Sau tuyên bố không tiếp tục thử tên lửa và hạt nhân của ông Kim Jong-un hôm thứ Bảy (21/4), cả Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-in đều thể hiện sự lạc quan về triển vọng phi hạt nhân hóa Bắc Hàn. Tuy nhiên, nhiều chính trị gia và chuyên gia quốc tế khác vẫn bày tỏ quan ngại về ý định thực sự của chế độ nhà họ Kim.

Embed from Getty Images

Bắc Hàn đã không thử tên lửa kề từ cuối tháng 11/2017.

Chúng ta còn quãng đường dài tới kết quả về Bắc Hàn, có thể mọi thứ sẽ hiệu quả, và có thể chúng sẽ không – chỉ thời gian sẽ trả lời”, ông Trump tweet hôm Chủ Nhật (22/4).

Trước đó, vào thứ Bảy (21/4), Bắc Hàn đã tuyên bố rằng họ sẽ đình chỉ việc thử tên lửa, hạt nhân và đóng cửa bãi thử hạt nhân và thay vào đó sẽ tập trung theo đuổi tăng trưởng kinh tế và hòa bình.

Trong một tweet đưa ra ít phút trước khi hưởng ứng nhiệt tình tuyên bố của Bắc Hàn, ông Trump đã giải thích nó như một cam kết phi hạt nhân hóa: “Wow, chúng tôi đã không từ bỏ bất cứ điều gì và họ đã đồng ý phi hạt nhân hóa (tuyệt vời cho Thế giới), đóng cửa bãi thử và không thử nghiệm thêm nữa!”.

Tuy nhiên, thông báo của ông Kim Jong-un không bao gồm cam kết xóa bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa hiện tại mà Bắc Hàn đang có, và có những nghi ngờ về việc ông ta sẽ từ bỏ kho vũ khí hạt nhân mà đất nước này đã kỳ công phát triển trong nhiều thập kỷ.

Ông Kim nói rằng Bắc Hàn không cần thử bom hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thêm nữa, bây giờ đất nước của ông đã có các loại vũ khí đó, và ông sẽ tập trung tất cả nỗ lực hướng tới phát triển kinh tế.

Chung quan điểm với ông Trump, Hàn Quốc cho biết cam kết về thử nghiệm của Bắc Hàn cho thấy tiến bộ “có ý nghĩa”, điều đó sẽ tạo ra những điều kiện tốt cho các hội nghị thượng đỉnh thành công giữa Bình Nhưỡng với Seoul và Washington.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc hôm Chủ Nhật (22/4) cho biết ông Moon Jae-in đã hoan nghênh tuyên bố của ông Kim Jong-un, coi đó là bước tiến “lớn lao” hướng tới phi hạt nhân hóa.

Phía Hàn Quốc trong nhiều tuần qua đang tích cực chuẩn bị cho cuộc gặp Moon – Kim tại tòa nhà Peace House, ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm, khu phi quân sự liên Triều.

Ông Moon bây giờ đã có một liên kết điện thoại trực tiếp với ông Kim trên bàn làm việc của mình, thay vì phải giao tiếp thông qua một đường dây nóng tại Khu vực an ninh chung ở Bàn Môn Điếm.

Hai nhà lãnh đạo của hai miền Triều Tiên được kỳ vọng sẽ điện đàm qua điện thoại bằng đường dây liên lạc trực tiếp nêu trên trong tuần này, trước khi hai ông có cuộc gặp thượng đỉnh chính thức vào tuần tới.

Bà Susan Thornton, quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ về vấn đề Đông Á, đang có chuyến thăm 3 ngày tới Seoul, cũng đã gọi thông báo mới nhất của Bắc Hàn là “bước tiến rất tích cực”, theo Yonhap News.

Chúng ta sẽ làm rất nhiều sự phối hợp chặt chẽ với Hàn Quốc, các đồng minh và đối tác trong tuần này”, Yonhap dẫn lời bà Susan Thornton.

Tuy nhiên, cũng có nhiều chính trị gia và chuyên gia quốc tế bày tỏ quan ngại về ý định thực sự của Bắc Hàn sau tuyên bố dừng thử hạt nhân, tên lửa của ông Kim Jong-un.

Ông Nam Sung-wook, giáo sư nghiên cứu Bắc Hàn tại Đại học Hàn Quốc tại Seoul cho hay: “Bắc Hàn đã có lịch sử lâu dài về việc dấy lên vấn đề phi hạt nhân hóa và đã từng cam kết đóng băng chương trình vũ khí hạt nhân của họ trong quá khứ. Tất cả chúng ta đều nhớ những lời hứa và cam kết đó được thực hiện ra sao trong nhiều thập kỷ qua”.

Mặc dù thông báo của miền Bắc khá ấn tượng, nhưng thế giới tự nhiên trở nên nhạy cảm hơn với mỗi từ được nói bởi ông Kim”, ông Nam Sung-wook nói thêm.

Tại Washington, ông Bob Corker, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện đã nói rằng chính phủ Mỹ đánh giá cam kết của ông Kim với sự hoài nghi.

Phát biểu trên CNN, ông Corker nói rằng: “Đây là một nỗ lực quan hệ công chúng lớn của ông Kim Jong-un. Tôi nghĩ mọi người trong chính phủ và quốc hội [Mỹ] tiếp cận điều này với sự hoài nghi và thận trọng”.

Ông Corker cho biết Washington cần phải rõ ràng về những gì mà một cuộc họp với ông Kim có thể hoàn thành.

Trao đổi với chương trình “This Week” của kênh ABC, vị Thượng nghị sĩ Cộng hòa nhấn mạnh: “Nghĩ rằng ai đó sẽ đi vào [đàm phán] và quyến rũ ông ta ra khỏi [chương tình hạt nhân, tên lửa] đó là không thực tế. Có một số tiến bộ có thể được thực hiện? Tôi hy vọng như vậy, nhưng đó là một trở ngại lớn”.

Các quan chức Mỹ nói rằng Bắc Hàn trong quá khứ đã nhiều lần rút khỏi các thỏa thuận về phi hạt nhân hóa, lần gần nhất trong năm 2012 khi Bình Nhưỡng vẫn phóng thử tên lửa tầm xa dù trước đó đã đồng ý với lệnh cấm thử tên lửa.

Giám đốc về các vấn đề lập pháp của Nhà Trắng Marc Short nói trên chương trình “Meet the Press” của NBC rằng mục tiêu của Hoa Kỳ vẫn là “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” để Bình Nhưỡng không còn vũ khí hạt nhân nữa.

Yên Sơn (T/h)

Xem thêm: