Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hiện đang giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, phát biểu hôm 23/3 rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm bắt giữ Tổng thống Vladimir Putin theo lệnh của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) về tội ác chiến tranh sẽ bị coi như một “lời tuyên chiến” chống lại Nga.

Embed from Getty Images

(Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev/Ảnh: Getty Images)

Ông Medvedev trả lời trong một cuộc phỏng vấn với các nhà báo Nga, trong đó có hãng thông tấn nhà nước TASS rằng: “Hãy tưởng tượng – chắc chắn là tình huống như vậy sẽ không bao giờ xảy ra, nhưng hãy cứ tưởng tượng rằng điều đó sẽ đến. Người đứng đầu đương nhiệm của một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đến Đức chẳng hạn, và bị bắt. Điều này có nghĩa là gì? Chính là một lời tuyên chiến chống lại Nga”.

Cựu Tổng thống Nga tiếp tục: “Trong tình huống như vậy, tất cả vũ khí của chúng tôi sẽ nhắm vào Bundestag (Quốc hội Liên bang Đức), Văn phòng Thủ tướng [Đức], và hơn thế nữa”.

Bình luận của ông Medvedev nhằm đáp trả lại lời tuyên bố trong tuần này của Bộ trưởng Tư pháp Liên bang Đức Marco Buschmann rằng Berlin sẽ phải thi hành quyết định của ICC và bắt giữ ông Putin nếu ông đặt chân lên lãnh thổ của họ.

Ông Medvedev giễu cợt: “Liệu ông ấy có nhận ra rằng đó là một lời kích động chiến tranh, một lời tuyên chiến? Hay ông ta là một sinh viên luật kém hiểu biết?”

Tuần trước, ICC đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Putin, cáo buộc ông phạm tội ác chiến tranh vì đã trục xuất trái phép hàng ngàn trẻ em từ các vùng lãnh thổ Ukraine đến Nga. Luật pháp quốc tế nghiêm cấm các quốc gia chiếm đóng chuyển dân thường từ khu vực bị chiếm đóng sang các vùng lãnh thổ khác.

Trong một tuyên bố công khai, Moscow đã không phủ nhận các cáo trạng trên, tuyên bố rằng hàng ngàn trẻ em Ukraine đã được đưa đến Nga trong một chiến dịch nhân đạo nhằm bảo vệ trẻ mồ côi và trẻ em bị bỏ rơi trong khu vực xung đột.

Ngược lại, Điện Kremlin khẳng định lệnh bắt giữ là bất hợp pháp, cho rằng Nga cũng giống như Trung Quốc và Hoa Kỳ không công nhận quyền tài phán hoặc thẩm quyền của ICC.

“Chúng tôi không công nhận tòa án này; chúng tôi không công nhận quyền tài phán của nó”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời các nhà báo ở Moscow hôm 21/3.

Bên cạnh việc tìm cách bắt giữ ông Putin, ICC còn tiết lộ trong một tuyên bố vào ngày 17/3 rằng họ đã ban hành lệnh bắt giữ bà Maria Alekseyevna Lvova-Belova, Ủy viên phụ trách Quyền trẻ em tại Văn phòng Tổng thống Liên bang Nga, với những cáo buộc tương tự.

Tòa án cho biết: “Các tội ác này bị cáo buộc đã được thực hiện trên vùng lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng ít nhất là từ ngày 24/2/2022”, cũng là ngày mà Nga xâm lược Ukraine.

“Ngày tận thế hạt nhân”

Giữ chức Tổng thống Nga từ năm 2008 đến năm 2012, ông Medvedev tự cho mình là một nhà cải cách thân phương Tây. Tuy nhiên, kể từ khi xung đột Nga – Ukraine bắt đầu vào ngày 24/2/2022, ông đã trở thành một trong những nhân vật hiếu chiến công khai nhất của Nga, đã xúc phạm các nhà lãnh đạo phương Tây và đưa ra một loạt cảnh báo hạt nhân.

“Có phải mối đe dọa về một cuộc xung đột hạt nhân đã biến mất? Không, không phải thế. Nó đang phát triển. Mỗi ngày khi các vũ khí nước ngoài được trao cho Ukraine thì cuối cùng lại đưa ngày tận thế hạt nhân này đến gần hơn”, ông Medvedev lên tiếng hôm 23/3, chỉ vài ngày sau khi ông được cho là đã đe dọa nhắm vào tòa án hình sự ở Hague bằng tên lửa có khả năng mang hạt nhân siêu thanh.

Ông Putin coi cuộc chiến ở Ukraine là một cuộc đấu tranh sinh tồn để bảo vệ nước Nga khỏi những gì mà ông gọi là một phương Tây kiêu ngạo, hiếu chiến và đang muốn tiêu diệt Nga.

Phương Tây phủ nhận việc họ muốn phá hủy nước Nga và giải thích họ đang giúp Ukraine chống lại một cuộc xâm chiếm theo kiểu đế quốc. Ukraine sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi tất cả binh lính Nga bị trục xuất khỏi lãnh thổ của họ.

Theo ông Medvedev, quan hệ với phương Tây một ngày nào đó sẽ được cải thiện, mặc dù sẽ mất nhiều thời gian.

Ông Medvedev phát biểu: “Tôi tin rằng sớm hay muộn thì tình hình sẽ ổn định và các cuộc đối thoại sẽ được nối lại, nhưng tôi chân thành hy vọng rằng vào lúc ấy, phần lớn những người đó [các nhà lãnh đạo phương Tây] đã nghỉ hưu và một số người đã chết”.

Vy An (Theo Epoch Times)