Đại sứ Trung Quốc tại Peru hôm thứ Tư (24/4) đã nói rằng Peru sẽ ký bản ghi nhớ gia nhập sáng kiến cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường của Trung Quốc trong vài ngày tới, theo Reuters đưa tin.

Embed from Getty Images

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) bắt tay Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski (trái) sau lễ ký kết ở Đại Lễ Đường Nhân Dân, Bắc Kinh hôm 13/9/2016. (Ảnh: Etienne Oliveau/Pool/Getty Images)

Đại sứ Trung Quốc Jia Guide đã đưa ra thông báo nêu trên với những vị khách tham gia một bữa tiệc tại Lima cùng Phó Tổng thống Peru vào thời điểm Trung Quốc bắt đầu khai mạc hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường tại Bắc Kinh. Hội nghị này thu hút sự góp mặt của bộ trưởng thương mại Peru và nhiều nhà lãnh đạo trên toàn thế giới.

Việc ký bản ghi nhớ trong vài ngày tới sẽ đưa Peru trở thành một trong số ít các quốc gia Nam Mỹ chính thức gia nhập vào sáng kiến cơ sở hạ tầng hàng đầu, đầy tham vọng của Trung Quốc. Điều này cũng nhấn mạnh thêm xu hướng nhiều quốc gia trên toàn cầu đang bị cuốn vào quỹ đạo Trung Quốc với những lời hứa đầu tư mạnh mẽ, bất chấp sự phản đối của Mỹ.

Trao đổi với Reuters sau thông báo của Đại sứ Trung Quốc, Phó Tổng thống Peru Mercedes Araoz đã nói rằng mối quan hệ của Peru với Mỹ vẫn sẽ duy trì mạnh mẽ.

“Việc ký bản ghi nhớ là bước khởi đầu của mẫu hình hợp tác mà Trung Quốc đã đề xuất với thế giới, mẫu hình… sẽ cho phép chúng tôi mở rộng các mối quan hệ của chúng tôi,” ông Araoz nói với Reuters.

“Chúng tôi đã đang thiết lập mối quan hệ song phương rất mạnh mẽ với Trung Quốc giống như chúng tôi đã có với Mỹ,” ông Araoz nói thêm.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu giới thiệu chính sách “Vành đai và Con đường” vào năm 2013 như là một cách để mở rộng liên kết giữa Bắc Kinh với Châu Á, Châu Phi và Châu Âu thông qua hàng tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, vào đầu năm ngoái, Trung Quốc đã bắt đầu mời thêm các quốc gia Mỹ La-tinh và Caribê cùng tham gia vào “Vành đai và Con đường”. Động thái mới này của Bắc Kinh được cho là nhằm tìm cách làm sâu sắc thêm mối quan hệ của họ với khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên và cũng là nơi mà Mỹ có sức ảnh hưởng từ lâu.

Chile cũng như Peru là đồng minh thân cận của Mỹ, nhưng vào tháng Mười Một năm ngoái cũng đã thông báo họ sẽ gia nhập sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

Điều đáng chú ý là quyết định của Peru về việc sẽ ký kết bản ghi nhớ với Trung Quốc đến chỉ hai tuần sau chuyến thăm cấp nhà nước của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Lima và một số nước Mỹ La-tinh. Trong chuyến thăm bốn ngày tới Mỹ La-tinh hai tuần trước, ông Pompeo đã lặp lại cảnh báo về những rủi ro của cái mà ông gọi là thực tiễn cho vay ăn cướp của Trung Quốc thông qua các dự án cơ sở hạ tầng và cấp vốn thiếu minh bạch.

Trong khi đó, phát biểu tại phiên khai mạc của hội nghị “Vành đai và Con đường” tại Bắc Kinh, bộ trưởng tài chính Trung Quốc đã nói rằng Bắc Kinh nhắm mục tiêu làm cho sáng kiến Vành đai và Con đường bền vững và ngăn ngừa rủi ro nợ. Phát biểu này của quan chức Trung Quốc là để tìm cách làm dịu đi chỉ trích rằng kế hoạch cơ sở hạ tầng của họ gây ra nợ nần ở các nước tham gia và thiếu minh bạch.

Theo Reuters, năm ngoái Trung Quốc đã chính thức vượt qua Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Peru. Thành quả này của Bắc Kinh là nhờ phần lớn vào việc họ nhập khẩu đồng và các khoáng sản khác từ Peru. Đầu tư của Trung Quốc vào Peru vẫn chủ yếu tập trung vào ngành khai khoáng, nhưng vài năm gần đây cũng mở rộng thêm về phát triển cơ sở hạ tầng.

Xuân Thành