Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng vào thứ Ba (21/2) nhằm đặt mục tiêu cho năm thứ hai cuộc xâm lược vào Ukraine, chỉ một ngày sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden bất ngờ tới thăm Kyiv và hứa hẹn sẽ sát cánh với Ukraine cho đến cùng.

Embed from Getty Images

Tổng thống Putin dự kiến sẽ cập nhật cho giới tinh hoa chính trị và quân sự của Nga về cuộc xung đột Ukraine, cuộc đối đầu lớn nhất với phương Tây kể từ sau Chiến tranh Lạnh, trong thông điệp liên bang trước các thành viên của cả hai viện của quốc hội vào thứ Ba.

Điện Kremlin cho biết ông Putin cũng sẽ đưa ra những phân tích về tình hình quốc tế và phác thảo tầm nhìn của ông về sự phát triển của Nga sau khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt sâu rộng đối với nước này.

Bài phát biểu sẽ bắt đầu lúc 9 giờ sáng GMT (5 giờ chiều, giờ Singapore) tại trung tâm Moscow.

Sau chuyến thăm bất ngờ tới Kyiv, Tổng thống Biden đã tới Ba Lan và vào thứ Ba và sẽ có bài phát biểu về cách Hoa Kỳ đã giúp tập hợp thế giới ủng hộ Ukraine, cũng như nhấn mạnh sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với sườn phía đông của NATO.

Trong khi ông Biden đang ở Kyiv, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố khoản viện trợ bổ sung trị giá 460 triệu USD cho Ukraine, bao gồm đạn dược trị giá 450 triệu USD, hệ thống chống thiết giáp và radar phòng không, cùng 10 triệu USD cho cơ sở hạ tầng năng lượng.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu, Josep Borrell, cho biết khối này sẽ phê chuẩn thêm các biện pháp trừng phạt Nga trước ngày kỷ niệm cuộc xâm lược 24/2.

Nga đang cố gắng giành quyền kiểm soát hoàn toàn hai tỉnh miền đông hình thành vùng công nghiệp Donbass của Ukraine. Moscow đã gửi hàng nghìn lính nghĩa vụ đến Ukraine nhưng chỉ giành được rất ít thắng lợi cho đến nay.

Trong một diễn biến khác, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị hôm thứ Hai đã kêu gọi một giải pháp thương lượng cho cuộc chiến Ukraine trong thời gian dừng chân ở Hungary trước chuyến thăm Moscow.

Ukraine cho biết bất kỳ giải pháp ngoại giao nào cũng cần phải rút lực lượng Nga khỏi lãnh thổ của mình.

Về mặt công khai, Trung Quốc vẫn giữ thái độ trung lập, mặc dù đã ký một hiệp ước hữu nghị “không giới hạn” với Nga vài tuần trước cuộc xâm lược.

Trong những ngày gần đây, Washington cho biết họ lo ngại Bắc Kinh có thể bắt đầu cung cấp vũ khí cho Moscow. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết Hoa Kỳ “không có tư cách đưa ra yêu cầu đối với Trung Quốc”.

Ukraine hy vọng sẽ nhận được nguồn cung cấp vũ khí lớn của phương Tây trong những tháng tới để giúp nước này tiến hành một cuộc phản công theo kế hoạch.

Nhật Minh (theo Reuters)