Cuộc tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ kéo dài đã gần 2 tháng. Gần đây có tin Ấn Độ đã điều khoảng 45.000 quân đến biên giới chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu và trong nội bộ Trung Quốc xuất hiện ý kiến trái chiều.

45.000 quân Ấn Độ đã đến biên giới Trung – Ấn, sẵn sàng chiến đấu?

Hôm 10/8, tờ báo The Indian Express đưa tin, tranh chấp kéo dài tại biên giới Ấn – Trung, đến nay mỗi bên đã có khoảng 300 binh lính đang ở gần khu vực tranh chấp, hai bên không chịu khoan nhượng và không có dấu hiệu cho thấy sẽ rút quân. Ngày 12/8, nhiều kênh truyền thông của Ấn Độ cùng đưa tin, phía Ấn Độ không những tăng cường quân vùng biên giới giáp Trung Quốc, mà còn nâng cao mức cảnh giới.

Ngoài ra, Press Trust of India, một thông tấn xã lớn nhất Ấn Độ cũng dẫn nguồn tin của quân đội cấp cao cho biết, quân đội Ấn Độ đã ở bang Arunachal Pradesh, giáp với biên giới Trung Quốc, quân đội ở bang Sikkim cũng được tăng cường thêm. Đến sáng sớm ngày 12/8, tổng cộng có khoảng 45.000 binh lính tiến vào khu vực giáp biên giới và đã sẵn sàng chiến đấu.

Thời Báo Ấn Độ (Times of India) đưa tin, Ấn Độ tăng cường binh lính bao gồm Lục quân 33, Sư đoàn 17, 27 và Sư đoàn Sơn cước 20. Mỗi sư đoàn có từ 10.000 đến 15.000 quân. Sư đoàn 3 và 4 cũng di chuyển về khu vực biên giới Trung – Ấn.

Bản tin còn cho biết, lãnh đạo cấp cao quân đội hai nước Trung – Ấn có cuộc gặp mặt tại vùng biên giới trên đèo Nathu La, nhưng cuộc hội đàm không thu được kết quả thực chất. Trong quá trình này, phía Trung Quốc yêu cầu quân đội Ấn Độ lập tức rút khỏi Doklam; phía Ấn Độ lại kiên quyết yêu cầu hai bên “đồng thời cùng rút lui”.

Trước đó, kênh Sputnik (Nga) đăng bài viết với tựa đề “Truyền thông Nga: Trung – Ấn có thể tránh được một cuộc chiến?”, phân tích tình hình tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo đó, cuộc khủng hoảng Trung – Ấn bắt nguồn từ việc quân đội Trung Quốc lấy danh nghĩa sửa đường để đi vào khu vực Doklam, huyện Á Đông, thuộc khu tự trị Tây Tạng hồi tháng 6 vừa qua. Đây là khu vực tranh chấp biên giới đến nay vẫn chưa phân định chủ quyền giữa 3 nước Ấn Độ, Trung Quốc, Bhutan. Sau đó, Bhutan nhờ Ấn Độ giúp đỡ, Ấn Độ điều động quân đội đến khu vực biên giới. Trung Quốc thấy tình hình như vậy bèn chỉ trích Ấn Độ đến biên giới khiêu khích.

Đối với khu vực giáp ranh 3 nước Ấn Độ, Trung Quốc, Bhutan, kênh truyền thông Initium Media (Hồng Kông) có bài bình luận và phân tích, 3 nước đều có những kiến giải khác nhau về vấn đề tranh chấp biên giới. Phía Trung Quốc cho rằng khu vực tiếp giáp 3 nước là núi Gipmochi, Ấn Độ và Bhutan lại cho rằng Batang La cách Gipmochi khoảng 6km mới là khu vực tiếp giáp 3 nước. Do đó mới xảy ra tranh chấp.

Đài VOA đưa tin, bà Sarah Watson, nhà nghiên cứu chính sách Mỹ – Ấn thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại  Washington cho rằng, về vấn đề tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ, phía Trung Quốc biểu hiện quá cao giọng nên hiện tại rất khó để xuống.

Bà nói: “Ấn Độ thì tốt hơn một chút, chủ yếu là Trung Quốc. Hiện tại Trung Quốc rất khó để không bị mất mặt và lúng túng khi thu dọn cục diện, bởi vì chính họ đã làm cho sự việc này lớn lên.”

Nội bộ Trung Quốc dường như có tiếng nói khác nhau

Trên thực tế, tranh chấp tại khu vực Doklam giữa Ấn Độ và Trung Quốc vẫn luôn xảy ra, nhưng lần này lại khác thường. Nhiều kênh truyền thông ngoài Trung Quốc hình dung, sự kiện lần này là tranh chấp quân sự nghiêm trọng nhất từ sau sự kiện chiến tranh biên giới Trung-Ấn năm 1962 đến nay.

Thời báo The Epoch Times đưa tin, Bộ Quốc phòng Trung Quốc từng bí mật mời truyền thông Ấn Độ đối thoại với với Bộ này, nội dung liên quan trong cuộc đối thoại không được công khai trên lãnh thổ Trung Quốc.

Tuy nhiên hai tờ báo của Ấn Độ là tờ Thời báo Kinh tế Ấn Độ và tờ Daily News and Analysis đưa tin, trong cuộc đối thoại giữa Bộ Quốc phòng Trung Quốc và truyền thông Ấn Độ, ngoài việc nhắc lại lập trường của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng nước này còn nhấn mạnh lập trường bất đồng giữa “một số kênh truyền thông hiếu chiến của Ấn Độ” và phía Trung Quốc, Bộ này còn đặc biệt điểm tên tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc.

Ông Lưu Hạ Quốc, nghiên cứu viên Trung tâm nghiên cứu quan hệ quốc tế Đại học Chính trị Đài Loan nói với Hãng thông tấn trung ương Đài Loan, do Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp diễn ra, vì để tránh rủi ro, nên ông Tập Cận Bình không thể và cũng không muốn xảy ra xung đột quân sự với nước ngoài.

Bình luận viên thời sự chính trị Chu Minh tại New York (Mỹ) phân tích, việc Bộ Quốc phòng Trung Quốc gặp riêng giới truyền thông Ấn Độ, đồng thời truyền đạt cho họ những thông tin như trên, dường như cho thấy nội bộ Trung Quốc đang có 2 ý kiến trái chiều: một phía không muốn mâu thuẫn trở nên gay gắt, một phía lại chỉ muốn Trung – Ấn lập tức có chiến tranh.

Trí Đạt

Xem thêm: