Vào thứ Tư (19/7) ông Emmanuel Macron đã có động thái thể hiện rõ quyền lực của mình và khẳng định vị thế của người lãnh đạo nước Pháp. Vị tổng thống trẻ tuổi đã nhanh chóng thay thế chỉ huy trưởng quân đội Pháp khi ông này lên tiếng phản đối quyết định cắt giảm ngân sách quốc phòng.

Tờ AP (Mỹ) cho hay hôm thứ Tư (19/7), Tổng thống Macron đã chấp nhận đơn từ chức của chỉ huy quân đội Pháp đang bất đồng ý kiến với mình và thay thế bằng một vị tướng lĩnh khác được xem là “thân với Macron” hơn.

Tổng thống Macron và Tướng Villiers  cùng tham gia diễu binh trong ngày Quốc khách Pháp 14/7 vừa qua

Tướng Pierre De Villiers đã đệ đơn từ chức tới ông Macron trong một cuộc họp kín của Hội đồng An ninh hôm thứ Tư (19/7). Trong thư gửi Tổng thống Pháp, vị chỉ huy quân đội Pháp nói rằng ông không thể đảm bảo đầy đủ nguồn lực để chắc chắn rằng lực lượng an ninh Pháp có thể đối mặt với những mối đe doạ ngày càng gia tăng.

Tổng thống Macron đã lập tức quyết định bổ nhiệm Tướng Francois Lecointre giữ chức chỉ huy trưởng quân đội Pháp thay thế Tướng Pierre de Villiers.

Theo chính phủ Pháp, ông Lecointre đã làm nhiệm vụ tại Sarajevo trong suốt các cuộc chiến tranh Nam Tư vào những năm 1990 và cũng có mặt tại Rwanda cùng giai đoạn này. Gần đây, tướng Lecointre đã đảm đương nhiệm vụ lãnh đạo quân đội EU huấn luyện ở Mali để giúp chống lại các phần tử cực đoan Hồi giáo. Phát ngôn viên của chính phủ xem ông Lecointre là người phù hợp với chiến lược tập trung vào cải cách của Tổng thống Macron.

Vụ lùm xùm bất thường này đã làm rung chuyển quân đội Pháp và cảnh báo sâu sắc về chiều hướng độc tài của ông Macron. Đồng thời, sự vụ này cũng có thể báo trước những thách thức tương tự đối với vị tổng thống trẻ khi ông cố gắng giảm thâm hụt ngân sách, cắt giảm chi tiêu của chính phủ và thay đổi nền kinh tế đang trì trệ.

Văn phòng của ông Macron đang tìm cách giảm căng thẳng trước việc rời nhiệm sở bất ngờ của Tướng Pierre De Villiers cho dù giới bình luận quân sự coi đây là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

Vụ lùm xùm này xuất phát từ những quyết định thắt chặt chi tiêu gần đây của chính quyền Macron. Mặc dù Tổng thống Pháp đã hứa sẽ đẩy chi tiêu quốc phòng lên mức 2% GDP vào năm 2025 như một phần cam kết của Pháp với Khối Hiệp Ước Bắc Tại Tây Dương (NATO), nhưng Bộ trưởng ngân sách của ông tuần trước đã thông báo cắt giảm một khoản 870 triệu Euro chi tiêu quốc phòng nằm trong sự siết chặt chi tiêu tổng thể năm 2017.

AP, dẫn nguồn tin giấu tên, cho biết Tướng De Villiers đã ‘tấn công’ trực diện kế hoạch cắt giảm chi tiêu này trong phiên họp kín của một ủy ban quốc hội.

Không nêu tên trực tiếp, nhưng ông Macron có ý khiển trách Tướng Villiers, Tổng thống nói với các quan chức quân đội rằng: “Sẽ là không trang nghiêm khi đưa ra tranh luận ở hoàn cảnh công khai. Tôi đã đưa ra quyết định (về cắt giảm ngân sách). Tôi là sếp của các vị”.

Cách hành xử của ông Macron đã gặp phải rất nhiều lời chỉ trích, đặc biệt là từ những người lo sợ ông đang ngày càng tăng cường thâu tóm quyền lực sau khi giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tháng 5 và chứng kiến đảng Tiến bước mới thành lập của mình thống trị cuộc bầu cử quốc hội tháng trước.

Tướng De Villiers đã đưa ra lời kêu gọi trên Facebook cá nhân rằng: “Hãy chú ý đừng đặt niềm tin mù quáng…Bởi vì không ai là không có thiếu sót, không ai xứng đáng nhận được sự phục tùng một cách mù quáng”.

Tướng De Villiers, người giữ vị trí lãnh đạo quân đội Pháp từ năm 2014, trong quá khứ đã từng nói phải bảo vệ ngân sách quốc phòng và nhấn mạnh rằng “trách nhiệm” của ông là phải bày tỏ mối quan ngại về các nguồn lực trong bối cảnh mối đe dọa hiện hữu từ các cuộc tấn công của chủ nghĩa cực đoan.

Trong tuyên bố từ chức của mình, Tướng De Villiers cho hay: “Tôi đã luôn để tâm … với mục tiêu duy trì một mô hình quân sự đảm bảo sự cân bằng chặt chẽ giữa các mối đe dọa lên nước Pháp và Châu Âu, nhiệm vụ không ngừng phát triển của quân đội chúng ta và ngân sách là cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ”.

Ông De Villiers nói thêm rằng: “Tôi không còn thấy mình ở vị trí có thể đảm bảo sự bền vững của mô hình quân sự mà tôi tin tưởng sẽ bảo đảm sự bảo vệ cho nước Pháp và nhân dân Pháp”.

Phát biểu trước các nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa Tiến bước vào tối thứ Ba (18/7), ông Macron đã cười phá lên khi có cáo buộc rằng ông đang ban hành các sắc lệnh “giống Jupiter” (vị vua của các vị thần trong thần thoại La Mã).

Trong bình luận được phát sóng trên các phương tiện truyền thông Pháp, Tổng thống Macron cảnh báo rằng: “Sẽ có những cuộc tranh luận khó khăn. Chúng ta sẽ phải thương lượng giữa hai giải pháp và phải chọn cái ít tồi tệ hơn”.

Yên Sơn

Xem thêm: