Hôm thứ Tư (27/4), Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan sau khi hai nước châu Âu này từ chối yêu cầu của Nga về việc thanh toán bằng đồng rúp, các nước châu Âu và các nhà lãnh đạo EU đã lên án hành động “bắt chẹt” của Nga.

Chu tich EC EU co the go bo lenh cam di lai voi nguoi My da tiem vac xin 1
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen. (Ảnh: Par Alexandros Michailidis/Shutterstock)

Thời điểm này, các nước châu Âu và Mỹ đã tăng cường vận chuyển vũ khí để giúp Ukraine phòng thủ trước đợt tấn công mới của quân Nga ở miền đông Ukraine.

Ukraine báo cáo hôm thứ Tư rằng các lực lượng Nga đang có tiến triển tại một số ngôi làng ở đó, trong khi Nga báo cáo một loạt vụ nổ ở bên cạnh biên giới của họ trong cái mà Kyiv gọi là “báo ứng nhân quả”.

Nga cho biết việc cắt giảm khí đốt là để thực thi yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp vốn cần thiết để bảo vệ nền kinh tế Nga trước các lệnh trừng phạt từ phương Tây.

Công ty Gazprom độc quyền xuất khẩu khí đốt của Nga cho biết trong một tuyên bố rằng họ đã “đình chỉ hoàn toàn việc cung cấp khí đốt cho Công ty Khí đốt Bungari (Bulgargaz) và Công ty Khí đốt Ba Lan (PGNiG) vì không chịu thanh toán bằng đồng rúp”.

Phản hồi từ các nước châu Âu cũng như EU

Theo Reuters, dữ liệu từ mạng lưới các nhà khai thác truyền dẫn khí đốt của EU cho thấy, nguồn cung khí đốt thực tế dường như đã tăng trở lại sau khi giảm xuống mức 0 trước đó vào thứ Tư.

Tuy nhiên, phía Ba Lan cho biết nguồn cung thực sự đã ngừng. Còn phía Bulgaria không xác nhận với Reuters vấn đề nguồn cung này từ Nga có ngừng hay không, nhưng Thủ tướng Kiril Petkov gọi động thái của Nga là “hành động bắt chẹt” và cho biết việc ngừng cung cấp là vi phạm hợp đồng.

“Chúng tôi sẽ không khuất phục trước hành động bắt chẹt này”, ông nói thêm.

Bộ trưởng Năng lượng Alexander Nikolov của Bulgaria cho biết: “Bởi vì tất cả các nghĩa vụ thương mại và pháp lý đều đang được tuân thủ, rõ ràng là khí đốt tự nhiên hiện đang được sử dụng nhiều hơn như một vũ khí chính trị và kinh tế trong cuộc chiến hiện nay”.

Phía Bulgaria cho biết tình hình đảm bảo cung cấp cho khách hàng ít nhất trong tháng tiếp theo.

Tổng thống Nga Putin vào tháng trước đã yêu cầu người mua từ các nước “không thân thiện” trả tiền mua khí đốt bằng đồng rúp, nếu không sẽ bị cắt nguồn cung cấp. EU cho biết Nga đã vi phạm điều khoản hợp đồng yêu cầu thanh toán bằng đồng euro.

Các quan chức EU đã tổ chức đàm phán khẩn vào thứ Tư. Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen cho biết: “Việc công ty Gazprom đơn phương tuyên bố ngừng giao khí đốt cho khách hàng châu Âu là một bài thử của Nga nhằm sử dụng khí đốt như một công cụ bắt chẹt”.

Bà Chủ tịch Ủy ban EU cho biết điều đó “thật phi lý và không thể chấp nhận được”.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và quan chức chính phủ khác cũng chỉ trích Nga vì động thái này.

Phó Thủ tướng Anh Dominic Raab cho rằng động thái này sẽ ngày càng khiến Nga thành “kẻ bị ruồng bỏ về kinh tế”. Giám đốc tài chính James von Moltke của Deutsche Bank nói với CNBC hôm thứ Tư rằng đây là “dấu hiệu đáng lo ngại”, dù vấn đề sẽ không có tác động ngay lập tức đến nền kinh tế nhưng “đó vẫn là một rủi ro cho tương lai”.

Ba Lan và Bulgaria đều là các nước vệ tinh của Moscow thời Liên Xô cũ, và sau đó gia nhập EU và NATO. Ba Lan đã phản đối mạnh mẽ cuộc chiến của Điện Kremlin ở Ukraine; Bulgaria từ lâu đã có quan hệ tốt với Nga, nhưng người nhậm chức năm ngoái là Thủ tướng Petkov đã lên án mạnh mẽ cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine.

Ông Petkov sẽ đến Kyiv vào thứ Tư để trở thành nhà lãnh đạo châu Âu mới nhất gặp Tổng thống Zelensky của Ukraine.

Ba Lan mua khí đốt của Nga thông qua đường ống Yamal-Europe xuất phát từ mỏ khí đốt khổng lồ của Nga ở ngoại ô Bắc Cực, hiện tiếp tục cung cấp cho Đức cùng các nước châu Âu khác về phía tây. Còn Bulgaria được cung cấp thông qua đường ống dẫn khí TurkStream từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Các nước châu Âu khác, bao gồm nước mua khí đốt hàng đầu của Nga là Đức, không báo cáo việc cắt giảm nguồn cung.

Nguồn cung từ công ty Gazprom lần lượt chiếm khoảng 50% và 90% sản lượng tiêu thụ ở Ba Lan và Bulgaria. Ba Lan cho biết, họ không cần khai thác dự trữ và trữ lượng khí đốt của họ cao tới 76%. Bulgaria cho biết họ đang đàm phán để cố gắng nhập khẩu LNG thông qua Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp.

Bộ trưởng Khí hậu Ba Lan Anna Moskwa nhấn mạnh rằng sau nhiều năm nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, Ba Lan đã sẵn sàng cho một kịch bản như vậy. Bà nói: “Chúng tôi có chiến lược đa dạng một cách thích hợp để giúp chúng tôi an toàn trong tình huống này”.

Xuất khẩu năng lượng của Nga cho đến nay hầu như không bị cản trở kể từ khi chiến tranh bắt đầu, đây là lỗ hổng lớn của phương Tây để có thể áp đặt chế tài toàn diện đối với Nga, nếu không thương mại của Moscow với phương Tây đã có thể hoàn toàn chấm dứt.

Kyiv từ lâu đã kêu gọi châu Âu ngừng “tài trợ” cho nỗ lực chiến tranh của Moscow, cắt nguồn nhập khẩu khí đốt mang lại cho Nga hàng trăm triệu USD mỗi ngày. Theo giá hiện tại, mỗi ngày châu Âu trả cho Nga khoảng 400 triệu USD tiền khí đốt, số tiền này ông Putin cũng sẽ mất nếu cắt hoàn toàn.

Trong tuần này, phía Đức cho biết họ muốn ngừng nhập khẩu dầu của Nga trong vòng vài ngày. Nhưng việc châu Âu tách khỏi nguồn khí đốt dồi dào và giá rẻ của Nga là rất không an toàn.

Chánh văn phòng của Tổng thống Zelensky là Andriy Yermak cho biết, Nga đang “bắt đầu chơi đòn bắt chẹt khí đốt chống lại châu Âu”.

Chính phủ Hy Lạp sẽ tổ chức cuộc họp khẩn cấp của Hy Lạp tại Athens. Khoản thanh toán theo lịch trình tiếp theo của Hy Lạp cho công ty Gazprom sẽ đến hạn vào ngày 25/5, họ phải quyết định xem có tuân thủ các yêu cầu của Nga để hoàn tất thương vụ bằng đồng rúp hay không.

Hy Lạp đang tăng cường công suất lưu trữ LNG và có kế hoạch dự phòng để chuyển một số lĩnh vực công nghiệp từ dùng khí đốt tự nhiên sang dùng dầu diesel như một nguồn năng lượng khẩn cấp, cũng như rút lại kế hoạch trong 2 năm tới giảm sản lượng than trong nước.

Những diễn biến mới

Nga đã tái tập trung binh lực ở miền đông Ukraine sau khi tháng trước phải rút khỏi các vùng ngoại ô của Kyiv mà họ bao vây thời gian dài trước đó, mục đích để phát động tổng tấn công chiếm hoàn toàn hai tỉnh phía đông của Ukraine được gọi chung là vùng Donbas.

Bộ Tổng tham mưu Ukraine thừa nhận bước tiến của Nga ở phía đông, chiếm đóng trên tuyến gồm một số vùng ngoại ô của các thành phố Zavody, các điểm định cư Zarichne và Novoshtokivske ở Donetsk.

Hôm thứ Tư (27/4), nhiều vụ nổ bất ngờ đã xảy ra ở 3 tỉnh của Nga giáp với Ukraine, trong đó có một kho đạn ở tỉnh Belgorod bốc cháy. Chính quyền tỉnh Belgorod cho biết ngọn lửa lớn gần Staraya Nelidovka đã được dập tắt.

Tháng này, Nga còn cáo buộc Ukraine dùng trực thăng tấn công một kho nhiên liệu ở Belgorod và một số ngôi làng trong tỉnh, trong tuần này cũng xảy ra hỏa hoạn tại kho nhiên liệu ở Bryansk gần đó.

Kyiv chưa xác nhận trách nhiệm về các sự cố, nhưng gọi chúng là “quả báo”. Cố vấn Mikhaylo Podolyak của Tổng thống Ukraine viết trên mạng xã hội rằng có thể có nhiều lời giải thích cho các vụ cháy nổ, nhưng “báo ứng nhân quả là một điều rất đau đớn”.

Những ngày gần đây, cộng đồng quốc tế lo ngại về việc liệu cuộc xung đột có mở rộng sang nước láng giềng Moldova hay không, nơi mà những người ly khai thân Nga trong tuần này đã báo cáo rằng khu vực vốn bị quân Nga chiếm đóng từ những năm 1990 đang bị tấn công.

Những người theo chủ nghĩa ly khai cho biết vào hôm thứ Tư, ở gần một kho vũ khí đã có nổ súng đến từ bên trong lãnh thổ Ukraine. Chính phủ thân phương Tây của Moldova cho biết đây là hành vi kích động xung đột của lực lượng ly khai.

Cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng và bị thương, khiến nhiều đô thị của Ukraine thành đống đổ nát và hơn 5 triệu người Ukraine phải chạy ra nước ngoài. Điều này được Moscow tuyên bố cái gọi là “hoạt động quân sự đặc biệt” để giúp phi quân sự hóa và phi phát xít hóa nước láng giềng Đông Âu.