Tại Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu do ông Joe Biden tổ chức hôm 22/4, nhà độc tài Trung Quốc Tập Cận Bình tận dụng cơ hội để thúc đẩy Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, một chương trình bẫy nợ trong đó Trung Quốc cung cấp các khoản vay có tính chất săn mồi cho các nước đang phát triển để đổi lấy việc giúp xây dựng cơ sở hạ tầng.

Embed from Getty Images

Ông Biden đã mời hàng chục nhà lãnh đạo thế giới phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến nhân Ngày Trái đất, một ngày lễ không chính thức thúc đẩy chủ nghĩa môi trường, đồng thời đưa ra các đề xuất nhằm giảm tỷ lệ ô nhiễm toàn cầu và thảo luận về các chương trình quốc tế nhằm làm chậm biến đổi khí hậu.

Trung Quốc là nước gây ô nhiễm lớn nhất thế giới, chịu trách nhiệm cho 28% lượng khí thải carbon dioxide của thế giới. Tỷ lệ này cao gấp đôi so với Hoa Kỳ, quốc gia phát thải lớn thứ hai thế giới. 

Trước đó, Trung Quốc cho hay họ thậm chí có ý định tăng lượng khí thải carbon trong thập kỷ tới để đạt “đỉnh” vào năm 2030, theo sự đồng thuận của Thỏa thuận Khí hậu Paris..

Tổng thống Donald Trump đã rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Khí hậu Paris trong nhiệm kỳ của mình, nhưng ông Biden đã đảo ngược quyết định này và cam kết đưa Hoa Kỳ trở lại thỏa thuận trong những ngày đầu tiên nhậm chức.

Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, đã mô tả sự hiện diện của ông Tập tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo về khí hậu là một “thách thức” đối với chính quyền Biden và Hoa Kỳ nói chung.

“Các chuyên gia Trung Quốc cảnh báo rằng đây cũng sẽ là một thử thách lớn đối với chính quyền Biden, đồng thời nghi ngờ về vai trò của nước này với tư cách là nhà lãnh đạo toàn cầu về biến đổi khí hậu và đặt câu hỏi về ý định thực sự của chính quyền này”, tờ báo tuyên truyền viết.

Ông Tập đã sử dụng thời gian của mình tại hội nghị thượng đỉnh để thúc đẩy sáng kiến “Vành đai và Con đường Xanh” mới được đổi tên như một giải pháp cho những thảm họa khí hậu và môi trường trên toàn cầu mà Trung Quốc xây dựng ở các nước đang phát triển. 

“Chúng ta phải cam kết với chủ nghĩa đa phương. Chúng ta cần làm việc trên cơ sở luật pháp quốc tế, tuân theo nguyên tắc công bằng và dựa trên luật pháp, tập trung vào các hành động hiệu quả”, ông Tập nói, thúc giục một cơ chế “quản trị khí hậu toàn cầu” mạnh mẽ, được cho là sẽ do Trung Quốc dẫn đầu.

“Chúng ta cần mang lại sự bình đẳng và công bằng xã hội trong quá trình chuyển đổi xanh và nâng cao ý thức về lợi ích, hạnh phúc và an ninh của mọi người”, ông Tập phát biểu, và nói thêm, “các nước phát triển cần tăng cường quyết tâm và hành động về khí hậu”.

Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) hoạt động bằng cách cung cấp các khoản vay ưu đãi cho các nước nghèo – hầu hết ở Châu Phi, Đông Nam Á và Châu Mỹ Latinh – sau đó các nước này có thể sử dụng để mua các dịch vụ xây dựng từ chính Trung Quốc. Bằng cách này, Trung Quốc giữ được cả lợi nhuận từ các dự án xây dựng và lãi từ các khoản vay. Các dự án có xu hướng hướng tới việc cải thiện giao thông vận tải, chẳng hạn như xây dựng các bến cảng mới, đường sắt hoặc đường cao tốc ở các quốc gia có cơ sở hạ tầng nghèo nàn.

Tại Hội nghị thượng đỉnh kinh tế Trung Quốc trong tuần này, ông Tập đã tuyên bố Trung Quốc sẽ sử dụng BRI để tạo ra “các quy tắc và tiêu chuẩn” chung theo con đường mà các dự án BRI đã tạo ra.

Các chuyên gia quốc tế đã cảnh báo rằng các dự án BRI gây ra rủi ro đáng kể cho hệ sinh thái toàn cầu. Một nghiên cứu của Đại học Thanh Hoa công bố vào năm 2019 cho thấy rằng chỉ riêng các dự án của BRI cũng có thể xóa sổ hết các cam kết về khí hậu của Thỏa thuận Paris.

Thiệt hại môi trường đặc biệt nghiêm trọng ở Zimbabwe, nơi Trung Quốc đầu tư mạnh vào khai thác than và phát triển đường giao thông qua các khu vực đông dân cư. Người dân địa phương đã tố cáo trong hơn một năm qua rằng công ty Trung Quốc đang đào bới toàn bộ các ngôi làng và phá hủy các trung tâm sinh thái, bao gồm cả các công viên quốc gia đang bị đe dọa, để tìm kiếm nhiên liệu hóa thạch.

Hôm thứ Năm, trong khi thúc giục “quyết tâm” từ phía các nền kinh tế lớn nhất thế giới, ông Tập nhắc lại rằng Trung Quốc sẽ công khai tăng lượng khí thải carbon trong thập kỷ tới.

Ông Tập nói: “Trung Quốc sẽ phấn đấu đạt mức phát thải carbon dioxide cao nhất trước năm 2030,” đồng thời để ngỏ khả năng Trung Quốc tiếp tục tăng lượng khí thải sau năm 2030, năm mà Thỏa thuận khí hậu Paris yêu cầu Trung Quốc thay đổi sản lượng.

Ông Tập nhấn mạnh rằng các nhà lãnh đạo thế giới “phải cam kết hài hòa giữa con người và thiên nhiên”, điều này đòi hỏi phải có “quản trị hệ thống” và tuân thủ các quy tắc của Liên Hợp Quốc và “chủ nghĩa đa phương”.

“Núi xanh là núi vàng. Bảo vệ môi trường là ủng hộ nâng cao năng suất và cải thiện môi trường… Sự thật chỉ đơn giản như vậy”, ông Tập nói. “Chúng ta cần đảm bảo rằng có một môi trường lành mạnh để thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội bền vững trên toàn thế giới… chúng ta phải cam kết quản trị có hệ thống.”

“Trung Quốc mong muốn được hợp tác với cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Hoa Kỳ, để tham gia liên minh [về] quản trị môi trường toàn cầu,” ông Tập nói thêm.

Xuân Lan (theo Breitbart)

Xem thêm: