Nhà Trắng hôm thứ Hai (27/9) đã thừa nhận rằng trong cuộc điện đàm hôm 9/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dấy lên vụ án Mạnh Vãn Châu với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tuy nhiên, chính quyền Biden phủ nhận vụ thả đồng thời Mạnh Vãn Châu và hai công dân Canada là “trao đổi tù nhân”.

Embed from Getty Images

Hôm thứ Sáu (24/9), Giám đốc Tài chính (CFO) của Tập đoàn Huawei, Trung Quốc, bà Mạnh Vãn Châu đã được thả tự do và lên máy bay trở về Trung Quốc.

Vài giờ sau khi có tin tức về bà Mạnh Vãn Châu được thả, hai công dân Canada là doanh nhân Michael Spavor và cựu viên chức ngoại giao Michael Kovrig đã bị tù giam hơn 1.000 ngày tại Trung Quốc cũng đã được phóng thích. Hai người Canada này bị giới chức Trung Quốc bắt giữ không lâu sau khi cảnh sát Canada bắt bà Mạnh Vãn Châu vào cuối tháng 12/2018 theo yêu cầu của Mỹ.

Cơ quan công tố Mỹ cáo buộc bà Mạnh Vãn Châu các tội danh như thông đồng âm mưu lừa đảo ngân hàng, thông đồng âm mưu thực thi gian lận chuyển tiền, lừa đảo ngân hàng và lừa đảo chuyển tiền. Sau đó, tòa án British Columbia của Canada đã bắt đầu các thủ tục dẫn độ đối với bà Mạnh.

Các nhà chức trách Trung Quốc đe dọa rằng nếu Canada không thả bà Mạnh Vãn Châu ra thì hậu quả sẽ không tưởng tượng được, đồng thời bắt giữ cựu quan chức ngoại giao Canada Michael Kovrig và doanh nhân Canada Michael Spavor. Chính quyền Trung Quốc đưa ra cáo buộc tội gián điệp đối với hai công dân Canada này. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn luôn phủ nhận việc bắt giữ hai công dân Canada có liên quan đến việc Canada bắt CFO của Huawei.

Trong cuộc họp báo thường nhật hôm 27/9, khi được hỏi liệu Nhà Trắng có tham gia vào việc môi giới một vụ “trao đổi tù nhân” với Trung Quốc, thư ký báo chí Jen Psaki đã bác bỏ giả thuyết này.

Bà Psaki nói thêm rằng thỏa thuận dừng truy tố bà Mạnh là “do Bộ Tư pháp thực hiện, vốn là hành động độc lập của Bộ Tư pháp. Đây là vấn đề thực thi pháp luật. Không có liên quan [đến Nhà Trắng]”.

Tuy nhiên, bà Psaki cũng đã thừa nhận rằng trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 9/9, nhà lãnh đạo tại Bắc Kinh đã nêu ra vụ án của bà Mạnh và người đứng đầu Nhà Trắng cũng đã nhấn mạnh về việc thả tự do cho hai công dân Canada, doanh nhân Michael Spavor và cựu viên chức ngoại giao Michael Kovrig.

Hai nhà lãnh đạo [Mỹ – Trung] đã dấy lên các vụ án của những cá nhân này, nhưng họ không có đàm phán về nó”, bà Psaki nói.

Thư ký báo chí Nhà Trắng cho biết bà không có thông tin về việc liệu Tổng thống Biden đã biết về tình hình các cuộc đàm phán giữa các luật sư của bà Mạnh với Bộ Tư pháp Mỹ hay không.

Bà Psaki cũng nhấn mạnh rằng thỏa thuận dừng truy tố được loan báo hôm 24/9 không thể hiện chính quyền Mỹ đang giảm thiểu lo lắng về cách hành xử của phía Trung Quốc.

Chính sách của chúng tôi đối với Trung Quốc chưa thay đổi. Chúng tôi không theo đuổi xung đột. Đó là mối quan hệ cạnh tranh và chúng tôi sẽ tiếp tục buộc PRC [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] phải chịu trách nhiệm về thực hành kinh tế bất công, hành vi cưỡng bức khắp thế giới và vi phạm nhân quyền”, bà Psaki khẳng định.

