Sau các cuộc họp tại Ankara hôm thứ Tư (25/5), phát ngôn viên chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kali đã nói với báo giới rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không cho phép Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh NATO cho đến khi các quan ngại an ninh “cụ thể” của Ankara liên quan đến chủ nghĩa khủng bố và các chế tài được đáp ứng. Ông Kalin nói thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không vội đạt thỏa thuận với hai nước Bắc Âu trước cuộc họp thượng đỉnh sắp tới của NATO.

Embed from Getty Images

Các phái đoàn của Thụy Điển và Phần Lan hôm 25/5 đã họp khoảng 5 tiếng với những người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ tại Ankara. Cuộc họp này diễn ra sau khi hai nước Bắc Âu đã chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO vào tuần trước. Tiến trình phê duyệt thành viên mới của NATO đòi hỏi phải có sự đồng thuận của 30 quốc gia thành viên, và Thổ Nhĩ Kỳ đang đe dọa sẽ ngăn chặn tiến trình này nếu Thụy Điển và Phần Lan không trấn áp các nhóm mà Ankara xem là khủng bố.

Không đáp ứng các quan ngại an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ, thì tiến trình về mở rộng NATO không thể tiến tục”, ông Kalin nói trong cuộc họp báo sau cuộc gặp với hai phái đoàn Thụy Điển và Phần Lan. “NATO là một tổ chức an ninh”, ông Kalin tuyên bố và nói thêm rằng điều này có nghĩa rằng liên minh nên đảm bảo rằng “các quan ngại an ninh của các quốc gia thành viên phải được đáp ứng một cách công bằng và bình đẳng”.

Thổ Nhĩ Kỳ đã đang yêu cầu rằng Thụy Điển và Phần Lan phải gỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu vũ khí tới Ankara và rằng hai nước Bắc Âu phải trục xuất những người liên quan đến Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và phong trào Gulen (FETO).

Thụy Điển và Phần Lan đều đã liệt PKK là tổ chức khủng bố, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cũng yêu cầu hai nước Bắc Âu cần có động thái tương tự đối với YPG và PYD, hai nhóm quân sự và chính trị của người Kurd tại Syria.

Ông Kalin cho biết phía Thổ Nhĩ Kỳ đang thúc ép Thụy Điển trấn áp những người tại quốc gia Bắc Âu này có cảm tình với PKK, cũng như tài chính và các tổ chức truyền thông của họ. Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt lên án Thụy Điển vì cho rằng Stockholm trang bị vũ khí cho người Kurd, trong đó có vũ khí chống tăng mà các chiến binh này sử dụng trong các cuộc xung đột biên giới đang tiếp diễn với Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Kalin nói rằng các phái đoàn Thụy Điển và Phần Lan đã phản ứng với “thái độ tích cực” khi Ankara đề nghị họ gỡ bỏ lệnh cấm xuất vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát ngôn viên của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cũng nói thêm rằng các cuộc đàm phán với Thụy Điển và Phần Lan sẽ tiếp tục nếu các chính phủ của hai quốc gia Bắc Âu phản hồi những yêu cầu “cụ thể” mà Ankara đưa ra.

Ông Kalin cũng nhấn mạnh tiến trình kết nạp Thụy Điển và Phần Lan vào NATO chỉ có thể tiếp tục, “theo cách mà sẽ giải quyết những quan ngại an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ”.

Các lãnh đạo NATO dự kiến sẽ họp tại Madrid, Tây Ban Nha vào cuối tháng Sáu tới, nhưng ông Kalin tuyên bố rằng Thổ Nhĩ Kỳ “không chịu áp lực thời gian” phải đạt được thỏa thuận với Thụy Điển và Phần Lan trước cuộc họp này.

Hải Đăng (Theo AP và RT)