Ủy ban Đặc biệt tại Thượng viện về các dự án CPEC của Pakistan cho biết Bắc Kinh chưa tài trợ cho bất kỳ dự án cơ sở hạ tầng nào trong khuôn khổ sáng kiến ​​Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC) kể từ năm 2017.

Theo báo cáo của The Express Tribune, trong cuộc họp Ủy ban hôm thứ Sáu tuần trước, Thượng nghị sĩ Sikandar Mandhro, Trưởng ban lập kế hoạch giao thông tại Bộ Kế hoạch Pakistan, cho biết do CPEC không được cấp vốn nên một số dự án, bao gồm cả dự án Khuzdar-Basima, đã phải lấy tiền từ quỹ phát triển liên bang.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Kabir Ahmad Shahi thông báo rằng CPEC hiện chỉ là “các thủ tục giấy tờ”. 

“Dự án bắt đầu theo cách giống như một chiếc lều được dựng lên và một người canh gác ngồi ở đó. Hàng rào xung quanh Sân bay Quốc tế Gwadar mới là một mớ hỗn độn”, ông nói.

Hơn nữa, các dự án trong Quy hoạch tổng thể Thành phố Cảng thông minh Gwadar vẫn chưa được khởi động.

Năm 2015, Trung Quốc công bố một dự án kinh tế ở Pakistan trị giá 46 tỷ USD. Với CPEC, Bắc Kinh đặt mục tiêu mở rộng ảnh hưởng ở Pakistan cũng như khắp Trung và Nam Á nhằm chống lại ảnh hưởng của Hoa Kỳ và Ấn Độ.

Các dự án CPEC sẽ nối cảng Gwadar của Pakistan với khu vực Tân Cương phía tây của Trung Quốc. Nó cũng bao gồm kế hoạch tạo ra các liên kết đường bộ, đường sắt và đường ống dẫn dầu để cải thiện kết nối giữa Trung Quốc và Trung Đông. CPEC được dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2030 và được coi là một điển hình của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.

Các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo về tác động tiêu cực của Sáng kiến CPEC đối với Pakistan, bao gồm nguy cơ bẫy nợ. Năm 2018, Pakistan gánh khoản nợ tương đương 70% GDP, trong đó một nửa là nợ Trung Quốc.

Thanh Thủy (t/h)

Xem thêm: