Hôm thứ Hai (16/5), Tổng thống Nga Putin đã đưa ra phản hồi điềm tĩnh bất thường về việc 2 nước Bắc Âu là Thụy Điển và Phần Lan đang tìm cách gia nhập NATO.

Vladimir Putin address to citizens 2020 04 02
Tổng thống Nga Putin. (Ảnh: Văn phòng Tổng thống Nga/Wikimedia)

Đây là bình luận công khai đầu tiên của ông Putin về vấn đề này. Hôm thứ Hai (16/5), phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) ở Moscow, ông Putin đã nói: “Về việc mở rộng NATO, gồm việc kết nạp thành viên mới – Phần Lan, Thụy Điển – Nga không có vấn đề gì với 2 nước này. Do đó, ở một khía cạnh nào đó, việc NATO mở rộng sang 2 quốc gia này không gây ra mối đe dọa trực tiếp cho Nga.”

Tuy nhiên, ông Putin cảnh báo rằng việc NATO mở rộng “cơ sở hạ tầng quân sự tới vùng lãnh thổ này, chắc chắn sẽ kích động phản ứng của chúng tôi”.

Ông Putin nói với các nhà lãnh đạo CSTO gồm Belarus, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan rằng: “Phản ứng sẽ như thế nào? Chúng ta sẽ xem điều gì đang đe dọa chúng ta.”

Việc đổ lỗi rằng phương Tây kích động chiến tranh là một kết luận không đáng tin. Ông Putin ngày càng lạm dụng chủ nghĩa dân tộc và Chính thống giáo để củng cố quyền lực của mình.

Ông cần đến những kẻ thù nước ngoài để thuyết phục người dân của mình rằng họ và nền văn minh của họ đang bị đe dọa. Đánh chiếm lãnh thổ Gruzia vào năm 2008 và Ukraine vào năm 2014 cũng như hiện tại chính là một phần trong trò chơi đó.

Phản ứng bình tĩnh của ông Putin trái ngược hoàn toàn với những lời lẽ cứng rắn từ Bộ Ngoại giao Nga và các đồng minh cấp cao.

Trước bài phát biểu của ông Putin, Thứ trưởng Ngoại giao Nga, ông Sergei Ryabkov, cho rằng phương Tây không nên ảo tưởng rằng Moscow sẽ dung túng cho sự mở rộng của NATO một cách đơn giản. Những bình luận này vẫn được phát sóng trên đài truyền hình quốc gia.

Tháng trước, cựu Tổng thống Nga, ông Dmitry Medvedev, một trong những đồng minh thân cận nhất của ông Putin, cho biết nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, khiến đối thủ của Nga tăng lên, Nga sẽ phải tăng cường sức mạnh hải quân, lục quân và không quân ở Biển Baltic.

Ông nói nếu điều này xảy ra, hãy ngừng nói về việc đạt được một Baltic “không có hạt nhân”.

Ông nói Nga sẽ phải “nghiêm túc tăng cường phân bổ lực lượng lục quân và phòng không, triển khai một lượng lớn lực lượng hải quân trong vùng biển Vịnh Phần Lan. Trong trường hợp này, sẽ không thể tiếp tục nói về việc phi hạt nhân hóa Baltic – sự cân bằng phải được khôi phục.”

Điều quan trọng là cam kết mà Nga đưa ra vào năm 1994, khi Ukraine giao nộp kho vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình. Trong số các điều khoản thỏa thuận, Nga cam kết không sử dụng biện pháp cưỡng bức kinh tế hoặc quân sự đối với nước láng giềng. Rõ ràng, họ đã vi phạm lời hứa này vào năm 2014 khi chiếm Crimea và một phần của vùng Donbas, và một lần nữa vi phạm nó vào ngày 24/2 năm nay.

Hôm thứ Hai (16/5) ông Putin cũng cho biết, Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) đóng một vai trò ổn định rất quan trọng trong thời kỳ hậu Xô Viết, và bày tỏ hy vọng rằng ảnh hưởng của tổ chức này sẽ chỉ tăng lên trong “thời điểm khó khăn này.”

“Tôi hy vọng rằng tổ chức này đã phát triển thành một cơ cấu quốc tế trong vài năm qua sẽ tiếp tục phát triển. Ý tôi là, trong thời điểm khó khăn này”, ông Putin nói.

Đến nay, việc Phần Lan và Thụy Điển quyết định từ bỏ chính sách không liên kết quân sự lâu năm và tìm kiếm sự bảo vệ an ninh từ NATO là hậu quả chiến lược lớn nhất trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Cách đây vài tháng, việc gia nhập NATO là viễn cảnh xa vời với 2 quốc gia này, nhưng sau khi Nga xâm lược Ukraine, người dân 2 nước đều rất ủng hộ việc gia nhập liên minh quân sự này.

Nếu tham gia NATO, cả hai nước Phần Lan và Thụy Điển sẽ mang lại khả năng vũ trang đáng kể. Đặc biệt là nếu có chiến tranh ở Bắc Cực, Phần Lan sẽ là lực lượng pháo binh lớn nhất châu Âu. Những lực lượng này có thể nhanh chóng được tích hợp vào cấu trúc chỉ huy của NATO.

Tư cách thành viên của 2 nước này cũng sẽ giúp chiều dài biên giới của NATO với Nga tăng lên gấp đôi. Nó còn củng cố các nước thuộc khu vực phía bắc, đặc biệt là các quốc gia vùng Baltic, những nước mà Thụy Điển và Phần Lan sẽ cam kết bảo vệ nếu họ trở thành thành viên NATO. NATO hoạt động dựa trên nguyên tắc rằng tấn công vào một thành viên có thể được coi là cuộc tấn công vào toàn khối. Khả năng bảo vệ của tổ chức này là rất rõ ràng.

Hãng tin AP cho biết, danh sách các quốc gia “trung lập” hoặc không liên kết quân sự ở châu Âu dường như đang thu hẹp lại khi 2 quốc gia Bắc Âu chuẩn bị nộp đơn xin gia nhập NATO.

Thụy Sĩ, một quốc gia trung lập nổi tiếng nhất châu Âu, đã ghi từ “trung lập” vào hiến pháp của mình, và các cử tri Thụy Sĩ đã quyết định tránh xa Liên minh châu Âu (EU) từ nhiều thập kỷ trước. Tuy nhiên trong những tuần gần đây, sau khi ủng hộ các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga, Chính phủ Thụy Sĩ đã phải vật lộn để giải thích khái niệm “trung lập” – điều mà hầu như mỗi ngày giới truyền thông tại nước này đều phân tích.

Tổng thống Thụy Sĩ, ông Ignazio Cassis, cho biết trung lập không phải là sự “giáo điều” và nếu không đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt, có thể sẽ mang lại lợi ích cho những kẻ xâm lược.

Bà Paelvi Pulli, người đứng đầu chính sách an ninh của Bộ Quốc phòng Thụy Sĩ, nói với Reuters rằng Bộ đang soạn thảo một báo cáo về sự lựa chọn an ninh, gồm những cuộc tập trận quân sự chung với các nước NATO và “chôn lấp” bom, đạn.

Trong chuyến công du tới Washington vào tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Sĩ, bà Viola Amherd, cho biết Thụy Sĩ nên hợp tác chặt chẽ hơn với liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu, nhưng sẽ không tham gia liên minh này.

Bình Minh (t/h)