Sau tweet đầu tiên của năm 2018 lên án Pakistan “nói dối và lừa gạt”, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chuyển sang dọa dừng viện trợ cho Palestine vì chính quyền của Tổng thống Mahmoud Abbas “không còn sẵn sàng đàm phán hòa bình”.

Embed from Getty Images

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã gặp Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bên lề cuộc họp Đại hồng đồng Liên Hiệp Quốc ngày 20/9/2017.

Qua Twitter, ông Trump nói rằng Hoa Kỳ “không nhận được đánh giá cao hoặc tôn trọng” khi tài trợ cho Palestine.

Ông Trump tweet rằng: “Không chỉ riêng Pakistan, chúng tôi chi trả hàng tỷ USD để chẳng đổi lại được gì, mà nhiều nước khác cũng như thế. Chẳng hạn như chúng tôi trả cho Palestine HÀNG TRĂM TRIỆU USD mỗi năm và không nhận được đánh giá cao hoặc sự tôn trọng. Họ thậm chí còn không muốn đàm phán về hiệp định hòa bình đã quá hạn với Israel”.

Chúng tôi đã đưa vấn đề Jerusalem – một khía cạnh khó khăn nhất của cuộc đàm phán này – ra khỏi bàn đối thoại, nhưng vì điều đó, Israel sẽ phải nhượng bộ nhiều hơn. Tuy nhiên, với việc người Palestine không còn sẵn sàng đàm phán hòa bình nữa, vậy tại sao chúng tôi cần phải chi trả các khoản tiền khổng lồ cho họ trong tương lai?”, ông Trump nhấn mạnh.

Những phản ứng nêu trên của Tổng thống Mỹ xuất phát từ việc Palestine trước đó đã nói rằng việc Hoa Kỳ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel cho thấy nước Mỹ không thể là trung gian hòa giải.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã nói rằng ông sẽ không chấp nhận bất kỳ kế hoạch hòa bình nào của Mỹ cho Trung Đông.

Ông Abbas nói: “Hoa Kỳ đã chứng minh là nhà trung gian hòa giải không trung thực cho tiến trình hòa bình [Trung Đông]”.

Tổng thống Palestine cũng khẳng định Jerusalem là “thủ đô vĩnh cửu của nhà nước Palestine”.

>>Tại sao ông Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel?

Palestine cùng với Liên đoàn Ả Rập đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hồi cuối tháng 12/2017 để thông qua nghị quyết kêu gọi Mỹ rút lại quyết định tranh cãi về Jerusalem. Kết quả có 128 trong tổng số 193 thành viên Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu thông qua nghị quyết này. 65 nước phản đối, bỏ phiếu trắng hoặc không tham gia bỏ phiếu là con số đông nhất các nước không đồng tình với nghị quyết Liên Hiệp Quốc (LHQ) liên quan đến vấn đề Palestine từ trước tới nay.

Trước khi ông Trump đăng tweet dọa cắt viện trợ cho Palestine, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley đã thông báo rằng Mỹ sẽ dừng đóng góp cho cơ quan cứu trợ của LHQ cho người tị nạn Palestine – cơ quan đang vận hành các chương trình giáo dục, y tế và xã hội.

Trong năm 2016, Hoa Kỳ là nhà tài trợ lớn nhất cho cơ quan cứu trợ này, với số tiền lên tới gần 370 triệu USD. Liên minh Châu Âu là nhà tài trợ lớn thứ hai với số ngân sách chưa bằng một nửa của Mỹ.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, bà Haley nói: “Tổng thống [Trump] cơ bản đã nói rằng ông ấy không muốn cung cấp thêm bất kỳ ngân sách bổ sung nào, hoặc có thể dừng tài trợ tới khi nào Palestine đồng ý trở lại bàn đàm phán”.

Người Palestine bây giờ phải thể hiện họ sẵn sàng muốn vào bàn đàm phán. Hiện tại, họ không đến bàn đàm phán, nhưng lại yêu cầu viện trợ. Chúng tôi sẽ không chi trả viện trợ, [cho tới khi nào] chúng tôi đảm bảo rằng họ sẽ tham gia đàm phán”, bà Haley khẳng định.

Với việc Mỹ rút tài trợ, các chương trình cứu trợ Palestine của LHQ chắc chắn bị ảnh hưởng lớn vì Washington đang đóng góp khoảng 30% chi phí của toàn bộ các hoạt động này.

Hùng Cường

Xem thêm: