Theo RFI, ông Macron là một đồng minh không được lòng người dân Ukraine. Tuyên bố không làm “bẽ mặt” Nga của Tổng thống Pháp và việc ông kiên quyết đối thoại với Tổng thống Putin, cùng chuyến thăm muộn của ông tới Kyiv đã khiến người dân Ukraine bất an và phẫn nộ.

Zelensky va Macron 3
Theo RFI, Tổng thống Pháp Macron (phải) là một đồng minh không được lòng người dân Ukraine. (Ảnh chụp màn hình video trên FB Zelensky)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Martin Schulz và Thủ tướng Ý Mario Draghi đã đến thăm Kyiv hôm thứ Năm (16/6), đây là tin trọng điểm của RFI trong ngày.

Khi chiến tranh bùng nổ, Thomas d’Istria và Rémy Ourdan, 2 phóng viên của RFI, được cử đến thủ đô Kyiv của Ukraine và Donbas của miền đông Ukraine, đã viết rằng quan hệ giữa Paris và Kyiv rất tốt. Khi đó, ông Andriy Yermak, người đứng đầu phủ tổng thống Ukraine, cho biết Macron và Zelensky có một “mối quan hệ tuyệt vời”.

Ông Yermak cũng nói: “Hai tổng thống nói chuyện với nhau rất nhiều, ông Macron thực sự muốn giúp đỡ chúng tôi.” Vào thời điểm đó, tổng thống Pháp gọi đã điện cho ông Zelensky mỗi ngày, để hỏi về tình hình của ông và nói chuyện với ông Putin trước khi nói chuyện với Tổng thống Ukraine.

Sau đó, mối quan hệ dần xấu đi. Bước ngoặt này bắt đầu khi quân đội Nga rút khỏi khu vực Kyiv, và phát hiện ra các hành vi tàn bạo của quân đội Nga.

Khi đó, các nhà lãnh đạo châu Âu đã đến Kyiv bày tỏ sự ủng hộ, nhưng ông Macron lại nhất quyết đòi đối thoại với Moscow. Cách tiếp cận của ông Macron bị coi là thiếu sự đồng cảm, thậm chí người ta còn cho rằng nhận thức của Macron về ý đồ của Điện Kremlin là sai lầm.

Hai nhà báo của RFI viết rằng Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã cáo buộc quân đội Nga “diệt chủng” sau những hành động tàn bạo mà quân đội Nga gây ra ở các thị trấn như Bucha được đưa ra ánh sáng. Nhưng ông Macron lại tuyên bố rằng Nga và Ukraine là “các dân tộc anh em”, đã làm dấy lên tranh cãi.

Ông Oleg Nikolenko, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Ukraine, bình luận: “Trong lịch sử Ukraine và Nga có mối quan hệ thân thiết, nhưng khi những tên lửa đầu tiên của Nga bắn trúng các thành phố của Ukraine, huyền thoại về 2 dân tộc anh em đã tan vỡ.” Ông nói “dân tộc anh em” sẽ không giết trẻ em, bắn thường dân, hãm hiếp phụ nữ hoặc phá hủy nhà của những người “anh em” của họ.

Sau đó, khi Kyiv tưởng niệm chiến thắng Đức Quốc xã năm 1945 vào ngày 8 và 9/5, trước Nghị viện châu Âu, ông Macron lại kêu gọi khi đối mặt với Nga, “đừng bao giờ rơi vào cám dỗ của sự sỉ nhục hoặc tinh thần báo thù”, đã khiến người dân Ukraine tức giận.

Hai phóng viên của RFI cho biết, thời điểm ông Macron phát tín hiệu tới Moscow không chỉ bị coi là thiếu sự khôn ngoan, mà còn là một sai lầm chính trị. Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine, ông Dmytro Kuleba, phản bác lại rằng: “Không nên đưa ra bất kỳ lối thoát nào cho ông Putin, nhằm cứu vãn thể diện của ông ấy, nếu không ông ấy sẽ tiếp tục xâm lược.”

Trong những tuần sau đó, lập trường của Pháp về tư cách thành viên EU của Ukraine đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Khi đó, ông Macron đã đề xuất thành lập một “Cộng đồng chính trị châu Âu” cho phép Kyiv tăng cường quan hệ với EU trong khuôn khổ này, mà không cần phải đợi “nhiều thập kỷ” để trở thành thành viên EU. Đề xuất của ông Macron được coi là một hành động không thiện chí khác.

Bộ trưởng ngoại giao mới của Pháp, bà Catherine Colonna, đã đến thăm Kyiv vào ngày 30/5. Trong thời gian đó, bà đã cố gắng hóa giải những hiểu lầm, bày tỏ sự ủng hộ của Paris đối với toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Ukraine. Bà cũng cho biết, Pháp muốn “khiến cái giá phải trả cho cuộc xâm lược kéo dài của Nga là không thể gánh vác” và sẽ “tiếp tục và tăng cường” giao vũ khí cho Ukraine.

Ngoại trưởng Ukraine cảm ơn Pháp đã cung cấp thiết bị quân sự. Ông cũng đề cập đến súng Caesar, loại súng rất phổ biến trong quân đội Ukraine, và nhấn mạnh rằng “đây không phải là vũ khí duy nhất đến từ Pháp, chúng tôi rất biết ơn trước mỗi thứ vũ khí này.”

Tuy nhiên, chuyến thăm của Ngoại trưởng Pháp Colonna nhanh chóng bị lãng quên. Dù ông Macron cũng đề cập đến “những sai lầm lịch sử và cơ bản” của ông Putin, nhưng lại nhấn mạnh “đừng làm bẽ mặt nước Nga”, rằng Nga không nên bị sỉ nhục vì cuộc xâm lược Ukraine.

Ông nói: “Chúng ta không được làm bẽ mặt Nga để khi đến ngày giao tranh dừng lại, chúng ta vẫn có thể tìm được một lối ra thông qua các biện pháp ngoại giao.” Ông cho biết đã nói với ông Putin rằng cuộc xâm lược là một “sai lầm lịch sử và cơ bản đối với người dân của ông, đối với chính ông và đối với lịch sử.”

Trước vấn đề này, Ngoại trưởng Ukraine thản nhiên đáp: “Những lời kêu gọi tránh sỉ nhục Nga chính là đang làm bẽ mặt nước Pháp và mọi quốc gia khác muốn đưa ra lời kêu gọi [tương tự] đó. Bởi vì chính Nga mới là kẻ tự hạ nhục chính mình.”

Dân biểu Adam Kinzinger, một đảng viên Đảng Cộng hòa Illinois, Hoa Kỳ đã tweet rằng tổng thống Pháp đang “tự làm nhục mình.”

“Người Pháp đang cố gắng giương cờ trắng”, ông viết.

Hai phóng viên của RFI cho biết, vấn đề giữa Kyiv và Paris không liên quan đến chính sách của Pháp, mà đến từ những bình luận khinh mạn của ông Macron. Sau thành phố Bucha và Maribor, không ai có thể hiểu được lời bình luận Moscow có thể bị “bẽ mặt” của tổng thống Pháp trong bối cảnh quân Nga đang tiến quân từng ngày.

Trong vòng chưa đầy 4 tháng chiến tranh, ông Macron đã trở thành đồng minh bị ghét nhất của Ukraine.

Bình Minh (t/h)