Sau trận tranh cãi nảy lửa giữa các quan chức Philippines và Trung Quốc về việc hàng chục “tàu cá” Trung Quốc neo đậu tại biển Đông, Tổng thống Rodrigo Duterte đã dịu giọng vào hôm thứ Ba.

Embed from Getty Images

“Dù chúng ta có những khác biệt với Trung Quốc như thế nào đi nữa… điều này không phải là chướng ngại đối với quỹ đạo quan hệ hữu nghị song phương tích cực và sự hợp tác ngày càng sâu rộng giữa hai nước trong việc ứng phó với đại dịch, bao gồm hợp tác về vắc-xin và phục hồi kinh tế sau đại dịch,” ông Duterte tuyên bố qua người phát ngôn.

Sự hiện diện của các tàu mà giới quân sự Philippines gọi là “lực lượng dân quân biển Trung Quốc” tại đá Ba Đầu là tình thế khó xử mới nhất đối với chính sách Trung Quốc của ông Duterte. 

Tỏ ra cứng rắn với Bắc Kinh sẽ là điều được nhiều người dân Philippines ưa thích, khi phần lớn dân chúng coi Trung Quốc đang xâm phạm lãnh thổ đất nước. Tuy nhiên, làm vậy gây nguy hiểm cho mối quan hệ khi ông Duterte đang cần “sự hào phóng” của Trung Quốc để đối phó với một trong những đợt bùng phát COVID tồi tệ nhất châu Á, cũng như suy thoái kinh tế do đại dịch gây ra.

“Duterte cảm thấy cần phản ứng theo cách cứng rắn nhất có thể… mà không nhất thiết làm lung lay nền tảng quan hệ giữa Manila và Bắc Kinh,” Collin Koh, một nhà nghiên cứu tại Học viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng Singapore, nói.

Tổng thống Philippines đã giữ im lặng một thời gian sau khi có báo cáo của lực lượng đặc nhiệm chính phủ hồi tháng trước rằng hơn 200 tàu Trung Quốc đang neo đậu quanh khu vực Đá Ba đầu. Thay vào đó, ông để mặc cho Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của mình “lời qua tiếng lại” với phía Trung Quốc. 

Việc ông Duterte hạ giọng trong vấn đề này không gây bất ngờ vì chính sách “dĩ hòa vi quý” của ông đối với Trung Quốc vẫn đang được áp dụng, theo Jay Batongbacal, một chuyên gia luật biển tại Đại học Philippines. 

“Ông ta luôn nhấn mạnh sự cần thiết của Trung Quốc. Trước đây là giúp đỡ về cơ sở hạ tầng, và hiện nay là về vắc-xin,” Batongbacal nói. “Về cơ bản, ông ta xác định quan hệ giữa Philippines với Trung Quốc theo kiểu phụ thuộc đó.”

 

Kể từ khi được bầu vào năm 2016, ông Duterte đã nuôi dưỡng quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc bằng cách gác lại vấn đề lãnh thổ nhạy cảm. Hành động của Duterte đã mang lại những cam kết đầu tư trị giá hàng tỷ đôla, lượng lớn du khách Trung Quốc và khả năng tiếp cận thị trường Đại lục rộng lớn cho các mặt hàng xuất khẩu của Philippines.

Trong đại dịch, Trung Quốc đã gửi máy thở, thiết bị bảo hộ cá nhân và gần đây là vắc xin cho Philippines. Manila đã tiến hành chương trình tiêm chủng phòng COVID tháng trước bằng vắc-xin Sinovac do Bắc Kinh tặng. Hiện ông Duterte vẫn đang phụ thuộc vào nguôn cung vắc-xin từ Trung Quốc khi việc vận chuyển vắc-xin từ các nguồn khác bị chậm trễ.

“Nếu Chủ tịch Tập Cận Bình đang lắng nghe, từ tận đáy lòng, với lòng biết ơn vô hạn, tôi xin cám ơn ông … vì đã rất hào phóng,” ông Duterte nói sau chuyến hàng biếu tặng đầu tiên từ Trung Quốc được chuyển đến.

Đối với ông Duterte, việc bảo đảm sự hỗ trợ của Trung Quốc là điều rất quan trọng, đặc biệt khi Philippines đang phải đối mặt với sự bùng phát các ca nhiễm virus corona khiến một phần tư dân số, gồm cả thủ đô, phải phong tỏa hai tuần. Điều này đã đe dọa nỗ lực của chính phủ trong việc đảo ngược mức suy giảm kinh tế kỷ lục 9,6% hồi năm ngoái, khiến nạn đói và thất nghiệp tăng cao liên tục.

Những khó khăn do đại dịch gây ra có thể làm suy yếu đảng của ông Duterte trong cuộc bầu cử quốc gia năm tới. Mặc dù ông Duterte bị giới hạn trong một nhiệm kỳ tổng thống sáu năm, nhưng đã có các ứng cử viên triển vọng sẽ kế nhiệm ông, gồm con gái ông, Thị trưởng thành phố Davao là Sara Duterte, và cựu cố vấn hàng đầu, thượng nghị sĩ Bong Go.

Mặt khác, việc kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh và phục hồi kinh tế có thể thúc đẩy những cơ hội cho người kế nhiệm của ông. “Để làm điều đó, chính quyền Duterte vẫn cần sự giúp đỡ của Bắc Kinh,” Koh nói.

Điều đó đã giải thích một phần vì sao ông Duterte “lệch nhịp” với những tuyên bố cứng rắn của các Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao. 

 >> Bắc Kinh cáo buộc Philippines “thổi phồng” về hạm đội Trung Quốc tại đá Ba Đầu

Bắc Kinh nói rằng những tàu thuyền này là tàu đánh cá hoạt động trong vùng đánh cá truyền thống “từ hàng ngàn năm” ở đá Ba Đầu. Bắc Kinh còn nói các tàu thuyền này đang tìm chỗ trú ẩn do biển động, điều mà Bộ ngoại giao Philippines gọi là “sự lừa dối trắng trợn”. 

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã cáo buộc Trung Quốc lên kế hoạch để chiếm nhiều “mốc chủ chốt” tại các vùng nước đang tranh chấp. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Teodoro Locsin Jr., cho biết ông sẽ đệ đơn phản đối theo đường ngoại ngoại giao mỗi ngày tới khi các tàu thuyền rời khỏi khu vực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm thứ Ba đã kêu gọi Philippines nghiên cứu vấn đề “một cách khách quan và dừng ngay lập tức việc kích động bừa bãi và tránh gây ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ song phương.”

Vụ tranh cãi đã thu hút sự chú ý của các nhà quan sát chính sách đối ngoại về việc liệu chính quyền Duterte có điều chỉnh chính sách Trung Quốc của họ hay không.

Tuy vậy, theo ông Gregory Poling, nhà nghiên cứu cao cấp về Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Washington, chính sách biển Đông của Duterte không đem đến lợi ích mà tổng thống này hy vọng, bởi hàng tỷ đôla từ các khoản đầu tư đã cam kết chưa được Trung Quốc chuyển giao.

“Ông ta [Duterte] đã im lặng về vấn đề tranh chấp trên biển trong gần 5 năm, nhưng Bắc Kinh không hề giảm căng thẳng trên biển hoặc chuyển giao đầu tư và viện trợ như đã hứa hẹn,” ông Polling nói.

Xuân Lan (theo Nikkei)

Xem thêm: