Ngày 5/1, Chủ tịch Ủy ban Cố vấn của Trung tâm Trung Quốc thuộc Viện Hudson là cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã xuất bản phần 6 của loạt video “Đối thoại với Trung Quốc”. Ông lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cử gián điệp thâm nhập vào sinh viên nước ngoài để phá hoại tự do học thuật, đe dọa sinh viên Trung Quốc và đánh cắp khoa học công nghệ của Mỹ.

Screen Shot 2022 10 19 at 06.49.32
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Pompeo. (Ảnh chụp màn hình video ghi tại Viện Hudson)

Qua video, ông Pompeo lần đầu bày tỏ chào đón các sinh viên Trung Quốc đến Mỹ học tập. “Người Mỹ và người Trung Quốc cách biệt nhau về thời gian, không gian, ngôn ngữ và lịch sử, nhưng chúng ta có nhiều điểm chung và có thể học hỏi lẫn nhau. Mỗi năm có hàng ngàn sinh viên Trung Quốc vào học tại các trường đại học hoặc cao đẳng của Mỹ, họ là cộng đồng sinh viên quốc tế lớn nhất, đó là một điều thực sự tốt”, ông nói.

Tuy nhiên, ông Pompeo nhấn mạnh rằng ĐCSTQ đã cử gián điệp trà trộn vào các sinh viên nước ngoài và phá hoại các hoạt động trao đổi học thuật: “Nhưng ĐCSTQ đã phá hoại những hoạt động trao đổi học thuật này, họ cố gắng lợi dụng những sinh viên đến đây học tập để thỉnh thoảng gửi gián điệp trà trộn vào. Tôi đã nhận được báo cáo cho biết, các Lãnh sự quán của ĐCSTQ tại Mỹ đã dùng các tổ chức trong khuôn viên trường do ĐCSTQ kiểm soát để gây sức ép với sinh viên Trung Quốc tại Mỹ”.

Cựu Ngoại trưởng cũng cáo buộc ĐCSTQ chi tiền để mua ảnh hưởng ở Mỹ, tiêu biểu như âm thầm chuyển hàng tỷ USD vào không ít trường đại học ở Mỹ mà không được báo cáo: “Đó không phải là hào phóng mà nhiều khi là hoạt động gián điệp. ĐCSTQ cũng sử dụng Chương trình Ngàn nhân tài để tuyển dụng các nhà khoa học và nhà nghiên cứu hàng đầu ở Mỹ, qua đó thu được chuyên môn tri thức. Ví dụ trường hợp ở bang Kansas và Trưởng khoa Hóa học của Harvard. Tại Princeton, các sinh viên trong lớp khoa học chính trị Trung Quốc thậm chí còn buộc phải dùng bút danh cho các bài tập để bảo mật danh tính nhằm tránh bị ĐCSTQ gây tổn hại”.

Ông Pompeo tin rằng sinh viên Trung Quốc và sinh viên Đài Loan là những nhóm nạn nhân, họ không ngờ rằng chủ nghĩa độc tài bám theo họ xuyên qua Thái Bình Dương.

Trước thực trạng này, cựu Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã đề xuất rằng Mỹ nên tăng cường bảo vệ quyền tự do học thuật của Mỹ: “Giáo dục đại học Mỹ là viên ngọc quý của xã hội chúng ta. Chúng ta cần bảo vệ nó. Chúng ta cần cảnh giác chống gian lận và trộm cắp. Chúng ta cần hỗ trợ tự do ngôn luận, công khai nghiên cứu và cạnh tranh ý tưởng”, ông nói. “Chúng ta cần đảm bảo rằng các trường cao đẳng và đại học của chúng ta có quyền tự do khiến cả thế giới phải ghen tị, qua đó để hàng năm thu hút nhiều sinh viên xuất sắc của Trung Quốc đến đây. Tự do học thuật là điều cần thiết cho một nền dân chủ sôi động như Mỹ. Trao đổi học thuật nên củng cố quyền tự do này mà không phải là làm cho nó bị suy yếu”.

Một báo cáo của Viện Hoover ở Mỹ cho biết, dưới sự hỗ trợ trực tiếp của Đại sứ quán và Lãnh sự quán Trung Quốc, các Hiệp hội hữu nghị Sinh viên và Học giả Trung Quốc tại các trường đại học trên khắp Mỹ đã giám sát ngôn luận của sinh viên và học giả Trung Quốc, làm suy yếu quyền tự do học thuật trong các khuôn viên trường của Mỹ.

Vào ngày 10/1, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo về việc  bồi thẩm đoàn liên bang đã chính thức truy tố Wu Xiaolei – một sinh viên Trung Quốc tại Học viện Âm nhạc Berklee ở Boston, nguyên nhân là sinh viên này có hành vi dùng bạo lực đe dọa một người khác lên tiếng vì dân chủ của Trung Quốc.

Trong một tuyên bố Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Wu Xiaolei bị buộc tội với tội danh đe dọa một phụ nữ đăng áp phích ủng hộ dân chủ ở Trung Quốc.

Nếu bị kết án, Wu phải đối mặt với 5 năm tù giam, 3 năm quản thúc có giám sát và khoản tiền phạt 250.000 USD.

Theo cáo trạng, từ ngày 22 – 24/10 năm nay, Wu đã có những lời lẽ công kích thông qua WeChat, email và Instagram đối với một người đăng các áp phích trong hoặc gần khuôn viên trường như “Chúng tôi muốn tự do” (We Want Freedom), nghiêm trọng hơn còn đe dọa chặt tay của cô gái và đe dọa đã báo cáo hành vi đó với cơ quan an ninh ĐCSTQ để họ gặp gia đình cô ở Trung Quốc. Wu cũng tìm ra địa chỉ email của cô gái và tiết lộ thông tin liên lạc của cô để khiến cô bị quấy rối.

Chỉ một tuần trước khi Wu bị bắt, ông Tần Cương (Qin Gang) khi đó là Đại sứ ĐCSTQ tại Mỹ (nay là Bộ trưởng Ngoại giao) cũng đã đến thăm Nhạc viện Berklee là nơi tập trung đông sinh viên Trung Quốc, sau đó Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ đã ra thông cáo báo chí nói rằng Đại sứ Tần Cương mong muốn trường sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong tương lai quan hệ Trung-Mỹ.