Kết thúc chuyến thăm chính thức Đài Loan lần đầu tiên hôm thứ Sáu (5/11), phái đoàn từ Nghị viện Châu Âu cho biết việc tăng cường tương tác giữa cộng đồng quốc tế và hòn đảo sẽ mang lại lợi ích cho hòa bình ở eo biển Đài Loan.

id13352760 7e95dcf7 600x400 1
Tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan chụp ảnh chung sau cuộc họp tại Phủ Tổng thống vào ngày 4/11/2021 với “Đoàn Ủy ban đặc biệt về Sự can thiệp của bên ngoài vào trình tự dân chủ EU” (Nguồn: Phủ Tổng thống Đài Loan).

Các thành viên của Ủy ban đặc biệt Quốc hội về can thiệp nước ngoài trong tất cả các tiến trình dân chủ (INGE) đã đến Đài Bắc vào thứ Tư (ngày 3/11) để gặp các nhà lãnh đạo hàng đầu của Đài Loan, bao gồm Tổng thống Thái Anh Văn. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Đài Loan và Trung Quốc tiếp tục gia tăng. 

Bắc Kinh đã đưa ra cảnh báo, nhưng các thành viên phái đoàn Nghị viện châu Âu cho biết họ không lo lắng về các đòn trả đũa.

Tại một cuộc họp báo hôm thứ Sáu, Chủ tịch INGE Raphael Glucksmann đã bác bỏ tuyên bố chuyến đi sẽ làm gián đoạn quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc, CNA đưa tin. 

Thay vào đó, ông cho biết nó sẽ có tác dụng ngược lại. Ông cũng nói rừng các cuộc tiếp xúc giữa Đài Loan và các quan chức nước ngoài nên được coi là một sự kiện bình thường.

Các chính trị gia của INGE cho biết họ lạc quan về quan hệ châu Âu – Đài Loan và ca ngợi Đài Loan là một nền dân chủ sôi động. Ông Glucksmann nói rằng “thật là một vinh dự lớn” khi đến Đài Loan và ca ngợi quốc gia này là quốc gia có nền dân chủ mạnh mẽ nhất trong khu vực.

Ông cho biết nhóm đã đến để học hỏi và quan sát từ chính phủ Đài Loan và kinh nghiệm của họ trong việc chống lại thông tin sai lệch và bảo vệ các giá trị dân chủ. 

Ông Glucksmann nói thêm rằng có sự đồng thuận trong Nghị viện châu Âu để ủng hộ nền dân chủ của Đài Loan, thể hiện qua việc thông qua báo cáo về quan hệ châu Âu – Đài Loan gần đây.

Ông cũng cho hay tình bạn bền chặt sẽ “dựa trên các nguyên tắc và tham vọng chung và cùng có lợi”. Ông Glucksmann nói EU đang cân nhắc việc biến Đài Loan trở thành trung tâm chống lại thông tin sai lệch.

Chủ tịch ủy ban lưu ý “càng có nhiều tương tác giữa Đài Loan và thế giới, thì eo biển Đài Loan càng ít nguy hiểm,” bởi  việc tăng cường trao đổi song phương sẽ gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Bắc Kinh rằng Đài Loan không đơn độc và sẽ có “một cái giá đắt phải trả” nếu Trung Quốc đơn phương thực hiện động thái xâm lược trong khu vực.

Cựu Thủ tướng Litva, Andrius Kubilius, nói rằng cả Đài Loan và quốc gia vùng Baltic đều phải đối mặt với những thách thức tương tự do các nước láng giềng lớn hơn đặt ra. Ông cho biết các nước cần tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm của mình và khuyến nghị một cuộc đối thoại không chính thức hàng năm giữa Đài Loan và EU, tập trung vào phát triển và bảo vệ nền dân chủ.

Petras Austrevicius, một chính trị gia người Litva, cho biết EU và Đài Loan nhìn thấy nhiều khả năng hợp tác trong tương lai và cả hai bên đều nhận thấy sự cần thiết của một cách tiếp cận “đa lĩnh vực”. Austrevicius cũng cho biết thế giới phải đứng vững trước Trung Quốc sau các hành động của họ ở Hồng Kông.

Ông nói rằng ông đã gặp các nhà lập pháp Hồng Kông sống lưu vong và sau khi lắng nghe những gì họ nói, ông nhận ra rằng một chế độ toàn trị đã từng phạm nhiều tội ác trong quá khứ như ĐCSTQ chắc chắn sẽ mở rộng và áp đặt sự cai trị của nó lên các quốc gia và khu vực lân cận.

Georgios Kyrtsos, một chính trị gia đảng Dân chủ Mới, cho biết EU không chống Trung Quốc mà ủng hộ Đài Loan. Ông nói rằng châu Âu mong muốn học hỏi từ thành công của Đài Loan về mặt phát triển kinh tế và chống lại tin tức giả.

Ông nói rằng “sự hiện diện của chúng tôi ở đây là khởi đầu của một mối quan hệ thú vị” và gợi ý rằng sẽ có nhiều quan hệ đối tác hơn trong những tháng tới để củng cố quan hệ Đài Loan – Châu Âu.

Lê Vy

Xem thêm: