Hai nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Nga đã tổ chức một cuộc gặp song phương bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Uzbekistan vào thứ Năm (ngày 15/9). Về vấn đề nhạy cảm cuộc chiến Ukraine, ông Tập Cận Bình đã chọn cách nói dè dặt.

Tập Cận Bình Putin
Ông Tập Cận Bình (phải) và ông Putin đã tổ chức một cuộc gặp song phương bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Uzbekistan. (Ảnh chụp màn hình video)

Việc Nga xâm lược Ukraine và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) quấy rối quân sự nhắm vào Đài Loan khiến mối quan hệ giữa hai quốc gia này và các nước phương Tây trở nên căng thẳng. Trong bối cảnh như vậy, cuộc gặp Putin – Tập đặc biệt thu hút sự chú ý.

Hình ảnh của buổi gặp mặt cho thấy, ông Tập Cận Bình và ông Putin giữ khoảng cách đáng kể, ngồi đối diện cách nhau khá xa ở hai bên bàn họp.

Tập Cận Bình và Putin scaled
Ông Tập và ông Putin ngồi đối diện tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Uzbekistan. (Ảnh chụp màn hình video)

Mặc dù ông Tập Cận Bình gọi ông Putin là “bạn cũ” sau cuộc gặp, nhưng từ những tuyên bố công khai của hai bên, có rất ít chỗ đồng thuận lẫn nhau. Ông Tập Cận Bình vẫn không công khai đề cập đến cuộc chiến Ukraine, nhưng ông Putin đã đi đầu trong việc bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với lập trường của ĐCSTQ về vấn đề Đài Loan.

Ông Putin nhắc đến Đài Loan, còn ông Tập Cận Bình tránh nhắc đến Ukraine

Theo một tuyên bố của Điện Kremlin (Nga), trong lời mở đầu, ông Putin bày tỏ khen ngợi ông Tập Cận Bình về “lập trường cân bằng trong khủng hoảng Ukraine”. Ông Putin nói ông Tập Cận Bình là “người bạn Trung Quốc của chúng tôi”. Ngoài ra, ông Putin cũng chủ động nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh trong vấn đề Đài Loan và chỉ trích các nước phương Tây.

“Chúng tôi rất coi trọng lập trường cân bằng của những người bạn Trung Quốc về cuộc khủng hoảng Ukraine. Chúng tôi hiểu nghi vấn và mối quan tâm của các bạn về vấn đề này. Tại cuộc họp hôm nay, tất nhiên chúng tôi sẽ làm rõ tất cả những điều đó một cách chi tiết”, ông Putin nói trong bài phát biểu khai mạc.

Đài truyền hình Al Jazeera cho biết, phản ứng của ông Tập trong cuộc gặp song phương là đáng ngạc nhiên.

Ông Tập Cận Bình chỉ nói một cách chung chung rằng Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Nga để “thể hiện trách nhiệm của một nước lớn, đóng vai trò dẫn dắt và tạo ra sự ổn định cho một thế giới đầy sóng gió”, nhưng ông không nói rõ chi tiết.

“Trách nhiệm của một nước lớn” là câu hay dùng của Bắc Kinh khi chỉ trích Mỹ và các nước phương Tây khác. Liệu có phải ông Tập Cận Bình ám thị rằng Trung Quốc và Nga sẽ hợp tác chống lại phương Tây? Ngoại giới không thể biết được.

Ông Tập cũng nói rằng Trung Quốc sẽ ủng hộ các lợi ích cốt lõi của Nga, nhưng tránh các chi tiết cụ thể, bao gồm việc liệu có ủng hộ quan điểm của Nga trong cuộc chiến Ukraine hay không, trong khi đây vốn là chìa khóa để kiểm tra ranh giới của tình hữu nghị Trung – Nga. Ngoại lệ duy nhất là ông Tập Cận Bình đã thuận theo những lời của ông Putin để biểu đạt công khai thái độ về vấn đề Đài Loan.

Bắc Kinh không muốn nhảy vào cùng hố lửa với Nga

Tờ Washington Post đưa tin, đối với ông Tập Cận Bình, đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông trong gần 3 năm, đánh dấu thành tựu ngoại giao của ông trước thềm Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ. Đến lúc đó, ông có khả năng sẽ phá lệ tiếp tục cầm quyền thêm nhiệm kỳ thứ 3.

Tuy nhiên, ông Tập không có quá nhiều khả năng cung cấp cho ông Putin sự hỗ trợ cụ thể hơn. Bởi vì nếu làm như vậy, ông Tập có thể phải đối mặt với các cuộc phản công từ phương Tây, làm trầm trọng thêm các thách thức trong nước, bao gồm việc nền kinh tế Trung Quốc chậm lại, khủng hoảng nhà ở và sự bất mãn của công chúng với chính sách “zero COVID-19” hà khắc.

Ông Craig Singleton, một cựu quan chức ngoại giao Mỹ và nhà nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ, một tổ chức tư tưởng bảo thủ có trụ sở tại Washington, D.C., nói với Washington Post rằng cuộc gặp Putin – Tập được tiến hành vài ngày sau khi Nga gặp thất bại mang tính thảm họa trong cuộc chiến tại Ukraine. “Ông Putin gần như chắc chắn hiểu rằng sự ủng hộ của Trung Quốc đối với cuộc chiến của Nga ở Ukraine là mang tính biểu diễn,” ông Singleton nhận định.

Ông Seva Gunitsky, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Toronto, nói rằng vì Trung Quốc phụ thuộc sâu vào thương mại với phương Tây, điều đó có nghĩa là Bắc Kinh sẽ không muốn làm bất cứ điều gì có thể gây nguy hiểm cho việc tái thiết kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Ông cho rằng thái độ của Trung Quốc đối với ông Putin, là tiếp tục ủng hộ nhà lãnh đạo Nga “bằng lời nói”, nhưng là “đặt cược 2 mặt” đối với tiến triển theo bất cứ hướng nào của Moscow trong cuộc chiến tại Ukraine.

Ông Gunitsky nói với Al Jazeera: “Đây không phải là thời điểm tốt để mạo hiểm viện trợ cho Nga, đặc biệt là khi Nga đang biểu hiện rất tệ trong cuộc chiến.”

“Phía Trung Quốc có mối liên hệ chặt chẽ đến kết quả của cuộc xung đột. Nếu ông Putin bị coi là yếu, điều đó sẽ khiến phía Trung Quốc lúng túng.” Ông Gunitsky bổ sung thêm, khi ông Putin biểu hiện quá tệ trong cuộc xung đột, Bắc Kinh không muốn “nhảy vào chung hố lửa” với Nga.

Ông Tập lo lắng rằng giúp đỡ Nga quá nhiều có thể bị trừng phạt, nhưng không giúp không được

Ông Alexander Gabuev, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, đã phân tích trên tạp chí Foreign Affairs (Ngoại giao) rằng cả ông Tập và ông Putin đều có chung tâm lý “nhớ việc xưa và oán hận”, trong khi cả hai đều cáo buộc phương Tây đang bóp nghẹt họ. Nhưng Bắc Kinh cũng biết rằng hỗ trợ cho Nga quá nhiều thì có thể khiến Trung Quốc hứng chịu các lệnh trừng phạt.

Trung Quốc là một đối tác thương mại quan trọng của Nga, và việc Trung Quốc mua dầu từ Nga đã giúp bù đắp sự sụt giảm xuất khẩu của Nga sang châu Âu. Bắc Kinh cũng đã cẩn thận để tránh vi phạm các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Tuy nhiên, sự ủng hộ quá ít dành cho ông Putin có thể gây nguy hiểm cho mối quan hệ giữa 2 quốc gia, vì Trung Quốc và Nga có chung đường biên giới dài hơn 4.000 km và nhu cầu kinh tế và thương mại phụ thuộc lẫn nhau – năng lượng và nguyên liệu thô giá rẻ của Nga để đổi lấy tính thanh khoản ở Trung Quốc.

Trước thềm cuộc họp, Điện Kremlin cho biết quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết, với thương mại giữa hai nước tăng 1/4 trong năm nay so với năm 2021, khi đó thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc đạt kỷ lục 1.400 tỷ USD.

Giới quan sát cho rằng Bắc Kinh có khả năng sẽ tiếp tục cách tiếp cận chân trong chân ngoài, nghĩa là cung cấp hỗ trợ ngoại giao cho Nga trong quan hệ đối tác nhằm chống lại sự thống trị của Washington đối với trật tự quốc tế, đồng thời cũng tuân thủ các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby nói với CNN hôm thứ Năm (15/9) rằng ông không nghĩ bất kỳ quốc gia nào “nên khoanh tay đứng nhìn” trước tình hình ở Ukraine.

Ông nói: “Cả thế giới nên kết nối chống lại những gì Putin đang làm.”

“Hiện giờ không phải là thời điểm cho bất kỳ hình thức thỏa thuận nào với ông Putin”, ông Kirby nói thêm sau cuộc cuộc gặp thượng đỉnh Putin – Tập Cận Bình.

“Chỉ khi lợi ích giống nhau, Trung Quốc và Nga mới cổ vũ cho nhau”

Ông Bobo Lo, một thành viên không thường trú tại Viện Lowy, một tổ chức nghiên cứu tư vấn của Úc, tin rằng cuộc chiến Ukraine đã làm lộ ra những giới hạn của mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga, thay vì tạo điều kiện cho mở rộng quan hệ của 2 nước.

Ông nói rằng khi đạt được nhất trí về lợi ích, Trung Quốc và Nga là những người cổ vũ lẫn nhau và sẽ cung cấp cho nhau sự hỗ trợ về mặt đạo nghĩa và chính trị. Nhưng về mặt chiến lược, cả hai đều là những tác nhân tự chủ, sự ảnh hưởng của các hành vi đối với nhau là có hạn, nhiều lắm cũng chỉ là ảnh hưởng gián tiếp.

Ông cho rằng quan hệ Trung – Nga vẫn chưa được đẩy lên quỹ đạo hợp tác mới, triển vọng dài hạn về mối quan hệ hai nước cũng không mấy lạc quan.

Ông Bobo Lo cho biết, việc Nga xâm lược Ukraine cũng đã làm suy yếu ảnh hưởng của Trung Quốc tại Đài Loan, vì lưỡng đảng của Mỹ hiện đồng ý về sự cần thiết phải bảo vệ Đài Loan, điều này cũng có nghĩa là đối kháng với Bắc Kinh.

Bắc Kinh phát hiện, bản thân họ ngày càng chia rẽ với các nước phương Tây về vấn đề Đài Loan và tình trạng vi phạm nhân quyền ở Tân Cương.

Ông Bobo Lo nói rằng nếu Mỹ sẵn sàng làm rất nhiều để bảo vệ Ukraine, thì họ cũng phải quyết đoán trong việc bảo vệ Đài Loan, bởi vì ông Putin đã tạo một tấm gương rất xấu.

Ông nói: “Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã trở thành một ví dụ tiêu cực về việc một nhà nước độc tài nên theo đuổi lợi ích của mình như thế nào.”