Ông Joe Biden đang phải đối mặt với “bài kiểm tra” thực sự đầu tiên đến từ Iran khi nước này đã tấn công một căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq với 15 quả tên lửa hôm 15/2, giết chết một nhà thầu quân sự và làm bị thương một binh sĩ, theo The Guardian. Các nhà quan sát cho rằng động thái này của Iran dường như nhằm mục đích kiểm tra “dũng khí” của tổng thống mới cũng như gây ra thiệt hại cho phía Mỹ.

Embed from Getty Images

Vài giờ sau cuộc tấn công vào sân bay Erbil, nơi có phần lớn sự hiện diện còn lại của quân Mỹ ở Iraq, một nhóm Shia trung thành với Iran đã tuyên bố giành chiến thắng. 

Nhóm chiến binh Shia do Iran hậu thuẫn được gọi là “Lữ đoàn của những người bảo vệ bằng máu” đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công trong một tuyên bố, nhưng không đưa ra bằng chứng về vai trò của nhóm này trong vụ việc.

Không ai còn nghi ngờ về người đứng sau vụ “dằn mặt” đầu tiên như vậy kể từ khi ông Biden nhậm chức.

Động thái này rất khác so với những tháng cuối cùng trong nhiệm kỳ Tổng thống của Donald Trump, khi Iran và các lực lượng thân cận của họ hầu như yên lặng và cẩn trọng từng bước. Lần này, cuộc tấn công được dành riêng để tưởng nhớ đến Abu Mahdi al-Muhandis, cựu thủ lĩnh của tổ chức thân Iran Kata’ib Hezbollah, và Qassem Soleimani, người Iran quyền lực nhất ở Iraq trong hơn một thập kỷ cho đến khi cả hai bị giết trong một vụ không kích chớp nhoáng do ông Trump hạ lệnh vào 13 tháng trước.

Trong vòng vài giờ, các phương tiện sử dụng để khởi động tên lửa và vị trí từ nơi chúng được phóng lên đã được tìm thấy – chỉ cách sân bay Erbil khoảng 7km (4.3 dặm), và nằm trong khu vực được người Kurd quản lý. Thông điệp rất rõ ràng rằng: vùng an toàn đã bị xâm phạm và một cuộc tấn công như vậy có thể xảy ra một lần nữa. Một trong những vị trí đồn trú cuối cùng ở Iraq giờ đã dễ dàng bị tấn công. Bây giờ, tất cả đều đang nhìn vào các bước đi của ông Biden.

Biden và các quan chức cấp cao của ông đã lên án vụ tấn công theo quy định, cam kết đoàn kết với giới lãnh đạo người Kurd của Iraq và thề xác định danh tính nhóm đã tấn công bằng tên lửa. 

Nhà Trắng cho biết họ “phẫn nộ” trước cuộc tấn công, nhưng Thư ký Báo chí Jen Psaki vẫn nói rằng ông Biden “có quyền phản ứng theo thời gian và cách thức mà chúng tôi lựa chọn”.

Bà Psaki và các quan chức chính quyền khác từ chối cho biết liệu Mỹ có tin rằng Iran liên quan đến vụ việc hay không, nhấn mạnh sự ủng hộ của Mỹ đối với cuộc điều tra mà phía Iraq đang bắt đầu tiến hành. Psaki cho biết: “Chúng tôi vẫn đang làm việc với các đối tác Iraq.”

Khi được hỏi về trách nhiệm của Iran, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Mỹ “sẽ không hành động trước trong khi cuộc điều tra đang được tiến hành. Chúng tôi cực kỳ coi trọng việc này. Chúng tôi đang hỗ trợ các đối tác Iraq của mình trong nỗ lực điều tra vụ tấn công, cho dù chúng được tiến hành bởi Iran hoặc “các lực lượng được Iran hậu thuẫn.”

Hôm thứ Ba, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh đã phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào với các cuộc tấn công hôm thứ Hai ở Erbil, theo CNN.

Theo các nhà phân tích, cuộc tấn công có thể làm phức tạp các kế hoạch đã nêu của chính quyền Biden nhằm quay lại thỏa thuận hạt nhân với Iran, miễn là Tehran tiếp tục tuân thủ hiệp ước.

Ông Biden gần như chắc chắn sẽ quay lại các chính sách với Iran giống như thời Obama, khi tin rằng việc ký kết hiệp ước hạt nhân sẽ giúp Iran giảm nhẹ lệnh trừng phạt và từ đó có thể đổi lấy việc nước này thu hẹp nỗ lực làm giàu uranium để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Chính sách này của Obama đã được ký kết năm 2015 và đến tháng 5 năm 2018, Tổng thống Trump đã chính thức rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran và khôi phục lại các lệnh trừng phạt thậm chí còn khắc nghiệt hơn. Ông Trump nói rằng đây là “thỏa thuận một chiều tồi tệ mà đáng nhẽ ra không nên được tiến hành.” Quan điểm của ông Trump là không khoan nhượng với khủng bố, cần làm suy yếu Iran, tiêu diệt thủ lĩnh, là có thể chấm dứt được sự hung hăng của Iran mà không tốn một cuộc chiến tranh.

Ông Trump cũng đe dọa Iran sẽ phải “trả giá đắt” nếu tiến hành bất cứ cuộc tấn công nào vào phía quân Mỹ. 

Các hành động của TT Trump khi đó bị nhiều giới chức và các đồng minh chỉ trích nặng nề, tuy nhiên, thực tế đã chứng minh rằng chúng có hiệu quả lớn trong việc kiềm chế Iran. 

Tuy vậy, đến thời chính quyền Biden, hàng loạt động thái cho thấy nước Mỹ sẽ quay lại chiến lược “xoa dịu” như đã từng làm. Không chỉ quay lại thỏa thuận hạt nhân, Mỹ mới đây còn lật ngược quyết định của ông Trump về việc chỉ định phiến quân Houthi, những kẻ được Tehran bảo trợ, như một tổ chức khủng bố. 

Mỹ cũng tỏ ra lạnh nhạt với Ả Rập Xê-út khi xem xét lại liệu rằng đây có phải là đồng minh thân cận như dưới thời TT Trump hay không. Chỉ 3 ngày sau khi Biden nhậm chức, máy bay không người lái mang tên lửa đã xâm nhập không phận của nước này và ném bom ít nhất một cung điện.

Các quan chức tình báo Mỹ tin rằng cuộc tấn công có thể do lực lượng ủy nhiệm của Iran phát động và được coi như một phép thử tình đoàn kết giữa Biden và Riyadh. Ba tuần sau khi nhậm chức, vẫn không có cuộc điện đàm nào từ nhà lãnh đạo mới của Mỹ với Ả Rập Xê-út, dường như Iran đang cảm thấy rằng họ đã có câu trả lời và hiện đang thử ông Biden một “bài kiểm tra” khác trước khi ngồi lại trong bàn đàm phán. 

Lê Xuân

Xem thêm: