Hôm thứ Sáu (4/11) Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có chuyến thăm Trung Quốc kéo dài 1 ngày và đã gặp lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình tại Bắc Kinh.

14271189360 61a70ebaf8 b
Thủ tướng Đức Olaf Scholz (Ảnh: Wikimedia)

Chuyến thăm của ông Scholz đã gây nhiều chú ý và chỉ trích từ công luận vì những những vấn đề liên quan ĐCSTQ như: Ngầm hỗ trợ Nga trong cuộc chiến Ukraine, tình trạng phụ thuộc của Đức vào Trung Quốc trong hoạt động thương mại, và vấn đề Bắc Kinh vi phạm nhân quyền.

Ông Scholz đi cùng một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp Đức đã được ông Tập Cận Bình chào đón tại Đại lễ đường Nhân dân ở trung tâm Bắc Kinh. Ông Scholz là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên gặp ông Tập Cận Bình kể từ khi ông Tập tại nhiệm nhiệm kỳ thứ ba, cũng là nhà lãnh đạo G7 đầu tiên thăm Trung Quốc kể từ đại dịch COVID-19.

Chuyến đi của ông Scholz đến Trung Quốc diễn ra vào thời điểm mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề Đài Loan lên cao điểm. Gần đây Bắc Kinh cũng đã khiến Mỹ và các đồng minh tức giận khi tuyên bố sẽ làm sâu sắc hơn quan hệ với Nga và nhắc lại rằng NATO phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến ở Ukraine.

Mặt khác, với nền kinh tế Đức đang trên bờ vực suy thoái do chi phí năng lượng tăng cao và xuất khẩu giảm, Trung Quốc ngày càng trở nên quan trọng đối với ngành sản xuất của Đức.

Đức đã chịu nhiều áp lực vì quá phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga trong những năm gần đây. Các nhà phê bình lo ngại rằng việc Berlin phụ thuộc vào Trung Quốc như nền móng trong sản xuất và đối tác kinh doanh có thể tái diễn sai lầm.

Chuyến đi của ông Scholz được tháp tùng bởi hơn chục lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu của Đức, bao gồm các giám đốc điều hành hàng đầu của các tập đoàn lớn như Volkswagen, BMW, BASF, Bayer và Deutsche Bank… hầu hết đều có hoạt động đáng kể tại Trung Quốc. Tại Bắc Kinh ông Scholz cũng gặp một số đại diện doanh nghiệp Đức khác.

Một số nhà quan sát đặt câu hỏi liệu Đức có đang trở nên quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, giống như từng quá phụ thuộc vào Nga về nguồn cung năng lượng.

Chuyên gia Bonnie Glaser về Trung Quốc tại Quỹ Marshall của Đức nói với Washington Post (link): “Cả châu Âu hơi lo ngại (vì chuyến thăm của Scholz đến Trung Quốc), cảm tưởng như chuyến đi phù hợp ý định chia cắt châu Âu của ĐCSTQ”.

Bà nói thêm: “Washington cũng có những lo ngại, vì Mỹ cảm thấy đây là thời điểm mà tất cả chúng ta cần đồng lòng hơn bao giờ hết”.

Khi họ gặp nhau, ông Tập chỉ ra rằng chuyến thăm của ông Scholz trùng với dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Đức. Ông Tập Cận Bình nói: “Tình hình quốc tế hiện rất phức tạp và nhiều biến động. Là hai cường quốc có ảnh hưởng, Trung Quốc và Đức nên hợp tác với nhau nhiều hơn nữa trong thời kỳ thay đổi và hỗn loạn để đóng góp nhiều hơn cho hòa bình và phát triển thế giới”.

Theo hãng tin Đức DPA, trong bài phát biểu ông Scholz đã đề cập trực tiếp đến cuộc xung đột Nga-Ukraine đã gây hệ quả làm hàng triệu người tị nạn và làm hỗn loạn thị trường thực phẩm và năng lượng thế giới, ông nói: “Chúng ta đang gặp nhau ở thời điểm rất căng thẳng”.

“Tôi đặc biệt muốn nhấn mạnh cuộc chiến Nga-Ukraine, cuộc chiến đã tạo ra nhiều vấn đề cho trật tự thế giới dựa trên luật lệ của chúng tôi”, ông Scholz nói.

DPA lưu ý rằng ông Scholz cũng nhắc “các vấn đề quan trọng” như nạn đói toàn cầu, biến đổi khí hậu và nợ của các nước đang phát triển.

Sau bữa trưa, ông Scholz và phái đoàn đã gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trên danh nghĩa còn là người đang phụ trách kinh tế của Trung Quốc.

Vì ĐCSTQ vẫn đang áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt đối với COVID-19 nên phái đoàn Đức phải chịu kiểm tra virus và không qua đêm ở Bắc Kinh. Toàn bộ chuyến thăm chỉ kéo dài 11 giờ, là chuyến thăm Trung Quốc ngắn nhất từng thấy của một nhà lãnh đạo Đức.

Trước chuyến đi đến Trung Quốc, Chính phủ Scholz đã cho phép Công ty Vận tải Biển Trung Quốc (COSCO) đầu tư lớn vào Cảng Hamburg, điều này cũng làm dấy lên tranh luận trong nội bộ Đức.

Tháng trước, 6 cơ quan Chính phủ Đức phản đối việc cho phép COSCO mua cổ phần của nhà ga hàng hóa Cảng Hamburg. Người đứng đầu cơ quan tình báo Đức cũng đưa ra cảnh báo nghiêm khắc về các khoản đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng của nước này.

Thomas Haldenwang, người đứng đầu cơ quan tình báo Đức cho biết: “Nga là một cơn bão, nhưng Trung Quốc (ĐCSTQ) là biến đổi khí hậu”.

Thỏa thuận từ phía Trung Quốc đã gây chia rẽ trong liên minh cầm quyền của Đức, nhưng cuối cùng nội các Đức đã chấp thuận việc COSCO mua 24,9% cổ phần, thay vì 35% theo kế hoạch ban đầu.

Ngay dịp chuyến công du tới Bắc Kinh, ông Scholz đã viết trong một bài báo hôm thứ Năm rằng Berlin phải thay đổi cách đối phó khi Trung Quốc quay trở lại con đường chính trị “theo chủ nghĩa Marx-Lenin”. Ông cho rằng “Đức không muốn tách rời Trung Quốc, nhưng cũng không thể phụ thuộc quá nhiều”.

Bài báo này đã được đăng trên tạp chí POLITICO và Frankfurter Allgemeine Zeitung ở Đức. Trong bài báo, ông Scholz đã biện minh cho chuyến đi đến Trung Quốc.

Nhưng ông vẫn nhấn mạnh rằng các công ty Đức cần phải thực hiện các bước để giảm “sự phụ thuộc vào rủi ro” trong chuỗi cung ứng công nghiệp, đặc biệt là trong các công nghệ tiên tiến. Ông Scholz nhấn mạnh vào năm 2020 ông Tập Cận Bình đã đề xuất một chiến lược kinh tế “thúc đẩy tăng cường phụ thuộc của các chuỗi công nghiệp quốc tế vào Trung Quốc”, đồng thời “củng cố hệ thống sản xuất và cung ứng trong nước” để đảm bảo nền kinh tế Trung Quốc vẫn có thể hoạt động trong những hoàn cảnh khắc nghiệt.

Tuy ông Scholz đã cảnh báo cần thận trọng về vấn đề Trung Quốc, nhưng ông vẫn có vẻ không muốn đưa Đức chuyển hướng tách khỏi con đường cùng Trung Quốc. Thực tế đó phần nào cho thấy Scholz có thể lặp lại quan điểm của cựu Thủ tướng Angela Merkel không muốn bị Mỹ kéo vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới chống lại Bắc Kinh.

Ông viết: “Nước Đức đã phải trải qua một trải nghiệm đau thương về sự chia rẽ trong Chiến tranh Lạnh nên không muốn chứng kiến thế giới hình thành một khối mới”.

Ông Scholz cho biết ông sẽ cố gắng giải quyết “các vấn đề gai góc” như nhân quyền của các dân tộc thiểu số ở Tân Cương – những người mà Mỹ và nhiều nước cho rằng đang bị ĐCSTQ giam giữ với số lượng lớn gây nạn diệt chủng.

Thủ tướng Đức cũng tìm cách phản bác những lời chỉ trích rằng chuyến đi của ông làm suy yếu hành động chung của châu Âu trong kiềm chế ĐCSTQ. Ông viết: “Chính sách Trung Quốc của Đức chỉ có thể thành công nếu nó được tích hợp vào chính sách Trung Quốc của Châu Âu. Vì vậy, trước chuyến thăm của tôi, chúng tôi đã liên hệ chặt chẽ với các đối tác châu Âu, bao gồm Tổng thống Macron (của Pháp), cũng như những người bạn xuyên Đại Tây Dương của chúng tôi”. Đồng thời, ông cảnh báo ĐCSTQ không nên theo đuổi “bá quyền”“trật tự thế giới lấy Trung Quốc làm trung tâm”.