Nga và Trung Quốc không tạo ra một liên minh quân sự và sự hợp tác giữa các lực lượng vũ trang của họ là “minh bạch”, Tổng thống Vladimir Putin cho biết trong các bình luận được phát sóng vào Chủ nhật, vài ngày sau khi tiếp đón nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tại Điện Kremlin.

Hai nhà lãnh đạo Putin và Tập đã tuyên bố tình hữu nghị và cam kết các mối quan hệ chặt chẽ hơn, bao gồm cả trong lĩnh vực quân sự, trong hội nghị thượng đỉnh ngày 20-21/3, khi Nga đang vật lộn để giành được thêm các bước tiến mới trên chiến trường trong cái mà họ gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.

“Chúng tôi không tạo ra bất kỳ liên minh quân sự nào với Trung Quốc”, ông Putin nói trên truyền hình nhà nước. “Vâng, chúng tôi có hợp tác trong lĩnh vực tương tác kỹ thuật quân sự. Chúng tôi không che giấu điều này… “Mọi thứ đều minh bạch, không có gì là bí mật.”

Trung Quốc và Nga đã ký thỏa thuận hợp tác “không giới hạn” vào đầu năm 2022, chỉ vài tuần trước khi ông Putin gửi hàng chục nghìn quân vào Ukraine. Bắc Kinh đã kiềm chế không chỉ trích quyết định của ông Putin và đã đưa ra một kế hoạch hòa bình cho Ukraine. Phương Tây đã bác bỏ các đề xuất này, coi đây là một mánh khóe để mua thêm thời gian cho Nga để xây dựng lại lực lượng ở Ukraine.

Gần đây, Washington đã nói rằng họ lo ngại Bắc Kinh có thể trang bị vũ khí cho Nga, điều mà Trung Quốc phủ nhận.

Trong bài phát biểu trên truyền hình, ông Putin bác bỏ những ý kiến cho rằng việc Moscow tăng cường quan hệ với Bắc Kinh trong các lĩnh vực như năng lượng và tài chính đồng nghĩa với việc Nga đang trở nên phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, đồng thời cho rằng đây là quan điểm của “những người ghen tị”.

Ông Putin cũng cáo buộc Hoa Kỳ và NATO đang tìm cách xây dựng một “trục” toàn cầu mới mà ông cho là có một số điểm tương đồng với liên minh trong Thế chiến thứ hai giữa Đức Quốc xã, Ý và Nhật Bản.

Ông Putin nêu tên Australia, New Zealand và Hàn Quốc là những nước phù hợp để gia nhập khối “NATO toàn cầu” và đề cập đến một thỏa thuận quốc phòng được Anh và Nhật Bản ký hồi đầu năm nay.

“Đó là lý do tại sao các nhà phân tích phương Tây… đang nói về việc phương Tây bắt đầu xây dựng một trục mới tương tự như trục được tạo ra vào những năm 1930 bởi chế độ phát xít Đức, Ý và quân phiệt Nhật Bản,” ông nói.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã đến thăm Nhật Bản và Hàn Quốc trong năm nay, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên minh Đại Tây Dương hợp tác chặt chẽ với các đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ông cũng nói về căng thẳng gia tăng giữa phương Tây và Trung Quốc, đồng thời kêu gọi hỗ trợ quân sự nhiều hơn cho Ukraine.

Ông Putin đã mô tả các hành động của Nga ở Ukraine như một sự phòng thủ chống lại một phương Tây thù địch hiếu chiến, tương đồng với cuộc chiến của Moscow chống lại lực lượng Đức Quốc xã xâm lược trong Thế chiến thứ hai.

Kuiv và các đồng minh phương Tây bác bỏ những tuyên bố như vậy, nói rằng Moscow đang tìm cách chiếm lãnh thổ và làm tê liệt khả năng hoạt động như một quốc gia độc lập của Ukraine.

Ukraine nói rằng không thể có đàm phán hòa bình cho đến khi tất cả các lực lượng Nga rút khỏi lãnh thổ của họ. Nga nói Ukraine phải chấp nhận mất những dải lãnh thổ mà Moscow tuyên bố đã sáp nhập.

Bình luận của ông Putin được đưa ra một ngày sau khi ông tuyên bố rằng Nga sẽ bố trí vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus, như một lời cảnh báo rõ ràng tới NATO về sự hỗ trợ quân sự của tổ chức này đối với Ukraine.

Ngân Hà (theo Reuters)