Sau một loạt các hành động hành pháp vào ngày 20/1, TT Joe Biden hôm 2/2 đã ký thêm 3 sắc lệnh liên quan đến nhập cư, chủ yếu là để đảo ngược các chính sách thắt chặt và đảm bảo an toàn biên giới của Tổng thống Hoa Kỳ thứ 45 Donald Trump.

Embed from Getty Images

Tôi không phải đang làm luật mới, tôi đang xóa bỏ chính sách tồi”, ông Biden nói hôm 2/2.

Thông qua các lệnh hành pháp mới ký, ông Biden muốn tìm cách nới lỏng quy tắc công phí (public charge rule) của chính quyền Trump, thành lập mới một tổ công tác làm việc về người Mỹ mới nhập cư, phát triển chiến lược giải quyết “di cư thất thường khắp biên giới miền nam”, và thành lập mới tổ công tác để tái đoàn viên tất cả các gia đình nhập cư đã bị chia tách trong chính quyền trước.

Tòa Bách Ốc hôm 2/2 đã công bố một tài liệu thông tin cho biết: “Chiến lược của ông Biden là đặt trọng tâm vào tiền đề cơ bản rằng đất nước ta sẽ là an toàn hơn, mạnh mẽ hơn và thịnh vượng hơn nếu có một hệ thống nhập cư công bằng, an toàn và trật tự. Hệ thống đó chào đón người nhập cư, duy trì các gia đình cùng nhau, và cho phép mọi người – cả những người nhập cư mới đến và người dân đã sống ở đây qua nhiều thế hệ – được đóng góp đầy đủ hơn cho đất nước chúng ta”.

Tái đoàn viên gia đình người nhập cư

Ông Biden đã thành lập một tổ công tác có nhiệm vụ tái đoàn viên các gia đình vốn vẫn bị chia tách sau khi người lớn trong các gia đình đó bị kết tội nhập cư vào Hoa Kỳ bất hợp pháp.

Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki hôm 2/2 đã nói rằng có khoảng từ 600 đến 700 trẻ em hiện đã bị chia tách khỏi bố mẹ chúng. “Một phần của những điều… mà tổ công tác cần làm trong những giai đoạn đầu là phải xác định được số lượng chính xác trẻ em đang bị chia tách khỏi bố mẹ là bao nhiêu và những đứa trẻ này hiện đang ở đâu và sau đó cần xác định quy trình và cách tiếp cận tốt nhất cho từng trường hợp là gì để tái đoàn viên chúng với gia đình”, bà Psaki nói và cho biết thêm rằng một báo cáo về hiện trạng này sẽ có trong vòng 120 ngày nữa.

The Epoch Times đã liên lạc với Bộ An ninh Nội địa để yêu cầu cung cấp thêm chi tiết và đã được phản hồi rằng cơ quan này sẽ đưa ra thêm tài liệu trong vòng 2 ngày tới.

Tài liệu thông tin của Tòa Bạch Ốc cũng cho biết: “TT Biden tin rằng các gia đình là thuộc về nhau. Ông đã làm rõ rằng việc đảo ngược các chính sách nhập cư của Chính quyền Trump vốn đã chia rẽ hàng nghìn gia đình tại biên giới, là ưu tiên hàng đầu”.

Ông Biden cũng đã ra lệnh rà soát lại chương trình Thủ tục Bảo vệ Di dân (Migrant Protection Protocol). Chương trình này yêu cầu những người vượt biên bất hợp pháp phải đợi trường hợp của họ được xét xử tại Mexico, chứ không được thả tự do vào lãnh thổ Hoa Kỳ.

Thông tin cần biết về vấn đề chia tách gia đình người nhập cư

Vào tháng 4/2018, Tổng Chưởng lý Hoa Kỳ khi đó là ông Jeff Sessions đã loan báo chính sách “không khoan nhượng” về việc truy tố tất cả người trưởng thành đã vượt biên vào Mỹ trái phép, căn cứ theo 8 U.S.C. Section 1325(a).

Với chính sách đó, bố mẹ và trẻ em đã vượt biên vào Mỹ bất hợp pháp sẽ bị chia tách, trong thời gian những người bố, người mẹ này bị Cảnh sát Tư pháp Hoa Kỳ (U.S. Marshals Service) bắt tạm giam chờ xét xử. Tất cả những trẻ em đi cùng người lớn nhập cư bất hợp pháp sẽ được chuyển tới Bộ Y tế và Dân sinh và được phân loại là trẻ vị thành niên không có người lớn đi kèm, chiếu theo Đạo luật Tái phê duyệt Bảo vệ Nạn nhân của nạn buôn người (TVPRA). Khoảng 5.000 gia đình của người nhập cư không giấy tờ đã bị ảnh hưởng bởi chính sách “không khoan nhượng” trong sáu tuần tiếp theo kể từ khi chính sách này được ông Sessions công bố vào tháng 4/2018.

Cả hai chính quyền Obama và Bush đều đã chia tách các gia đình nhập cư bất hợp pháp tại biên giới vì những lý do tương tự nêu trên.

Các gia đình người nhập cư hiếm khi bị chia tách nếu họ vào nước Mỹ tại cửa khẩu và tìm kiếm quy chế tị nạn hợp pháp, theo một tuyên bố của Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) công bố ngày 9/7/2019.

Ông Todd Owen, trợ lý của lãnh đạo Văn phòng Hoạt động Thực địa của CBP trong một tuyên bố phát đi vào thời điểm đó, đã nói: “[Việc chia tách các gia đình] chỉ được thực hiện trong những trường hợp cấp bách nhằm bảo vệ đứa trẻ và đảm bảo sự an toàn, no đủ cho đứa trẻ đó”.

Trước khi có chính sách không khoan nhượng, các sĩ quan của đội Tuần tra Biên giới Mỹ phát hiện rằng những người nhập cư bất hợp pháp đang thuê trẻ em ở biên giới miền nam với mục đích để họ sớm được thả tự do vào lãnh thổ Mỹ. Những người lớn không kèm trẻ em có thể dễ dàng bị trục xuất hoặc bị bắt tạm giam, nhưng những người đi cùng trẻ nhỏ lại nhanh chóng được thả vào lãnh thổ Mỹ. Điều này xảy ra là do những lỗ hổng của các bộ luật liên quan đến nhập cư. Và chính sách không khoan nhượng của chính quyền Trump được đưa ra là nhằm khắc phục một phần lỗ hổng này.

Tuy nhiên sau khi hứng chịu phản ứng dữ dội, Tổng thống Donald Trump vào ngày 20/6/2018 đã ký sắc lệnh tạm dừng chính sách chia tách gia đình người nhập cư bất hợp pháp, và chính sách “bắt và thả” có từ các chính quyền tiền nhiệm lại được mặc định sử dụng trở lại. Vào đầu năm 2020, chính quyền Trump đã bắt đầu thực hiện chương trình Thủ tục Bảo vệ Di dân, cũng được biết đến là chính sách “Tiếp tục ở lại Mexico” (Remain in Mexico), từ đó việc chia tách gia đình người nhập cư bất hợp pháp lại được thực thi trở lại.

Bộ Y tế và Dân sinh, cơ quan được giao nhiệm vụ tái đoàn viên các gia đình nhập cư, sau đó đã xác nhận có gần 13% của các toán bố mẹ nhập cư lậu là những kẻ tội phạm nghiêm trọng, hoặc họ đã nói dối về việc là bố mẹ của những đứa trẻ đi cùng mình.

Trong tiến trình tái đoàn viên đó, Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ khi đó là bà Kirstjen Nielsen bị cáo buộc đã trục xuất những người trưởng thành trở về đất nước mà không kèm theo con của họ.

Bà Kirstjen Nielsen đã nói trong một phiên điều trần tại Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện vào ngày 6/3/219 rằng: “Tôi cũng muốn lưu ý rằng, phù hợp với thông lệ từ lâu trong luật pháp, trước khi chúng tôi trục xuất bất cứ người nhập cư nào sau khi họ đã trải qua tiến trình [đoàn viên] và nhận được lệnh trục xuất cuối cùng, chúng tôi đã hỏi họ liệu họ có muốn đưa con của họ theo cùng không”.

Đồng thời lãnh sự quán hoặc đại sứ quán của nước họ – với mục đích cấp cho họ giấy thông hành – cũng hỏi họ có muốn bị trục xuất cùng với con cái của họ… Thẩm phán cũng đã yêu cầu chúng tôi quay lại và hỏi những bố mẹ đó lần nữa, kết hợp cùng với ACLU [Liên minh Tự do Dân sự Mỹ]. Đó là những điều chúng tôi đã làm. Vậy nên, theo hiểu biết của tôi, không có bố mẹ nào đã bị trục xuất mà chưa được tạo rất nhiều cơ hội để có thể đưa trẻ em theo cùng với họ”, bà Nielsen nói thêm.

Mở rộng các tiêu chuẩn tị nạn

Những hành động của ông Biden cũng nhằm nới lỏng các tiêu chuẩn về tịn nạn, gần như là quay trở lại cách diễn giải các tiêu chí này của chính quyền Obama.

Vào tháng 7/2018, Tổng Chưởng lý Jeff Sessions đã đưa ra quy định sẽ áp dụng các tiêu chuẩn tị nạn trước năm 2014. Có nghĩa là sẽ loại bỏ các tiêu chuẩn tị nạn mà chính quyền Obama mở rộng, trong đó có việc xếp các trường hợp bị bạo lực từ các nhóm tư nhân, chứ không liên quan đến đàn áp của nhà cầm quyền, cũng đủ điều kiện xin tị nạn tại Mỹ.

Định nghĩa về tị nạn tại Mỹ chưa từng thay đổi. Những người xin tị nạn luôn luôn cần phải chứng minh rằng họ đã phải hứng chịu đàn áp trong quá khứ hoặc có nỗi sợ hãi có căn cứ về việc sẽ bị đàn áp trong tương lại tại đất nước quê hương của họ. Việc đàn áp này xuất phát từ lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, quan điểm chính trị hoặc do là thành viên trong một nhóm xã hội đặc biệt.

Tuy nhiên, việc đàn áp này phải được coi là có sự tiếp tay của nhà nước hoặc nhà nước cố tình làm ngơ. Điều đó có nghĩa rằng chính phủ của đất nước quê nhà của người nhập cư xin tị nạn là bên bảo trợ cho hoạt động đàn áp. Chẳng hạn như, tại Bắc Hàn, chế độ cầm quyền đã bức hại các tín đồ Công giáo hay tại Trung Quốc, Đảng Cộng sản đã bức hại các nhóm tôn giáo và các dân tộc thiểu số như Phật giáo Tây Tạng, Công giáo tại gia, học viên Pháp Luân Công và người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.

Trong trường hợp bạo lực nội địa, trong đó kẻ gây ra đàn áp là nhân tố cá nhân, thì “những người xin tị nạn phải cho thấy rằng chính phủ quê hương của họ hoặc là đã cố tình làm ngơ trước hành động đàn áp của nhân tố cá nhân đó hoặc chính phủ đó đã có biểu hiện hoàn toàn bất lực trong việc bảo vệ người bị đàn áp”, theo một tuyên bố của Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) vào tháng 7/2018.

Sẽ là không đủ cơ sở để xin tị nạn [tại Mỹ], nếu [nguyên đơn] đơn giản chỉ ra rằng chính phủ gặp khó khăn trong việc kiểm soát hành vi [bức hại do nhân tố cá nhân gây ra] hoặc chỉ cho thấy rằng một nhóm dân cư nhất định có nhiều khả năng là nạn nhân của hành vi tội phạm”, tuyên bố của DHS nói thêm.

Trước năm 2013, và trước khi chính quyền Obama mở rộng các tiêu chuẩn xét tị nạn, có gần 1% người nhập cư đã tuyên bố về nỗi sợ hãi là có thể tin được và đã tìm nơi tị nạn tại Mỹ, theo DHS. Cho đến năm 2018, 10% tuyên bố lo sợ bị bức hại của những người nhập cư là đáng tin.

Những hành động khác

Những hành động khác mà ông Biden đã thực hiện hôm 2/2 gồm có việc đảo ngược quy tắc công phí vốn yêu cầu các gia đình nhận tiền trợ cấp công phải trả lại khoản tiền đó cho chính phủ nếu những người thân của họ không phải là công dân Mỹ nhận khoản phúc lợi này.

Ông Biden cũng thành lập mới một tổ công tác về người Mỹ mới. Tổ công tác này có nhiệm vụ hỗ trợ người nhập cư nhanh chóng hòa nhập vào xã hội Mỹ.

Ông Biden yêu cầu các cơ quan liên bang phải tiến hành “rà soát toàn diện các quy định, chính sách và hướng dẫn hiện hành vốn đang đặt ra các rào cản đối với hệ thống nhập cư hợp pháp của chúng ta”.

Liên quan đến khu vực Trung Mỹ, chính quyền Biden có kế hoạch sẽ thực hiện cách tiếp cận ba mũi đối với vấn đề “di cư không thường xuyên”.

Không đi vào chi tiết, tài liệu thông tin của Tòa Bạch Ốc tuyên bố rằng chính quyền Biden “sẽ giải quyết các nguyên nhân cơ bản của vấn đề di cư thông qua một chiến lược để ứng phó với sự hỗn loạn, bạo lực và bất ổn kinh tế vốn đang đẩy người dân [Trung Mỹ] rời bỏ quê hương”.

Chính quyền Biden cũng hứa sẽ hợp tác với các quốc gia khác và các tổ chức phi chính phủ để cung cấp “những cơ hội cho người xin tị nạn và người di dân được gần quê nhà hơn”.

Cuối cùng, Chính quyền Biden sẽ đảm bảo rằng những người tị nạn Trung Mỹ và những người tìm nơi tị nạn có thể tiếp cận những con đường hợp pháp tới Hoa Kỳ”, tài liệu thông tin của Tòa Bạch Ốc khẳng định.

Xuân Thành (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: