Theo báo cáo từ một tờ báo Phần Lan, vũ khí hạt nhân có thể được đặt ở Phần Lan nếu đơn xin gia nhập NATO của nước này được chấp thuận. Động thái này dự kiến sẽ chọc giận Nga.

Embed from Getty Images

Cả Phần Lan và Thụy Điển đều nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5 trong bối cảnh lo ngại trước việc Nga xâm lược Ukraine. Theo tờ báo Iltalehti có trụ sở tại Helsinki, dự luật liên quan đến khả năng trở thành thành viên NATO mà chính phủ Phần Lan sẽ đưa ra trước quốc hội không bao gồm bất kỳ lựa chọn từ chối vũ khí hạt nhân nào.

Phát biểu với tờ báo, các nguồn tin quốc phòng cho biết các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Phần Lan, Pekka Haavisto và Antti Kaikkonen, đã đưa ra “cam kết” với NATO vào tháng 7 rằng họ sẽ không tìm kiếm “các hạn chế hoặc bảo lưu quốc gia” nếu đơn xin gia nhập của Helsinki được chấp nhận.

Theo Iltalehti, điều này có nghĩa là vũ khí hạt nhân của NATO có thể đi qua, hoặc được đặt trên lãnh thổ Phần Lan. Ngoài ra, không có bất kỳ hạn chế nào đối với việc thành lập các căn cứ của NATO trong nước.

Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, Mỹ đã có khoảng 100 vũ khí hạt nhân ở châu Âu, được đặt ở Bỉ, Đức, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Anh và Pháp, cả hai thành viên NATO, cũng duy trì kho vũ khí hạt nhân độc lập của riêng mình.

Đầu tháng này, chính phủ Ba Lan cho biết họ đã tổ chức các cuộc thảo luận với chính phủ Hoa Kỳ về việc lưu trữ vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ, mặc dù điều này chưa được Washington xác nhận.

Theo trang web NATO, liên minh này là một “liên minh hạt nhân”, sử dụng kho vũ khí hạt nhân của mình để “gìn giữ hòa bình, ngăn chặn các hành vi chèn ép và xâm lược.” 

Tầm quan trọng của một biện pháp răn đe hạt nhân đã được khẳng định trong Khái niệm chiến lược năm 2022 của NATO, được liên minh này thông qua tại hội nghị thượng đỉnh ở Madrid vào tháng 6.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã hoan nghênh các đơn xin gia nhập từ Phần Lan và Thụy Điển vào tháng 5, mô tả động thái này là một “thời điểm lịch sử” đối với liên minh.

Đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển đã được quốc hội của 28 trong số 30 quốc gia thành viên của liên minh thông qua, trong đó Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ là hai nước duy nhất còn lại chưa bỏ phiếu về vấn đề này.

Trở ngại chính là ở Thổ Nhĩ Kỳ, khi Ankara cho biết họ sẽ chỉ chấp thuận các thành viên mới nếu họ kiềm chế được lực lượng ly khai người Kurd, vốn bị coi là khủng bố.

Phát biểu ngày 1/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết: “Chúng tôi sẽ duy trì lập trường nguyên tắc và kiên quyết về vấn đề này cho đến khi những lời hứa với đất nước chúng tôi được thực hiện”.

NATO hiện đang tiến hành cuộc tập trận hạt nhân mang tên “Steadfast Noon”, bắt đầu từ ngày 17/10 cho đến ngày 30/10.

Cuộc tập trận có sự tham gia của khoảng 60 máy bay, bao gồm cả máy bay ném bom B-52 của Mỹ có khả năng mang vũ khí hạt nhân.

Lê Vy (theo Newsweek)