Trước cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ – Trung, hồi đáng tháng Chín này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, trong một cuộc họp trực tuyến, đã nói với đặc phái viên khí hậu của chính quyền Biden, ông John Kerry rằng Washington cần phải thực thi những hành động thực chất để cải thiện mối quan hệ với Bắc Kinh thông qua việc đáp ứng danh sách các yêu cầu, trong đó có việc chấm dứt vụ án của bà Mạnh Vãn Châu.

Ngay bây giờ, quả bóng đang nằm trong sân của Mỹ”, ông Vương đã nói với ông Kerry, theo một tuyên bố của Trung Quốc.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ đã bác bỏ mọi giả thuyết cho rằng ông Kerry hay các quan chức nào khác của chính quyền Biden đã đàm phán với Trung Quốc về việc thả bà Mạnh để đổi lấy những nhượng bộ khác từ Bắc Kinh.

Bà Mạnh Vãn Châu đã trở về Trung Quốc và được chào đón như anh hùng dân tộc.

Khi đang trên chuyến bay trở về quê nhà, bà Mạnh đã viết về những trải nghiệm của mình, trong đó gửi lời cảm ơn đến chính phủ Trung Quốc vì đã giúp bảo đảm việc trả tự do cho bà. Bà viết: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đất mẹ của chúng ta đang tiến tới sự thịnh vượng vĩ đại” và nếu không có một đất nước vững mạnh như vậy, bà đã không có được tự do như ngày nay.

Hôm thứ Bảy (25/9), truyền thông nhà nước Trung Quốc cũng đã ca ngợi sức mạnh quốc gia của nước này liên quan tới việc “công chúa Huawei” Mạnh Vãn Châu được thả tự do.

Thời báo Hoàn cầu của nhà nước Trung Quốc, trong một bài báo đăng hôm 25/9, cho hay: “Chính sức mạnh quốc gia của Trung Quốc đã định hình nên kết quả cuối cùng này. Một quốc gia sẽ gặp nhiều cản trở khi nó trở nên mạnh hơn, nhưng chỉ một quốc gia vững mạnh mới cho phép chúng ta giải quyết những rắc rối đó bằng phẩm giá”. 

Ở chiều ngược lại, Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 25/9 cũng đã trực tiếp ra sân bay đón hai công dân được Trung Quốc thả tự do.

Trong cảnh quay được phát trực tiếp bởi CTV Television Network, trên đường băng của sân bay quốc tế Calgary, Thủ tướng Cananda Justin Trudeau đã ôm hai ông Michael Kovrig và Michael Spavor, cả hai được truyền thông gọi là “hai Michael”.

Tại sân bay, người phát ngôn của Văn phòng Thủ tướng nói với CTV rằng, hành khách trên máy bay đúng là “hai Michael”. Vị này còn nói thêm, đối với hai người họ mà nói thì đây là thời khắc vô cùng xúc động, họ sẽ không trả lời các câu hỏi.

Trong khi đó, một số thượng nghị sĩ Mỹ của Đảng Cộng hòa đã chỉ trích chính quyền Biden vì đáp ứng các yêu cầu của Bắc Kinh, trong đó có việc thả bà Mạnh Vãn Châu. Các nhà phân tích chính trị thì cho rằng động thái đó của Nhà Trắng là không hợp lý.

Ông Bonnie Glaser, chuyên gia về châu Á tại một viện nghiên cứu chính sách có trụ sở tại Mỹ cho hay: “Tôi tin rằng thỏa thuận mà Trung Quốc đưa ra để bà Mạnh được thả đã diễn ra từ thời chính quyền Trump. Bà ta đã xác nhận làm sai và rốt cuộc đó là điều bà ta đã làm. [Dưới chính quyền Trump], tôi không nhìn thấy sự đầu hàng có điều kiện nào cả”.

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết họ vẫn đang chuẩn bị cho vụ xét xử liên quan đến Huawei.

Như Ngọc (T/h)

Xem thêm: