Brazil có thể thở phào nhẹ nhõm vì đã tổ chức thành công một đại hội thể thao quốc tế trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn: khủng hoảng kinh tế-chính trị, khủng hoảng an ninh và báo động về ô nhiễm môi trường cùng dịch virus Zika.

rio jpeg

Sau 16 ngày tranh tài với 306 bộ môn thi đấu, Thế Vận Hội 2016 kết thúc vào đêm chủ nhật 21/8.

Dù bị không ít trục trặc, dù số khán giả thưa vắng không bằng một phần của Thế Vận Hội London 4 năm trước, nhưng Rio 2016 không có gì phải xấu hổ. Theo chủ tịch Ủy Ban Thế Vận Thomas Bach thì có một Rio trước Thế Vận và một Rio sau Thế Vận tươi sáng hơn.

Cựu vận động viên huy chương vàng thuyền buồm Lars Grael, khi được hỏi cảm tưởng đã hài lòng nói: “Chúng tôi lo ngại công việc tổ chức sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng cuối cùng nhìn chung mọi việc đều trôi chảy”.

Một trong những điểm đen về mặt tổ chức của nước chủ nhà là yếu kém về chuyên chở công cộng. Sân vận động nằm xa trạm xe điện cuối cùng, phải đi xe buýt, đi bộ trong không khí oi bức. Một khuyết điểm khác là không phân phối kịp thời số vé ứ đọng ra thị trường. Chưa hết, hơn phân nửa số 280.000 vé phát không cho các gia đình nghèo không được sử dụng. Vé chuyên chở công cộng đắt đỏ so với túi tiền người dân đang bị khủng hoảng kinh tế cho nên họ chọn thái độ nằm nhà. 11% người mua vé cũng không xem các cuộc tranh tài.

Hệ quả là tuy ban tổ chức dự kiến hơn 84% ghế sẽ có người ngồi, nhưng trên thực tế khán đài thường xuyên thưa vắng trừ khi có những ngôi sao nổi danh như vận động viên chạy bộ nhanh nhất thế giới Usain Bolt thi đấu.

Tình trạng này là cơn ác mộng của giới doanh nghiệp, đầu tư những món tiền khổng lồ giành nhau thời lượng quảng cáo sản phẩm trên các đài truyền hình, theo nhận định của Yiannis Exarchos, Tổng giám đốc Olympic Broadcasting.

Ngoài ra, Ủy Ban Thế Vận Quốc Tế CIO cũng bị mắc vào một số scandal đáng tiếc. Từ tai tiếng dùng thuốc kích thích doping bị cấm, cho đến việc một trong số lãnh đạo cốt cán của Ủy ban là ông Patrick Hickey, người Ailen bị bắt giam vì có dính líu vào một đường dây bán vé lậu.

Hai vấn đề cực kỳ gây quan ngại cho các vận động viên và khán giả tới Rio là ô nhiễm và an ninh. Nước ở Rio ô nhiễm hơn hàng chục lần so với tiêu chuẩn, và có vô số các chuyên gia đã cảnh báo nguy hại của sức khỏe con người khi tiếp xúc với thứ nước này. Chính quyền Rio tuy đã cam kết là sẽ làm sạch nước biển Rio trước Thế Vận Hội nhưng đâu vẫn vào đấy. Hơn phân nửa hệ thống ống cống thải nước dơ của thành phố không được xử lý. Mặt khác, khủng hoảng chính trị đặt Olympic Rio vào tình trạng tiền hoảng loạn. Trước ngày khai mạc, hàng chục tờ báo chạy các bài cảnh báo rằng cảnh sát địa phương đang đình công vì không được trả lương, và du khách nước ngoài không nên đến đây vì nếu đến sẽ không có ai bảo vệ.

Điều may mắn là những dự báo bi quan đã không xảy ra. Không có những ca nhập viện nghiêm trọng vì nước ô nhiễm. Báo động dịch bệnh Zika gây hoảng loạn trước Thế Vận có vẻ như quá phóng đại. Nhà nước Hồi giáo IS cũng không gây được một vụ khủng bố nào.

Về phần dân chúng, có một phong trào chống Thế Vận vì phản đối chính phủ mới và ủng hộ tổng thống bị truất phế, hoặc vì thấy tốn kém vô ích chỉ để phục vụ cho người giàu. Tuy nhiên, khi Thế Vận Hội khai mạc, đông đảo dân Rio đã tích cực tham gia, tạm quên các khó khăn trong đời sống, đoàn kết nhau trong hai tuần để đại hội thành công.

Một mục tiêu quan trọng mà mọi thành phố chủ nhà nào cũng kỳ vọng, đó là thu hút du khách. Theo số liệu chính thức, trong mùa Thế Vận Rio, khoảng một triệu du khách nước ngoài đến Brazil, mang lại 6,5 tỷ USD ngoại tệ.

Thế Vận Hội kết thúc, Brazil trở lại cuộc sống bình thường với những vấn đề tồn đọng. Thứ Năm 25/8, Thượng viện Brazil sẽ tiến hành giai đoạn cuối trong tiến trình cách chức tổng thống Dilma Rousseff.

Trọng Đức