hoạch dùng “Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” (IPEF) và liên minh “Chip 4” (gồm Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và Đài Loan) để tổ chức lại chuỗi cung ứng bán dẫn quốc tế cùng cơ cấu sản xuất và tiêu thụ, qua đó cô lập hoàn toàn ĐCSTQ.

Động thái đó không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp quân sự của Trung Quốc, còn gây tổn hại nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế của Trung Quốc trong 10 năm tới. ĐCSTQ nhận thức rõ quan hệ của họ với Mỹ là thù địch và rất khó để lay chuyển quyết định của Mỹ, do đó đã hướng đến nước có sức mạnh quốc tế nhỏ hơn là Nhật Bản để gây áp lực, hy vọng tìm đột phá công nghệ từ Nhật Bản. 

Rất có khả năng ĐCSTQ muốn sử dụng thỏa thuận con tin này để yêu cầu Nhật Bản nới lỏng các biện pháp kiểm soát liên quan đến chất bán dẫn đối với Trung Quốc, thậm chí hỗ trợ Trung Quốc mua thêm chip, công nghệ và thiết bị. Gần đây, ĐCSTQ đã công bố đánh giá an toàn đối với các sản phẩm của Micron Technology, đây cũng là chiến thuật nhằm gây áp lực buộc Micron và Mỹ phải nhượng bộ.

Thứ hai, ĐCSTQ muốn Nhật Bản nhượng bộ về vấn đề eo biển Đài Loan.

Việc sáp nhập Đài Loan và hoàn thành thống nhất hai bờ eo biển là nguyện vọng chính trị quan trọng nhất trong nhiệm kỳ thứ 3 của ông Tập Cận Bình, cũng là con bài quan trọng mà ông Tập sẽ sử dụng để có thể cầm quyền nhiệm kỳ 4 vào năm 2027.

ĐCSTQ hiểu rằng trong trường hợp không thể chiếm được quyền lực tại Đài Loan thông qua trò lừa dối của mặt trận thống nhất, thì chỉ còn cách sẽ chuyển sang “thống nhất bằng vũ lực”. Nhưng nếu ĐCSTQ xuất quân thì sẽ đe dọa lợi ích địa chính trị và an ninh quốc gia của Nhật Bản và Mỹ nên 2 nước nhất định sẽ cử quân can thiệp bảo vệ Đài Loan, khi đó ĐCSTQ không những không thể chiếm Đài Loan với chi phí thấp nhất và tốc độ nhanh nhất, thậm chí rất có khả năng thua cuộc chiến. Nếu bị đánh bại thì ĐCSTQ có thể sẽ sụp đổ.

Do đó, có khả năng ĐCSTQ sẽ tận lực áp dụng chiêu trò “ngoại giao con tin” bây giờ cũng như trong tương lai để gây áp lực buộc Nhật Bản phải nhượng bộ trong vấn đề eo biển Đài Loan, áp dụng thái độ như vậy đối với nước liên minh quân sự với Mỹ để cố gắng làm suy yếu càng nhiều càng tốt nguồn lực trợ giúp đứng sau Mỹ và Đài Loan.

Thứ ba, ĐCSTQ muốn tham gia CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương).

CPTPP không chỉ là vùng kinh tế thương mại tự do có thị trường 500 triệu dân, mà về mặt địa lý bao trùm toàn bộ các nước lớn ở cả hai bờ Thái Bình Dương, là khu vô cùng quan trọng cả về giá trị kinh tế và giá trị chiến lược. Ngoài ra, Mỹ đã rút khỏi khuôn khổ CPTPP khiến ĐCSTQ muốn tích cực tham gia vào vòng tròn kinh tế này, từ đó mở rộng ảnh hưởng và sự thâm nhập quốc tế của ĐCSTQ.

Đặc biệt, gần đây Anh Quốc đã được chấp thuận tham gia CPTPP, tiếp theo sẽ đến lượt xem xét tư cách thành viên của Trung Quốc và Đài Loan. Nhưng CPTPP có tiêu chuẩn rất cao về thành viên tham gia, các nước xin gia nhập không chỉ phải đạt được các tiêu chuẩn tuân thủ cao về thương mại, lao động, bảo vệ môi trường, còn phải được sự đồng ý của tất cả các nước thành viên mới được phép gia nhập.

Nhưng mối quan hệ gần đây giữa ĐCSTQ và Nhật Bản rất căng thẳng, hơn nữa Nhật Bản hiện là nước có nền kinh tế lớn hàng đầu và có tiếng nói cao nhất trong CPTPP, vì vậy không loại trừ khả năng ĐCSTQ cũng muốn lợi dụng vụ bắt giữ con tin này để đề nghị Nhật Bản cho phép Trung Quốc tham gia CPTPP. Tất nhiên, ĐCSTQ có thành tích vi phạm quốc tế không tốt nên sẽ khó đáp ứng các tiêu chuẩn tuân thủ theo yêu cầu của CPTPP và khó có khả năng được gia nhập.

Do đó, ý tưởng không loại trừ của ĐCSTQ là yêu cầu Nhật Bản khi không cho phép Trung Quốc tham gia thì cũng từ chối cho Đài Loan tham gia, để tránh nâng cao địa vị quốc tế của Đài Loan và mở rộng kết nối kinh tế quốc tế của Đài Loan, do vấn đề này sẽ càng bất lợi hơn cho hy vọng của ĐCSTQ trong thống nhất Đài Loan.

Tóm lại, việc ĐCSTQ trong bắt công dân Nhật Bản này là loại dùng lại chiêu trò vô đạo “ngoại giao con tin”. Nhật Bản nên ứng phó thế nào để đảm bảo an toàn cho công dân của mình, xoa dịu bức xúc trong nước, đồng thời không phải hy sinh liên minh với Mỹ và Đài Loan, đây là vấn đề đang thử thách trí tuệ của nội các Thủ tướng Kishida.

Đường Hạo
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, được đăng trên Epoch Times.)