Chính quyền Biden hôm thứ Năm (27/5) đã thông báo với Nga rằng họ sẽ không tham gia lại Hiệp ước kiểm soát vũ khí Bầu trời Mở, trong bối cảnh hai bên đang chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh vào tháng tới giữa các nhà lãnh đạo.

Embed from Getty Images

Theo hãng tin AP, Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman đã nói với phía Nga rằng chính quyền Biden đã quyết định không tái ký Hiệp ước Bầu trời Mở, vốn cho phép các chuyến bay giám sát qua các cơ sở quân sự ở cả hai nước trước khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi hiệp ước. 

Với tư cách là một ứng cử viên tổng thống khi đó, ông Biden đã chỉ trích việc ông Trump rút lui là “thiển cận”.

Hiệp ước Bầu trời mở nhằm mục đích xây dựng lòng tin giữa Nga và phương Tây bằng cách cho phép hơn ba chục bên ký kết thực hiện các chuyến bay do thám trên lãnh thổ của nhau để thu thập thông tin về các lực lượng và hoạt động quân sự. Hơn 1.500 chuyến bay đã được thực hiện theo Hiệp ước kể từ khi nó có hiệu lực vào năm 2002 nhằm tăng cường tính minh bạch và cho phép giám sát việc kiểm soát vũ khí và các thỏa thuận khác.

Chính quyền Trump đã tuyên bố rút khỏi Hiệp ước vào năm ngoái. Khi rút khỏi hiệp ước, ông Trump cho rằng những vi phạm của Nga khiến Washington không thể chấp nhận được việc vẫn là một bên trong hiệp định. Washington đã hoàn tất việc rút khỏi hiệp ước vào tháng 11.

Quyết định hôm 27/5 vừa qua của chính quyền Biden có nghĩa là chỉ một hiệp ước kiểm soát vũ khí lớn giữa các cường quốc hạt nhân – Hiệp ước START mới – sẽ được duy trì. Cựu TT Trump đã không làm gì để gia hạn Hiệp ước START mới, vốn đã hết hạn vào đầu năm nay, nhưng sau khi nhậm chức, chính quyền Biden đã nhanh chóng gia hạn nó thêm 5 năm và mở một cuộc xem xét về việc rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở của ông Trump.

Các quan chức cho biết việc xem xét đã hoàn tất và bà Sherman đã thông báo cho Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov về quyết định của Hoa Kỳ không quay trở lại Hiệp ước Bầu trời Mở năm 1992. 

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Hoa Kỳ lấy làm tiếc rằng Hiệp ước Bầu trời Mở đã bị phá hoại do những vi phạm của Nga. Do đó, sau khi kết thúc việc xem xét Hiệp ước, Hoa Kỳ không có ý định gia nhập lại vì phía Nga đã không thực hiện bất kỳ hành động nào để tuân thủ trở lại. Hơn nữa, hành vi của Nga, bao gồm các hoạt động gần đây đối với Ukraine, không phải là của một đối tác muốn xây dựng lòng tin”.

Thông báo được đưa ra trong bối cảnh đang diễn ra những lời kêu gọi để điều tra các khoản thanh toán từ Moscow cho Joe và Hunter Biden. Nó cũng diễn ra trước cuộc gặp giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 16/6 tại Geneva, Thụy Sĩ. Hai bên sẽ cố gắng tìm ra điểm chung trong bối cảnh mối quan hệ đang suy giảm nghiêm trọng. 

Moscow đã bày tỏ thất vọng về sự rút lui của Hoa Kỳ, cảnh báo rằng nó sẽ làm xói mòn an ninh toàn cầu bằng cách khiến các chính phủ khó khăn hơn trong việc giải thích ý định của các quốc gia khác, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng Nga-phương Tây gia tăng về vô số vấn đề.

Các nghị sĩ đảng Dân chủ hàng đầu và các thành viên của Liên minh châu Âu đã kêu gọi Hoa Kỳ xem xét lại việc rút lui và kêu gọi Nga duy trì hiệp ước và dỡ bỏ các hạn chế bay, đặc biệt là khu vực Kaliningrad ở cực tây của họ, nằm giữa các đồng minh NATO là Lithuania và Ba Lan.

Nga đã khẳng định các hạn chế đối với các chuyến bay quan sát mà nước này áp đặt trước đây là được phép theo Hiệp ước và lưu ý rằng Hoa Kỳ đã áp đặt các hạn chế sâu rộng hơn đối với các chuyến bay quan sát qua Alaska.

Chính quyền Biden tiếp tục cho biết họ đang tìm kiếm một mối quan hệ ổn định và có thể dự đoán được với Moscow. Tuy nhiên, trước đó Nga đã bị Mỹ cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 và rằng Điện Kremlin đứng sau chiến dịch hack SolarWinds nhằm vào ít nhất 9 cơ quan của Mỹ.

Lê Vy

Xem thêm: