Cựu Đại sứ Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế Sam Brownback đã thúc giục Vatican xem xét lại chính sách xoa dịu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Embed from Getty Images

Ông Brownback nói với Hãng thông tấn Công giáo (CNA) vào tuần trước: “Uy quyền đạo đức của Vatican là rất trọng đại. Các vị không thể thỏa hiệp với cái ác. Các vị cần phải loại bỏ nó.”

Sau khi công bố báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế, cựu Đại sứ Brownback cho biết, ông hy vọng dữ liệu đồ sộ về cuộc đàn áp những người có tín ngưỡng của chính quyền Trung Quốc sẽ thu hút sự chú ý của Vatican.

Ông Brownback từng là Đại sứ Hoa Kỳ từ năm 2018 đến năm 2021. Ông bày tỏ: “Tôi hy vọng họ sẽ xem báo cáo này và sẽ phải thừa nhận ‘đây không phải là một chế độ mà chúng ta có thể đàm phán’.”

Ông Brownback bình luận với Breitbart News hôm 13/5: “Bản báo cáo thực sự cho thấy cuộc chiến của Trung Quốc đối với tất cả các tín ngưỡng. Đó là chế độ cộng sản. Những người cộng sản là những kẻ vô Thần.”

“Họ e ngại bất kỳ hình thức trung thành nào đối với một uy quyền đạo đức cao hơn – với Thần – và họ đang tấn công – bằng búa và liềm – [tấn công] tất cả mọi người, cho dù đó là Phật tử Tây Tạng, Nhà thờ Thiên chúa giáo, Nhà thờ Công giáo ngầm, Pháp Luân Công, [hoặc] người Duy Ngô Nhĩ,” ông nhận xét thêm.

Ông Brownback còn thúc giục Vatican suy nghĩ lại về chính sách ôn hòa, không bao giờ chỉ trích các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của Trung Quốc. Giáo hoàng Francis và một số nhân vật chủ chốt khác của Vatican đã tránh né việc chỉ trích những vi phạm tự do tôn giáo đang diễn ra ở Trung Quốc, bất chấp việc Tòa thánh liên tục kêu gọi chấm dứt những hành vi lạm dụng như vậy ở những nơi khác.

Trong nhiều thông điệp của mình, Giáo hoàng Francis đã cầu nguyện cho các khu vực đang phải chịu đau khổ trên khắp thế giới, tưởng nhớ tất cả những người phải chịu sự ngược đãi và bất công. Nhưng trong danh sách đó không hề đề cập đến các cuộc đàn áp tín đồ tôn giáo ở Trung Quốc.

Đáng chú ý, bản thân Giáo hoàng thường chỉ khen ngợi Trung Quốc, nhấn mạnh rằng ĐCSTQ bảo vệ tự do tôn giáo và rằng “các nhà thờ của nó có ở khắp nơi”. Ông cũng đã đảo ngược kỷ luật của Giáo hội để cho phép các linh mục Công giáo Trung Quốc đăng ký vào Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc vốn do nhà nước cộng sản điều hành. Hiệp hội này được thiết lập dưới thời Chủ tịch Mao Trạch Đông như một giáo hội song song với giáo hội ở Rome.

Những nỗ lực xoa dịu ĐCSTQ của Giáo hoàng Francis đã khiến ông bị cựu giám mục Hồng Kông, Hồng y Joseph Zen chỉ trích. Ông Joseph Zen cho rằng Giáo hoàng đang “giết chết” Giáo hội ngầm ở Trung Quốc.

Các Giám mục Hoa Kỳ đã lên tiếng lên án ĐCSTQ liên tục vi phạm quyền tự do tôn giáo. “Dưới thời ĐCSTQ, công dân Trung Quốc bị hạn chế quyền tự do tôn giáo,” họ nhấn năm 2020. “Kể từ năm 2013, cuộc đàn áp tôn giáo đã gia tăng trong chiến dịch của chính phủ nhằm ‘đồng hóa’ tôn giáo – một nỗ lực để hòng khiến các tôn giáo phù hợp với cách diễn giải của chính quyền về văn hóa Trung Quốc.

“Trong khi Vatican đã đạt được thỏa thuận tạm thời với Trung Quốc về vấn đề bổ nhiệm giám mục, các báo cáo về cuộc đàn áp của chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp diễn khi các nhà thờ ngầm bị đóng cửa và các linh mục của họ bị giam giữ, thánh giá bị phá hủy, kinh thánh bị tịch thu và trẻ em dưới 18 tuổi bị cấm tham dự Thánh lễ cũng như nhận được sự chỉ dẫn về tôn giáo,” các giám mục cho hay.

Ngoài ra, các giám mục còn chú ý đến tình hình của các nhóm thiểu số Hồi giáo ở Trung Quốc, đặc biệt là người Duy Ngô Nhĩ.

“Người Hồi giáo đã phải chịu đựng những hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Kể từ năm 2017, có khoảng 800.000 đến 2 triệu người Hồi giáo thiểu số Duy Ngô Nhĩ, Kazakh, Kyrgyz và Hồi giáo đã bị giam giữ tùy tiện trong các trại tập trung.”

Tương tự, Hồng y Charles Bo của Myanmar, chủ tịch Liên đoàn các Hội đồng Giám mục Châu Á, đã đưa ra một tuyên bố vào mùa hè năm ngoái, nói rằng tại Trung Quốc, “người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đang phải đối mặt với những hành động tàn bạo tồi tệ nhất thế giới đương đại, và tôi kêu gọi cộng đồng  quốc tế tiến hành điều tra”.

Ông Lord Chris Patten, cựu thống đốc Hồng Kông của Anh nhận định Vatican “đã hiểu sai về Trung Quốc” trong thỏa thuận năm 2018 với Đảng Cộng sản về việc đặt tên cho các giám mục.

Ông Patten cho biết: “Thật đáng buồn, dưới thời Tập Cận Bình, mọi thứ đã đi ngược lại ở Trung Quốc.” Ông còn nhận xét thêm rằng, việc Vatican hâm mộ Đảng Cộng sản vào thời điểm này thật “kỳ lạ”.

Ông Patten, hiệu trưởng Đại học Oxford kể từ năm 2003, chất vấn: “Làm thế nào các vị có thể có quan hệ hợp tác về các vấn đề tôn giáo với Trung Quốc, trong khi có hơn 1 triệu người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ ở Tân Cương?”

Bình luận trên tờ Sunday Times vào mùa hè năm ngoái, ông Dominic Lawson lại bày tỏ sự hoang mang trước việc Vatican không sẵn sàng sử dụng uy quyền đạo đức của mình để kêu gọi ĐCSTQ giải trình.

“Khi ngày càng có nhiều quốc gia thể hiện mối quan ngại về bằng chứng ngày càng tăng của các trại tập trung và thậm chí là nạn diệt chủng ở Tân Cương, Trung Quốc, một thực thể vốn đặt toàn bộ nhân loại đau khổ làm cốt lõi cho sứ mệnh của mình lại hoàn toàn im lặng. Thực thể mà tôi đề cập đến là Tòa thánh,” ông Lawson viết.

Theo cựu Đại sứ Sam Brownback, Vatican có nguy cơ mắc phải sai lầm tương tự như Hoa Kỳ đã mắc phải khi mở cửa thương mại cho Trung Quốc 20 năm trước, với hy vọng rằng Trung Quốc sẽ trở nên dân chủ hơn.

“Điều đó không hiệu quả,” ông Brownback khẳng định. “Nó không hiệu quả với chúng ta – phương Tây – trong cuộc đàm phán với Trung Quốc, và tôi không nghĩ nó sẽ hiệu quả với Vatican.”

Minh Ngọc (Theo Breitbart)

Xem thêm: