Chúng ta thường nghe thấy một câu hỏi được người Mỹ và cả những người quan tâm đến nước Mỹ thường xuyên tranh luận là: Nước Mỹ là nền dân chủ hay là nền cộng hòa?

Hoa Kỳ lập quốc: Chính trị cần đức hạnh và sự cao quý
Hội nghị Lập Hiến 1787. (Tranh: Junius Brutus Stearns, Wikipedia, Public Domain)

Một số người cho rằng nước Mỹ là nền dân chủ, số khác nói nước Mỹ là nền cộng hòa và cũng có một số cho rằng nước Mỹ vừa là nền dân chủ vừa là nền cộng hòa và hai thuật ngữ này không loại trừ nhau.

Bài viết này khẳng định nước Mỹ là nền cộng hòa chứ không phải là một nền dân chủ. Tại sao như vậy?

Nước Mỹ là một nền dân chủ?

Dân chủ là gì? Dân chủ có thể hiểu là sự tham gia của người dân trong việc ra quyết định cho đất nước, mọi người đều bày tỏ quan điểm của mình và cuối cùng đạt được một kết quả, đây được gọi là dân chủ. Tuy nhiên, lịch sử đã chứng minh rằng các thể hệ “dân chủ” thực sự thường không hiệu quả và đoản mệnh.

Nơi đầu tiên dân chủ khởi tác dụng chỉ giới hạn ở các tiểu quốc có quy mô thành phố nhỏ của Hy Lạp. Nhưng ngay cả khi đó, chính trị bạo lực thường xuất hiện, bởi vì khi hầu hết mọi người la ó và xúi giục, mọi người đều nói, chạy theo đám đông, thì kết quả cuối cùng là bắt nạt hoặc coi thường thiểu số. Những người không đồng ý căn bản không thể thể hiện, vì vậy nền dân chủ không thể bảo vệ an toàn và tài sản cá nhân.

Tâm lý đám đông khiến cho sự lựa chọn của quá bán không hẳn là sự lựa chọn sáng suốt nhất. Bởi vì mọi người đều rất bận rộn với cuộc sống thường ngày, ai nấy đều bận bịu với công việc cá nhân, họ không có thời gian để nghiên cứu chính sách cộng đồng. Hơn nữa tụ họp mọi người lại với nhau, để mọi người biểu đạt ý kiến của riêng mình, và ý kiến đa số trở thành chính sách, nghe thì có vẻ hợp lý, nhưng thường sẽ dễ bị lợi dụng, tạo ra một mớ hỗn độn, gây ra sự hỗn loạn và xung đột. Hơn nữa, số lượng người càng lớn thì càng khó làm. Một cuộc họp hàng chục ngàn người thì phải làm thế nào?

Vì vậy, những nhà lập quốc Hoa Kỳ từ lâu đã nói rằng nước Mỹ không phải là một nền dân chủ.

Những người nói Mỹ là nền dân chủ lớn nhất thế giới chưa bao giờ hiểu rõ lịch sử đất nước này. Thậm chí rất nhiều người Mỹ ngày nay sẽ ngạc nhiên khi biết rằng từ “Dân chủ – Democracy” không hề xuất hiện trong Tuyên ngôn Độc lập hoặc Hiến pháp liên bang Hoa Kỳ, hoặc trong bất kỳ hiến pháp của toàn bộ 50 bang. Những nhà lập quốc đã làm mọi thứ họ có thể để người Mỹ không tồn tại một nền dân chủ. James Maddison, người được biết đến như là “cha đẻ” của Hiến Pháp Mỹ đã viết trong bài viết số 10 của cuốn Liên Bang Thư Tập (The Federalist Papers): “… Các nền dân chủ đều đã tồn tại trong những tình cảnh hỗn loạn và bất hòa, đã được phát hiện là không phù hợp với an toàn cá nhân hay quyền tư hữu và nhìn chung đều chết yểu trong những cảnh tượng bạo lực tại thời điểm cái chết của nó”.

Alexander Hamilton đồng ý với quan sát này và ông khẳng định: “Chúng ta là chính phủ cộng hòa. Tự do thực sự không bao giờ được tìm thấy trong chế độ chuyên quyền hay trong sự cực đoan của một nền dân chủ”.

Samuel Adams, một người ký tên trong Tuyên ngôn Độc lập nói: “Nền dân chủ không bao giờ tồn tại lâu dài. Nó sẽ tự phí phạm, kiệt quệ và tự giết chính mình”.

Nước Mỹ là một nền cộng hòa?

Đúng vậy. Nước Mỹ là một nền cộng hòa chứ không phải một nền dân chủ. Cộng hòa có nghĩa là một chính quyền gồm những người được bầu lên đại biểu cho người dân, và thực hiện quyền lực dựa trên hiến pháp, thượng tôn pháp luật.

Khác với Dân chủ, từ Cộng hòa – Republic – đến từ 2 từ tiếng La-tinh: Res – điều, thứ và Pulica – của chung, công cộng. Hai từ gộp lại có nghĩa là điều của chung, trong nền cộng hòa, điều của chung này chính là luật pháp. Một nền cộng hòa thực sự là hình thức chính trị trong đó chính phủ bị giới hạn bởi luật và không can thiệp vào sự vụ của người dân.

Nền cộng hòa đầu tiên được thiết lập dưới thời La Mã cổ đại và đó là nguồn cảm hứng cho các nhà lập quốc Hoa Kỳ.

Dựa theo lời khuyên của một chính khách có tên Solon, người La Mã đã tạo ra 12 Cột trụ của Luật pháp La Mã và theo đó xây dựng một chính phủ cộng hòa với quyền lực giới hạn và không can thiệp vào quyền tự do của cá nhân.

Khi chính phủ giới hạn, người dân được tự do sản xuất với đảm bảo rằng họ được quyền giữ lại thành quả lao động của mình. Chẳng mấy chốc, La Mã trở nên giàu có và là sự ganh tị của thế giới. Nhưng qua thời gian, trong sự giàu sang của mình người La Mã lại quên mất cái giá của việc đảm bảo tự do do là gì, họ quên mất căn bản của tự do là phải giữ cho chính phủ ở một mức độ giới hạn phù hợp. Khi quyền lực của chính phủ càng lớn, tự do cá nhân càng thu hẹp. Khi người La Mã không đề phòng, những chính trị gia thèm khát quyền lực bắt đầu mở rộng vai trò của họ được quy định trong Hiến pháp La Mã. Một số người phát hiện ra rằng họ có thể bầu cho những chính trị gia để dùng quyền lực nhà nước để lấy tài sản từ người này chia cho người khác. Trợ cấp nông nghiệp được đưa ra, tiếp sau là các chương trình trợ cấp nhà ở và phúc lợi xã hội. Tăng thuế là không thể tránh được và nhà nước bắt đầu kiểm soát chặt chẽ khu vực tư nhân. Chẳng bao lâu sau những hộ sản xuất tại La Mã đã không còn đủ tiền trang trải, họ phá sản và gia nhập đội quân xin trợ cấp. Năng suất lao động sụt giảm, lương thực thiếu hụt và những băng nhóm bắt đầu tụ tập tràn ra đường phố yêu cầu chính phủ cung cấp bánh mỳ. Rất nhiều người đã đồng ý từ bỏ tự do lấy cái lợi trước mắt và cuối cùng cả hệ thống chính trị La Mã sụp đổ. La Mã đi từ một nền cộng hòa tới dân chủ và cuối cùng kết thúc là chế độ tập quyền dưới chân Julius Caesar.

Ví dụ từ La Mã cổ đại cho thấy nền dân chủ không phải là hình thức ổn định của một chính phủ, nó là sự chuyển tiếp lâu dài từ chính phủ giới hạn tới sự toàn trị của những kẻ độc tài tập quyền. Đó chính là điều mà các nhà lập quốc Hoa Kỳ, trong đó có Benjamin Franklin, mong muốn tránh và họ muốn tạo lập nền cộng hòa Mỹ và kỳ vọng các thế hệ sau sẽ bảo vệ nền cộng hòa này.

Năm xưa khi Benjamin Franklin rời khỏi hội nghị về Hiến pháp, một phụ nữ đã đến hỏi ông rằng: “Ngài đã để lại cho chúng tôi những gì?” Franklin ngay lập tức trả lời: “Một nền cộng hòa, thưa bà, nếu bà và con cháu bà có thể bảo vệ được nó”.

Tại sao nước Mỹ ngày nay lại bị gọi là “quốc gia dân chủ”?

Khái niệm dân chủ thực sự liên quan đến phong trào cộng sản. Năm 1905, một số nhà xã hội chủ nghĩa từ 6 trường đại học Mỹ đã hợp tác với nhau thành lập một tổ chức gọi là “Hội xã hội chủ nghĩa đại học”. Họ chủ trương chính phủ phải chịu trách nhiệm cho các hoạt động kinh tế khác nhau và sắp xếp mọi vấn đề xã hội một cách thống nhất. Họ tin rằng điều này sẽ tránh được nhiều bất lợi và xã hội sẽ trở nên “có trật tự”.

Ý tưởng này đã thu hút và làm say mê một nhóm lớn trí thức. Tổ chức này đã phát triển nhanh chóng ở Mỹ và đã lan rộng đến hàng chục trường đại học trên cả nước. Nó cũng đưa ra một khẩu hiệu ở Mỹ, nghe rất “bùi tai”, là “Sản xuất không phải vì tiền, mà là vì sự hữu ích”. Họ nói rằng việc sản xuất tại Mỹ không nên theo đuổi lợi nhuận, lợi nhuận không tốt, chúng ta phải theo đuổi sự hữu ích.

Nói một cách thẳng thắn, đây là một điều không tưởng. Những khái niệm kiểu chủ nghĩa xã hội này thời đó chẳng phải đã làm mê hoặc, khiến rất nhiều người sập bẫy và bị lừa hay sao? Mục đích cuối cùng của sản xuất chính là tài sản, và được sở hữu tài sản do mình làm ra là quyền bất khả xâm phạm của con người. Lệch khỏi giá trị này, chính là lệch khỏi luật của Chúa, cũng lệch khỏi nền tảng hiến pháp Mỹ. Nó cũng tương tự như câu “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” vậy.

Song song với sự xuất hiện của chủ nghĩa xã hội ở Mỹ không lâu thì Cách mạng Tháng Mười diễn ra và “Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết” được thành lập. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô thành lập, nạn đói và tàn sát lan rộng đã khiến thuật ngữ “chủ nghĩa xã hội” trở nên khét tiếng.

“Liên minh xã hội chủ nghĩa đại học” ở Mỹ nhận ra rằng cái tên “chủ nghĩa xã hội” này rất khó nghe và họ muốn đổi tên, đổi thành từ “dân chủ” và gọi là “Liên minh dân chủ công nghiệp”. Dân chủ là ý kiến của tất cả mọi người, nghĩa là chúng ta điều hành các ngành công nghiệp quốc doanh và khiến ai nấy đều hạnh phúc. Nói tóm lại, đó vẫn là khái niệm của chủ nghĩa xã hội, được thể hiện bằng từ “dân chủ”.

Nhóm người này sau Thế chiến thứ nhất, trong giới chính trị, kinh doanh, truyền thông và học thuật của Mỹ, lần lượt lên chức và chiếm vị trí quan trọng. Khi Tổng thống Woodrow Wilson dẫn dắt nước Mỹ trong Thế chiến thứ nhất, ông bị vây quanh bởi một nhóm người từ “Liên minh Dân chủ Công nghiệp”. Tổng thống Wilson, theo sự ảnh hưởng của họ, đã hô khẩu hiệu “Đấu tranh cho Dân chủ Thế giới”, nói rằng nước Mỹ tham chiến là để bảo vệ nền dân chủ cho thế giới, làm cho thuật ngữ này trở nên tích cực và đường hoàng.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, phe Cộng sản cũng bắt đầu gọi đất nước của họ là “Cộng hòa Dân chủ”, nào là “Cộng hòa Dân chủ Đức” (Đông Đức), “Cộng hòa Dân chủ Triều Tiên” (Bắc Triều Tiên), v.v… Mọi người từ đó bắt đầu phân biệt giữa “dân chủ Mỹ” và “dân chủ xã hội chủ nghĩa”, tạo ra sai lầm cơ bản về khái niệm. Cùng với sự phá sản của thực tiễn cộng sản, khái niệm “dân chủ xã hội chủ nghĩa” cũng bị phá sản, đồng thời, “dân chủ Mỹ” đã trở thành đại diện cho thể chế chính trị tại nước Mỹ. Sau này, càng gọi càng trở nên thuận tai, nền dân chủ và nước Mỹ ngày càng bị gắn chặt vào nhau, “dân chủ” gần như đã trở thành một từ đại diện cho thể chế của nước Mỹ.

Xét từ chiều sâu của lịch sử, những nhà lập quốc Hoa Kỳ không hề muốn tiến hành dân chủ, mà là muốn thiết lập một nền cộng hòa. Sau này, sự xuất hiện của từ “dân chủ” cũng không đại diện cho nước Mỹ, mà về nguồn gốc còn xuất phát từ những điều mà giá trị Mỹ chân chính luôn luôn đối lập.

Mặc dù nước Mỹ ngày nay vẫn là một nước tư bản đang ở trên địa vị lãnh đạo thế giới tự do, nhưng họ đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ sự thâm nhập của chủ nghĩa xã hội. Nhiều người Mỹ đã không nhận ra rằng rất nhiều nơi trên đất nước của họ đã đi chệch quá xa khỏi tầm nhìn của các vị cha lập quốc.

Hải Đăng (T/h)

Tài liệu tham khảo:
[1] Hoa Kỳ lập quốc: Không phải và không muốn là nền dân chủ, Sound Of Hope, Trí thức VN biên dịch
[2] Nước Mỹ không phải là một nền dân chủ và đó là điều tốt đẹp, Trí thức VN
[3] Nước Mỹ là nền dân chủ hay nền cộng hòa?, Represent.Us
[4] Nước Mỹ là nền cộng hòa?, ConstitutionUS

Xem thêm: