Tổng thống Nga đến Crimea để đánh dấu kỷ niệm ngày sáp nhập bán đảo này từ Ukraine vào năm 2014.

Ông Putin đến thăm Sevastopol, Crimea (Ảnh: kremlin.ru)

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến Crimea trong một chuyến thăm không báo trước để đánh dấu kỷ niệm 9 năm ngày Nga sáp nhập bán đảo này từ Ukraine.

Ông Putin đã được chào đón vào thứ Bảy (18/3) bởi Thống đốc vùng Sevastopol do Nga bổ nhiệm, Mikhail Razvozhayev, và được đưa đến thăm một trung tâm dành cho trẻ em và trường nghệ thuật mới, trong những gì quan chức này nói là một chuyến thăm bất ngờ.

“Tổng thống Vladimir Vladimirovich Putin của chúng ta biết cách gây bất ngờ. Theo một cách tốt,” ông Razvozhayev nói trên ứng dụng nhắn tin Telegram.

“Nhưng Vladimir Vladimirovich đích thân đến. Chính bản thân ông ấy đến. Ngồi sau tay lái. Bởi vì vào một ngày lịch sử như thế này, Tổng thống luôn ở bên Sevastopol và người dân Sevastopol”, quan chức được Moscow bổ nhiệm cho biết thêm.

Truyền thông nhà nước Nga đã không đưa ra bất kỳ bình luận nào, một ngày sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) cho biết họ đã ban hành lệnh bắt giữ ông Putin và cáo buộc ông phạm tội ác chiến tranh trục xuất trái phép hàng trăm trẻ em khỏi Ukraine.

Ông Putin vẫn chưa bình luận công khai về lệnh này. Người phát ngôn của Điện Kremlin đã gọi nó là “vô hiệu” và cho biết Nga coi chính những vấn đề mà ICC nêu ra là “thái quá và không thể chấp nhận được”.

Nga chiếm Crimea vào năm 2014, 8 năm trước khi phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine. Ukraine cho biết họ sẽ chiến đấu để đánh đuối Nga khỏi Crimea và tất cả các lãnh thổ khác mà Nga đã chiếm đóng phi pháp trong cuộc chiến kéo dài một năm.

Tuy nhiên, Tổng thống Putin đã cho thấy ông không có ý định từ bỏ các lợi ích của Kremlin ở Ukraine. Thay vào đó, ông nhấn mạnh hôm thứ Sáu về tầm quan trọng của việc giữ Crimea.

“Rõ ràng, các vấn đề an ninh hiện nay là ưu tiên hàng đầu đối với Crimea và Sevastopol,” ông nói, đề cập đến thành phố lớn nhất của Crimea. “Chúng tôi sẽ làm mọi thứ cần thiết để chống lại mọi mối đe dọa”.

Lệnh bắt giữ của ICC là lần đầu tiên được ban hành đối với một nhà lãnh đạo của một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Tòa án có trụ sở tại The Hague, Hà Lan, cũng đã ban hành lệnh bắt giữ Maria Lvova-Belova, ủy viên Nga về quyền trẻ em.

Động thái này ngay lập tức bị Moscow bác bỏ và được Ukraine hoan nghênh như một bước đột phá lớn. Tuy nhiên, ý nghĩa thực tế của nó có thể bị hạn chế vì khả năng ông Putin phải đối mặt với phiên tòa xét xử tại ICC là rất khó xảy ra. Moscow không công nhận thẩm quyền của tòa án hay dẫn độ công dân của mình. Tuy nhiên, ông Putin sẽ phải đối mặt với việc bị bắt giữ nếu ông đi du lịch nước ngoài đến một quốc gia thành viên ICC.

Ngân Hà