Ông Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Nga không có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden đặt câu hỏi nếu ông Putin không có ý định thì tại sao lại liên tục nói về vũ khí hạt nhân, việc ông ấy thường xuyên nhắc đến vũ khí hạt nhân là “rất nguy hiểm”.

51540626760 033b7af99f b
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Nguồn: Adam Schultz/ Nhà Trắng)

Theo bản tin “Đồi Capitol” (Capitol Hill), hôm thứ Năm (27/10), Tổng thống Nga Putin cho biết tại cuộc họp của các chuyên gia chính sách đối ngoại quốc tế rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trên chiến trường Ukraine không phù hợp lợi ích của Nga.

Ông Putin nói: “Chúng tôi không nghĩ điều đó là cần thiết. Không có ý nghĩa gì từ về quân sự hay chính trị cũng vậy”.

Trước đó một ngày, ông Putin đã đích thân giám sát cuộc tập trận hạt nhân của quân đội Nga nhằm thử nghiệm một cuộc tấn công hạt nhân trả đũa lớn.

Vài giờ sau khi ông Putin tuyên bố không có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân, Tổng thống Mỹ Biden đã hỏi lại trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Nexstar – tập đoàn truyền thông hàng đầu của Mỹ: “Nếu ông ta (Putin) không có ý định, tại sao lại liên tục nói về nó [vũ khí hạt nhân]? Tại sao ông ta lại nói về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật? Cách ông ta xử lý nó rất nguy hiểm. Ông ta có thể kết thúc điều này và rút khỏi xâm lược Ukraine”.

Trước đây, ông Putin đã nhiều lần đe dọa rằng Nga có thể chuyển sang sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến ở Ukraine, đồng thời nhấn mạnh khả năng Nga sử dụng năng lực hạt nhân để đối phó với bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào từ phương Tây.

Trong bài phát biểu hồi tháng trước thông báo về việc huy động hàng trăm ngàn quân dự bị chiến đấu ở Ukraine, ông Putin nói rằng Moscow đã sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ bất kỳ vùng lãnh thổ nào của mình. Ông Putin cũng cáo buộc Mỹ và các đồng minh “tống tiền hạt nhân” đối với Nga bằng [răn đe] “hủy diệt” nước Nga.

Các cáo buộc theo thuyết âm mưu được Nga ưa dùng

Gần đây, các quan chức Nga cáo buộc Ukraine đang chuẩn bị sử dụng “bom bẩn” (dirty bomb). Phía Ukraine đã bác bỏ cáo buộc. Phía Mỹ cho biết Nga có tiền sử cáo buộc các nước khác làm những gì Moscow đang chuẩn bị làm, còn được gọi là hành vi “cờ giả” (false flag).

“Bom bẩn” về mặt kỹ thuật là thiết bị khuếch tán phóng xạ, đây là loại vũ khí nổ tương đối thô sơ, dễ chế tạo, chi phí thấp và ít nguy hiểm hơn, lâu nay người ta vẫn xem đó là dạng vũ khí tiềm tàng mà những kẻ khủng bố hay dùng đến nhằm mục đích chính gây tâm lý hoang mang và lo lắng bởi bụi phóng xạ và khói mà “bom bẩn” tung vào bầu khí quyển.

Hãng thông tấn AP cho biết đến nay chưa có tài liệu nào ghi nhận các vụ tấn công sử dụng bom bẩn, nhưng hơn hai thập niên trước ở tỉnh Chechnya miền nam nước Nga đã xảy ra 2 lần thất bại trong việc kích nổ các thiết bị như vậy.

Giới chóp bu Nga không chỉ đưa các cáo buộc Ukraine dùng “bom bẩn” còn thúc đẩy cáo buộc rằng Mỹ và Ukraine đang cùng phát triển vũ khí sinh học.

Trong nhiều tháng, Moscow đã đưa ra các cáo buộc này mà không có ủng hộ từ nước nào, hiện Nga đã soạn thảo một nghị quyết Hội đồng Bảo an kêu gọi thành lập một ủy ban gồm 15 thành viên để điều tra cáo buộc của Moscow.

Vào thứ Tư (26/10), Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc (LHQ) Linda Thomas-Greenfield đã chỉ trích Nga vì phát tán thông tin sai lệch và lãng phí thời gian của LHQ.

Đại sứ Thomas Greenfield nói với Hội đồng Bảo an LHQ: “Tôi sẽ giữ lại những nhận xét ngắn gọn của mình, bởi vì thành thật mà nói cuộc họp này làm lãng phí thời gian của tất cả mọi người”.

Bà nói thêm: “Nga đã một lần nữa gọi chúng tôi đến đây với mục đích duy nhất là truyền bá thông tin sai lệch. Tất cả đều biết rằng những tuyên bố này là bịa đặt mà không có bằng chứng nhỏ nhoi nào. Tôi thậm chí dám nói rằng phái đoàn Nga biết những cáo buộc này là bịa đặt, nhưng họ vẫn nỗ lực hết sức để thực hiện mệnh lệnh hành quân của Tổng thống Putin”.

Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Tư (26/10) rằng Moscow “đã thu thập được một lượng lớn dữ liệu về chương trình phòng thí nghiệm sinh học [của Mỹ và Ukraine]”.

Phía Mỹ cho biết phòng thí nghiệm của Ukraine đang hoạt động theo “Chương trình Giảm thiểu Đe dọa Sinh học”, nhằm cải thiện khả năng phát hiện và báo cáo các đợt bùng phát từ các mầm bệnh nguy hiểm trước khi chúng gây ra mối đe dọa đáng kể.

Đại sứ Thomas Greenfield nói với Hội đồng Bảo an: “Mỹ không có chương trình vũ khí sinh học. Không có phòng thí nghiệm vũ khí sinh học nào do Mỹ hậu thuẫn. Ukraine sở hữu và vận hành cơ sở hạ tầng phòng thí nghiệm y tế công cộng, nhiều nước tìm cách bảo vệ cộng đồng trước nguy cơ các bệnh truyền nhiễm cũng có những cơ sở như thế”.

Các cáo buộc về vũ khí sinh học của Nga cũng được phương Tây lo ngại là một phần của chiến dịch “cờ giả” mà Moscow sẽ thực hiện ở Ukraine nhằm chống lại thành công gần đây của Ukraine trong các cuộc phản công nhằm lấy lại lãnh thổ Ukraine bị quân xâm lược Nga chiếm đóng.

Đại sứ Anh tại LHQ Barbara Woodward nói với Hội đồng Bảo an: “Nga đang dùng thuyết âm mưu để cài chương trình nghị. Liên bang Nga đã nhiều lần phát tán thông tin sai lệch, bao gồm cả những tuyên bố ngông cuồng liên quan đến bom bẩn, vũ khí hóa học và nghiên cứu tấn công sinh học. Chúng ta còn phải chịu đựng thêm bao nhiêu thứ cáo buộc hoang đường như thế nữa?”.