Cảnh báo sóng thần được đưa ra hôm thứ Bảy (15/1) sau khi một ngọn núi lửa dưới đáy Nam Thái Bình Dương phun trào dữ dội nhất trong nhiều thập kỷ qua. Sóng biển tràn vào thủ đô của Quốc đảo Tongan, nhà vua vội vã sơ tán, dân chúng chạy lánh nạn lên chỗ cao.

1642243033788
Núi lửa ở Quốc đảo Tonga thuộc Thái Bình Dương phun trào vào tối 15/1. (Nguồn ảnh: Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ, NOAA).

Hình ảnh vệ tinh cho thấy một đám mây tro bụi khổng lồ và sóng xung kích lan truyền cùng với vụ phun trào. Cơ quan Địa chất Tonga cho biết khí, khói và tro bụi phun ra từ núi lửa đã bay lên độ cao 20 km (12,4 dặm).

Đài phát thanh New Zealand (RNZ) thuộc CNN đưa tin, núi lửa Hunga-Tonga-Hunga-Ha’apai phun trào lần đầu tiên vào thứ Sáu. Đưa một làn tro bụi núi lửa bay 20 km vào không khí. Núi lửa phun trào lần thứ hai vào lúc 5:26 chiều ngày 15/1 theo giờ địa phương.

Núi lửa cách đảo Fonuafo’ou của Tonga khoảng 30 km về phía đông nam. Cảnh báo sóng thần đã được đưa ra đối với quần đảo Tonga và thậm chí cả New Zealand và Úc cách xa 2.300 km.

Ngoài cảnh báo sóng thần, Cục Khí tượng Tonga đã đưa ra cảnh báo mưa lớn, lũ quét và gió giật mạnh cho đất liền và vùng biển ven bờ.

Quốc vương và người dân lần lượt chạy thoát

Hôm thứ Bảy (ngày 15/1), sóng biển đã vượt qua đường bờ biển của thủ đô Nuku’alofa của Tonga, hướng đến các con đường ven biển và nhấn chìm nhà cửa. Tongatapu là hòn đảo chính của đất nước, nằm cách núi lửa 65 km về phía bắc.

Sau khi sóng thần tràn vào thủ đô, vua Tupou VI của Tonga đã phải sơ tán khỏi cung điện của mình và chạy đến một biệt thự ở Mata Ki Eua với một đoàn xe gồm lực lượng cảnh sát và quân đội. Người dân chạy đến chỗ cao để tránh.

Mere Taufa, một người dân Tonga cho biết, cô và gia đình đang chuẩn bị ăn tối thì núi lửa phun trào, em trai cô nghĩ rằng một quả bom đã phát nổ gần đó.

Trang tin Stuff.co.nz của New Zealand dẫn lời Mere Taufan nói: “Phản ứng đầu tiên của tôi là trốn dưới gầm bàn, tôi túm lấy em gái và gọi lớn bố mẹ cùng những người còn lại trong gia đình.”

Sau đó, nước tràn vào nhà của họ. Taufa nói, “Bạn có thể nghe thấy tiếng la hét khắp nơi, mọi người la hét vì sự an toàn, kêu gọi để cùng nhau đến chỗ cao hơn.”

Phóng viên Jese Tuisinu của Fiji One TV đã tweet một đoạn video cho thấy những con sóng ập vào bờ và mọi người đang cố gắng ngồi xe để để đi tránh sóng biển tấn công đến. Các nhân chứng cho biết tro tàn rơi khắp thủ đô. Các cuộc điện thoại cũng bị gián đoạn.

Tusinu nói: “Các khu vực của Tonga tối đen như mực và mọi người đổ xô đi tìm nơi an toàn sau vụ phun trào.”

Nhiều nước cảnh báo sóng thần

Hôm 15/1, Japan Times cho hay sóng thần đã tấn công một số khu vực bờ biển của nước này trên Thái Bình Dương. Chỉ vài phút sau khi nhà chức trách ban bố lệnh khẩn cấp về nguy cơ sóng thần cao 3 mét với các đảo Amami và Tokara, cơn sóng thần đầu tiên ập vào bờ biển Nhật. Sóng thần xuất hiện tại những khu vực dọc bờ biển từ Tohoku tới Okinawa. Ngoài ra cơ quan chức năng Nhật còn có cảnh báo mức độ tàn phá ít hơn đối với toàn bộ dải bờ biển Nhật trên Thái Bình Dương.

Cục Khí tượng Úc cho biết, lúc 5h30 chiều ngày 15/1 theo giờ địa phương, họ đã ghi nhận một đợt sóng thần 1,2m (khoảng 4ft) gần Nuku’alofa.

Theo Reuters đưa tin, Trung tâm Cảnh báo Sóng thần Thái Bình Dương cho biết, sóng thần ở Pago Pago, thủ đô của Samoa, cao 0,6m (2 feet).

Cơ quan Khí tượng Samoa cho biết, cảnh báo sóng thần đang có hiệu lực đối với tất cả các khu vực ven biển trũng, thấp của Samoa. Cơ quan này cho biết công chúng nên tránh đi du lịch đến các khu vực ven biển.

Các quan chức ở thủ đô Suva của Cộng hòa Fiji cho biết, núi lửa phun trào dữ dội trong 8 phút đầu tiên, mạnh đến mức có thể nghe thấy “tiếng sấm khổng lồ” ở Fiji cách đó hơn 800 km. Chính phủ Fiji đã ban bố cảnh báo sóng thần và mở các trung tâm sơ tán cho người dân ở các vùng thấp, vùng trũng ven biển.

Văn phòng Quản lý Thảm họa Quốc gia của Quốc đảo Vanuatu ở Thái Bình Dương cũng cho biết, cảnh báo sóng thần đã có hiệu lực và người dân được khuyến cáo tránh xa bờ biển và đi lên vùng đất cao hơn.

Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Quốc gia New Zealand cho biết cảnh báo sóng thần cũng đã được ban hành cho các khu vực ven biển ngoài khơi bờ biển phía bắc và phía đông của North Island và Chatham Islands của New Zealand. Dự báo ở các khu vực đó sẽ xuất hiện “các dòng chảy mạnh, bất thường và không thể dự báo trước”.

Vụ phun trào núi lửa lớn nhất 30 năm qua

Núi lửa đã hoạt động từ ngày 20/12/2021, nhưng được tuyên bố vào trạng thái ngủ vào ngày 11/1.

Giáo sư Shane Cronin, nhà nghiên cứu núi lửa của Đại học Công nghệ Auckland cho biết, lần phun trào này là một trong những lần phun trào lớn nhất ở Tonga trong 30 năm qua.

Ông nói với BBC: “Đây là một sự kiện khá lớn – ít nhất nó cũng là một trong những vụ phun trào quan trọng trong thập kỷ qua. Đáng chú ý nhất là tốc độ mở rộng và sự dữ dội của nó. Lần này nó có quy mô lớn hơn, lan rộng hơn về chiều ngang và tạo ra nhiều tro hơn. Tôi dự đoán tro lắng đọng ở Tonga sẽ dày nhiều cm.”

Cơ quan Khí tượng chính thức của New Zealand cho biết, các trạm khí tượng trên khắp đất nước đã quan sát thấy một “áp lực gia tăng” từ vụ phun trào vào đêm thứ Bảy (ngày 15/1).

Theo Trung tâm Cảnh báo Sóng thần Thái Bình Dương thuộc Cục Khí tượng Quốc gia Mỹ (NWS Pacific Tsunami Warning Center), vụ “phun trào xa” không gây ra mối đe dọa sóng thần nào đối với Guam và Khối thịnh vượng chung của Quần đảo Bắc Mariana; trước đó Cảnh báo sóng thần cho Samoa thuộc Mỹ đã được đưa ra, sau đó bị hủy bỏ.

Trước đó vào cuối năm 2014 và đầu năm 2015, một loạt vụ phun trào núi lửa trong khu vực đã tạo ra một hòn đảo nhỏ mới và gây gián đoạn các chuyến bay quốc tế đến Tonga trong vài ngày.

Trí Đạt (t/h)

Xem thêm: