Ông Joe Biden đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm thứ Sáu (2/4) trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine gia tăng dọc theo biên giới phía Đông.

Embed from Getty Images

Theo một tuyên bố từ Nhà Trắng, ông Biden khẳng định “sự ủng hộ vững chắc của Hoa Kỳ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trước sự xâm lược liên tục của Nga ở Donbas và Crimea,” đồng thời “nhấn mạnh cam kết của chính quyền Hoa Kỳ trong việc phục hồi ‘quan hệ đối tác chiến lược của chúng ta nhằm hỗ trợ’ kế hoạch của Ukraine trong việc đối phó với tham nhũng”.

Cuộc điện đàm kéo dài khoảng 50 phút. “Chúng tôi đã thảo luận chi tiết về tình hình ở Donbass. Tổng thống Biden đảm bảo với tôi rằng Ukraine sẽ không bao giờ bị bỏ lại một mình trước sự xâm lược của Nga,” Tổng thống Ukraine cho biết trong một tuyên bố qua video sau đó.

Washington từng là đồng minh mạnh mẽ nhất của Ukraine kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. Nhưng mối quan hệ này đã trở nên nhạt đi, do Ukraine không muốn tham gia các sự kiện liên quan đến phiên tòa luận tội người tiền nhiệm của ông Biden là ông Donald Trump.

Vào năm 2019, ông Zelensky bị cuốn vào chính trường Mỹ sau khi các đảng viên Đảng Dân chủ tại Hạ viện luận tội cựu Tổng thống Donald Trump qua một cuộc điện thoại giữa ông Trump với ông Zelensky, cho đến tận khi Thượng viện cuối cùng không kết tội ông Trump. Ông Biden cũng từng vướng vào tranh cãi có liên đới với Ukraine sau khi con trai của ông là Hunter Biden tham gia hội đồng quản trị của Công ty khí đốt Ukraine Burisma Holding khoảng vài năm. Nhiều nguồn tin cáo buộc Hunter kiếm được khoản thu nhập hàng tháng béo bở ngay cả khi Burisma và người sáng lập đều bị điều tra. Ông Biden đã nhiều lần khẳng nhận rằng ông không hề biết đến công việc kinh doanh ở nước ngoài của con trai mình

Tuy nhiên, cuộc điện đàm giữa hai nguyên thủ quốc gia dường như không đề cập đến điều đó. 

Về phía Ngoại trưởng Antony Blinken, văn phòng của ông thông báo, ông đã nói chuyện với ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba trong tuần này, trước những lên án về sự gây hấn của Moscow.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố: “Ông ấy bày tỏ quan ngại về tình hình an ninh ở miền Đông Ukraine và gửi lời chia buồn về thiệt hại gần đây của 4 binh sĩ Ukraine. Ngoại trưởng Blinken cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tiến bộ pháp quyền và cải cách kinh tế để củng cố các thể chế dân chủ của Ukraine và hội nhập hơn nữa vào Hội đồng Đối tác Châu Âu-Đại Tây Dương (EAPC). Hai Bộ trưởng còn thảo luận về các nỗ lực ứng phó với đại dịch COVID-19” và đề cập đến các chính sách khí hậu.

Ngoài ra, Tổng tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ, Tướng Mark Milley, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin và Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cũng đã tiến hành các cuộc điện đàm với những người đồng cấp Ukraine.

Hôm thứ Sáu (2/4), các quan chức Nga tuyên bố, bất kỳ hoạt động triển khai nào của quân đội NATO đến Ukraine sẽ dẫn đến căng thẳng hơn nữa tại khu vực gần biên giới của Nga, và buộc Moscow phải tiến hành các biện pháp bổ sung để đảm bảo an ninh của chính mình.

Trước đó, ngày 1/4, NATO đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về thông tin chiến dịch xây dựng quân sự lớn của Nga gần miền đông Ukraine, sau khi Nga cảnh báo rằng sự leo thang nghiêm trọng trong cuộc xung đột ở khu vực Donbass của Ukraine có thể “hủy diệt” Ukraine.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm thứ 2/4 rằng tình hình tại đường dây liên lạc ở miền Đông Ukraine giữa lực lượng chính phủ Ukraine và lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn rất đáng sợ và nhiều “hành động khiêu khích” đang diễn ra ở đó.

Ukraine cho biết Kyiv và Moscow đã đổ lỗi cho nhau về việc bùng phát bạo lực gần đây trong khu vực. Khoảng 14.000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột kể từ khi nổ ra lần đầu tiên vào năm 2014.

Minh Ngọc (T/h)

Xem thêm: