“Trung Quốc và Đức nên tiếp tục coi nhau là đối tác,” Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với tân Thủ tướng Đức Olaf Scholz trong cuộc điện đàm đầu tiên trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và EU đang tiếp tục gia tăng.

Embed from Getty Images

“Trung Quốc và châu Âu là hai siêu cường toàn cầu độc lập và tự chủ, cùng chia sẻ sự đồng thuận cao trong chiến lược và các lợi ích chung”, ông Tập nói trong cuộc điện đàm đầu tiên với Scholz kể từ khi ông tiếp quản vị trí của bà Angela Merkel hai tuần trước.

Theo hãng tin nhà nước Tân Hoa xã, ông Tập coi quan hệ của Trung Quốc với Đức là cốt lõi trong việc điều hướng sự hợp tác tổng thể của Trung Quốc với châu Âu.

Hôm 21/12, ông Tập đã thúc giục Berlin “đóng một vai trò tích cực trong việc ổn định mối quan hệ giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu”.

Ông Tập nhắc nhở ông Scholz rằng Trung Quốc từng là đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong 5 năm qua và hai nước được hưởng lợi đáng kể từ sự phát triển kinh tế của nhau. Ông nói thêm rằng hai bên có thể hợp tác với nhau trong các lĩnh vực mới nổi, bao gồm năng lượng mới, nền kinh tế xanh và kỹ thuật số.

Ông Tập cũng nói Trung Quốc và Đức nên hợp tác hơn nữa trong các vấn đề quốc tế, bao gồm cuộc chiến chống đại dịch, phân phối công bằng vắc-xin COVID-19, cũng như khôi phục kinh tế sau đại dịch, biến đổi khí hậu và xóa đói giảm nghèo.

“Chúng ta nên kiên quyết giải quyết các điểm nóng trong khu vực thông qua đối thoại, tuân theo và… kiên quyết phản đối mọi hình thức thực hành bá quyền và tâm lý chiến tranh lạnh”, ông Tập nói mà không đề cập đến Mỹ.

Theo bài báo của hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, ông Scholz đáp lại bằng cách nói rằng Đức sẽ tiếp tục hợp tác với Trung Quốc về thương mại, biến đổi khí hậu và sẽ liên lạc chặt chẽ với Trung Quốc về các vấn đề như Afghanistan và thỏa thuận hạt nhân Iran.

Ông Scholz cũng nói với ông Tập rằng đất nước của ông sẽ tìm cách thúc đẩy quan hệ EU – Trung Quốc theo hướng “xây dựng” và cũng bày tỏ hy vọng sớm triển khai thỏa thuận đầu tư giữa EU và Trung Quốc, vốn từng bị Nghị viện châu Âu hủy bỏ.

Cuộc nói chuyện diễn ra vào thời điểm quan hệ giữa Trung Quốc và EU đang tiếp tục xấu đi, xuất phát từ cuộc trao đổi về các biện pháp trừng phạt giữa hai bên về nhân quyền ở Tân Cương.

Hôm thứ Hai, người đứng đầu chính sách đối ngoại khối Josep Borrell đã cùng với các Bộ trưởng Ngoại giao của Nhóm G7 đưa ra một tuyên bố về “mối quan ngại nghiêm trọng” của họ đối với kết quả của cuộc bầu cử hội đồng lập pháp của Hồng Kông.

Trong khi đó, căng thẳng đang gia tăng giữa Bắc Kinh và Litva sau khi Vilnius tuyên bố thành lập đại sứ quán trên thực tế ở Đài Loan, nơi mà Bắc Kinh coi là một phần lãnh thổ của mình.

Bắc Kinh đã hạ cấp quan hệ ngoại giao với Litva, trong khi vào tuần trước, Vilnius cho biết họ đã đóng cửa Đại sứ quán ở Bắc Kinh và rút tất cả các nhà ngoại giao của về nước. Điều này đã gây thêm áp lực khiến EU phải cân nhắc xem có nên đưa ra quan điểm mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc hay không.

Bắc Kinh ngày càng lo lắng về một sự thay đổi có thể xảy ra ở Berlin so với chính sách thân thiện của cựu Thủ tướng Angela Merkel đối với Trung Quốc.

Chỉ 10 phút sau khi ông Scholz chính thức được xác nhận sẽ kế vị bà Merkel, Bắc Kinh đã cho thấy họ sốt sắng tạo dựng mối quan hệ với Đức như thế nào khi ông Tập đã gửi ngay điện mừng tới ông Scholz. 

Để so sánh, sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm ngoái, ông Tập đã gửi một bức thư tới Tổng thống Joe Biden muộn tới hơn hai tuần sau khi bà Merkel và Thủ tướng Anh Boris Johnson làm như vậy.

Xuân Lan (theo SCMP)

Xem thêm: