Cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine đã diễn ra được 2 tuần. Nga đã thất bại trong ý đồ ban đầu muốn sớm làm chủ được Ukraine, trong khi người Ukraine vẫn dũng cảm ngăn chặn đánh đuổi quân xâm lược.

Lính Ukraine trong thành phố Mariupo
Lính Ukraine trong thành phố Mariupol (Ảnh chụp màn hình video)

Khi bắt đầu cuộc chiến, một số người trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) rất lạc quan: “Ukraine hôm nay, Đài Loan ngày mai”, theo đó tin rằng Nga sẽ sớm thắng lợi lớn và điều tương tự cũng xảy ra khi ĐCSTQ tấn công quân sự vào Đài Loan.

Nhưng tình thế khó khăn mà Nga đang phải đối mặt ngày nay, không chỉ dạy cho ĐCSTQ một bài học rằng chớ manh động về vấn đề Đài Loan nếu không muốn gánh chịu hậu quả khôn lường, mà còn “khai sáng” cho Đài Loan 3 kinh nghiệm.

Thứ nhất, hỗ trợ từ bên ngoài phụ thuộc tính chủ động của bên trong

Trước khi Nga xâm lược Ukraine, có thể ông Putin đã xác định 3 điều: thứ nhất, Mỹ sẽ không gửi quân đến Ukraine; thứ hai, NATO sẽ không gửi quân đến Ukraine; thứ ba, có thể Tổng thống Ukraine Zelensky sẽ bỏ chạy như Tổng thống Afghanistan và Nga sẽ nhanh chóng làm chủ Ukraine.

Mỹ cũng ước tính rằng Tổng thống Ukraine Zelensky sẽ bỏ trốn, và đặc biệt đề nghị giúp đỡ nếu ông Zelensky muốn điều đó.

Những người chỉ trích tổng thống Ukraine tại quê nhà cũng nói rằng Zelensky, người sinh ra ở Uzbekistan và nói tiếng Nga, gần như chắc chắn sẽ bán đất nước cho Nga.

Vì trước khi trở thành tổng thống thì ông Zelensky chỉ là một diễn viên hài, không có thành tựu chính trị nào đáng kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2019 cho đến khi chiến tranh bùng nổ. Ngoài ra, nạn tham nhũng nghiêm trọng trong chính trường Ukraine khiến Zelensky bị lên án.

Nhưng sau khi chiến tranh bùng nổ, ông Zelensky cùng vợ con nhất quyết ở lại Kyiv, quyết tâm sống chết với người Ukraine, chính tinh thần nghĩa khí đó đã tạo ra động lực cổ vũ và nhanh chóng làm thay đổi cách nhìn của người dân Ukraine về ông, khiến tỷ lệ ủng hộ Zelensky tăng vọt lên hơn 90%.

Trong 2 tuần kể từ khi chiến tranh bắt đầu, ông Zelensky đã liên tục thông qua mạng xã hội kết nối rất tốt với toàn dân trong nước cũng như người dân và các nhà lãnh đạo thế giới, qua đó đã giành được sự ủng hộ, giúp đỡ và nguồn lực ổn định cho Ukraine.

“Chúng tôi là những người Ukraine và chúng tôi có một mong muốn đơn giản là con cái của chúng tôi được sống, thế thôi”, ông Zelensky nói trong một bài phát biểu trực tuyến trước Nghị viện châu Âu vào ngày 1/3. “Chiến tranh đã vô tình cướp đi những sinh mạng vô tội, nhưng sự sống sẽ chiến thắng cái chết, ánh sáng sẽ đánh bại bóng tối, và mọi vinh quang sẽ thuộc về Ukraine”.

Sau phát biểu, tất cả các nghị sĩ đã cùng đứng lên vỗ tay trong gần một phút.

Những lời nói và việc làm của ông Zelensky đã truyền cảm hứng không chỉ cho người Ukraine trong nước, mà cả người Ukraine ở nước ngoài, cũng như nhiều người có lương tâm trên khắp thế giới.

“Thời báo Moscow” (Moscow Times) đưa tin, hình ảnh nữ giáo viên Olena Kurilo ở Kharkov, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, trọng thương khi nhà của cô bị đánh bom, sau đó khuôn mặt đẫm máu của cô đã xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông quốc tế lớn và trở thành biểu tượng cho tội ác chiến tranh của Putin đối với người dân Ukraine.

Cô nói: “Tôi là một nhà giáo, chúng tôi đọc lịch sử [chiến tranh] nhiều, nhưng chúng tôi chưa bao giờ nghĩ điều như thế lại đến với vùng đất này”. Bất chấp mối nguy hiểm gây ra bởi một cuộc xâm lược của Nga, cô nói rằng sẽ ở lại và chiến đấu: “Dù sao đi nữa, tôi thà chết chứ không phục tùng Putin. Tôi sẽ đứng lên và làm hết sức mình vì Ukraine… Tôi cần bảo vệ tổ quốc”.

Có thể xem lời nói của nữ giáo viên này tiêu biểu cho tiếng nói chung của vô số người dân Ukraine. Vì với người Ukraine, từ tổng thống, phu nhân tổng thống cho đến những người dân bình thường đều sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Ukraine, tinh thần “tự lực cánh sinh” này đã đánh động khắp nơi trên thế giới. Đây là cơ sở quan trọng giúp Ukraine đứng vững cho đến nay và giành được sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế.

Đài Loan có thể nhìn Ukraine như tấm gương về tinh thần tự lực tự cường, người ta chỉ có thể giúp được những ai có tinh thần như vậy.

Thứ hai, “sức mạnh cứng” cần điểm tựa từ “sức mạnh mềm”

Trong lịch sử, nhiều hoạt động quân sự ở Liên Xô cũ và Nga được thực hiện bằng các cuộc tấn công chớp nhoáng trên không.

Liên Xô (cũ) xâm lược Hungary năm 1956, Tiệp Khắc năm 1968, Afghanistan năm 1979, và Nga xâm lược Gruzia năm 2008 đều dùng quân nhảy dù dẫn đầu và nhanh chóng giải quyết tình hình.

Vào ngày 24/2, hàng chục trực thăng của Nga đã mang quân nhảy dù vào không kích sân bay Kyiv Antonov. Nhưng lịch sử đã không lặp lại, lực lượng đổ bộ đường không của Nga đã bị Lữ đoàn 4 của Vệ binh Quốc gia Ukraine quét sạch.

Sau đó cuộc chiến giằng co đến nay đã kéo dài 15 ngày, không những không có dấu hiệu sớm kết thúc mà ngược lại những vấn đề nghiêm trọng của quân đội Nga đã được phơi bày: chiến lược, chiến thuật, vũ khí, trang bị, thông tin liên lạc, hậu cần…

Tờ Pravda của Nga ngày 3/3 đưa tin, Phó Tư lệnh Quân đoàn 41 thuộc Quân khu Trung tâm Nga là Thiếu tướng Andrey Sukhovetsky đã tử trận, sau đó người kế nhiệm là Thiếu tướng Valery Gerasimov cũng chung số phận.

Làm thế nào xác thực được cái chết của những viên tướng này? Quân đội Nga sử dụng một hệ thống gọi là ERA để liên lạc được mã hóa, hệ thống liên lạc được xem là tiên tiến hàng đầu thế giới này mới đưa vào dùng từ năm 2021 nhưng vấn đề của chúng là phải dựa vào mạng dân dụng 3G và 4G, nhưng vì quân đội Nga ném bom làm hệ thống liên lạc dân sự của Ukraine tê liệt khiến việc liên lạc bằng ERA của quân đội Nga với tiền tuyến cũng bị cắt đứt, vậy là sau khi Gerasimov thiệt mạng thì đặc vụ Nga trong tình thế phải khẩn cấp báo cáo cấp trên đã buộc phải dùng mạng điện thoại di động thông thường và hệ quả là bị quân đội Ukraine phát hiện. Thế giới đã bàng hoàng sau khi đoạn ghi âm được Bộ Quốc phòng Ukraine tung ra!

Hãng tin TASS của Nga xác nhận, vào ngày 5/3, có 10 máy bay chiến đấu của Nga đã bị Ukraine bắn rơi, bao gồm: 1 tiêm kích Su-30SM, 2 tiêm kích-ném bom Su-34, 2 cường kích Su-25, 2 máy bay trực thăng vũ trang Mi – 24/35, 2 máy bay trực thăng vận tải đa năng Mi-8m, 1 UAV cỡ nhỏ Orlan-10. Truyền thông phương Tây gọi là “ngày đen tối nhất” của không quân Nga.

Có bao nhiêu người Nga thương vong? Tính đến ngày 8/3, Ngoại trưởng Ukraine tuyên bố rằng 12.000 quân Nga đã thiệt mạng. Ước tính chính thức của Mỹ là 5000 – 6000.

Thử so sánh: thời gian Mỹ tham chiến 18 năm ở Iraq từ 2003 – 2021 khoảng 4.000 lính Mỹ tử trận, trong 20 năm từ năm 2001 – 2021 Mỹ tham chiến ở Afghanistan khoảng 2.500 lính Mỹ tử trận.

Vào ngày 24/2, Nga và Ukraine bắt đầu giao tranh. Ngày 25/2, đài CCTV của ĐCSTQ đăng tải ý kiến ​​của các chuyên gia quân sự cho biết, quân đội Nga đã cho chúng ta thấy những chiến thuật trong cuộc đột kích vào Ukraine: thứ nhất, vũ khí dẫn đường chính xác mở đường; thứ hai, quân phản ứng trấn giữ các cứ điểm quan trọng; thứ ba, đột kích dữ dội toàn diện; thứ tư, chiến tranh hỗn hợp và bom khói thông tin che đậy việc triển khai và tiến độ thực sự; thứ năm, xâm nhập trước và chủ động các biện pháp đối phó.

Quân đội Nga đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực chiến qua cuộc chiến ở Syria, đồng thời, họ lại không ngừng hiện đại hóa quân bị”; “Quân đội Ukraine thiếu quân, trang bị lạc hậu, không đủ vật tư cung ứng và thiếu kinh nghiệm chiến đấu quy mô lớn, quá ít cơ hội chiến thắng trong chiến tranh thông thường”.

Theo quan điểm như vậy của các chuyên gia quân sự Trung Quốc thì tưởng như quân đội Nga sẽ mau chóng làm chủ được Ukraine, thế nhưng đến nay cho thấy chính quân đội Nga đã không có gì tiến bộ trong khi tinh thần hoang mang.

Cuộc chiến Nga-Ukraine trở thành như ngày nay, nằm ngoài dự đoán của nhiều người nhưng cũng là điều hợp lý. Bởi sau những thay đổi mạnh mẽ ở Liên Xô và Đông Âu, Nga gặp phải những vấn đề nghiêm trọng trong chiến lược phát triển đất nước.

Nga có diện tích lãnh thổ và lượng vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, không có nước nào trên thế giới, kể cả Mỹ, thực sự đe dọa đến an ninh lãnh thổ của Nga, nhưng họ không tập trung vào nỗ lực cho đất nước hùng cường, phá bỏ xiềng xích tư tưởng hệ còn sót lại của thời kỳ đế quốc Nga và thời kỳ Xô Viết để cùng xây dựng đồng thuận xã hội trên cơ sở các giá trị phổ quát nhằm nâng cao toàn diện kinh tế, công nghệ và sức mạnh văn hóa đất nước.

Tính đến năm 2022 này, GDP của Nga chỉ tương đương với tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc. Nền kinh tế Nga chủ yếu được duy trì bằng việc bán dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và vũ khí. Dầu mỏ và khí đốt tự nhiên là tài nguyên thiên nhiên, còn vũ khí là thứ giết người. Khi một nền kinh tế chủ yếu dựa vào 3 điều này thì khó có thể thực sự “mạnh” và “lớn”.

Trước đây, ĐCSTQ đã lôi kéo Nga, muốn đoàn kết với Nga để chống lại Mỹ. Nhưng sau chiến tranh Nga-Ukraine này thì quyền lực của Nga sẽ giảm mạnh, lại bị cô lập chưa từng có trên thế giới, điều này chắc chắn sẽ khiến ĐCSTQ phải cân nhắc.

Trong 10 năm kể từ khi lên nắm quyền, ông Tập Cận Bình đã điều tra và xử lý hơn 160 tướng lĩnh tham nhũng trải khắp từ đỉnh cao là các phó chủ tịch Quân ủy trung ương như Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu cho đến những sĩ quan cơ sở.

Từ chiến tranh Nga-Ukraine, nếu dựa vào những lời ca tụng của ĐCSTQ đối với quân đội Nga, có thể hình dung “sức mạnh” của quân đội ĐCSTQ là như thế nào.

Nhìn vào chiến trường Nga-Ukraine, Đài Loan có những thuận lợi từ địa thế ở eo biển và có sức mạnh quân sự, kinh tế và công nghệ vượt trội hơn nhiều so với Ukraine, nên có thêm tự tin để đối phó với mối đe dọa của ĐCSTQ.

Thứ ba, ủng hộ từ cộng đồng quốc tế

Nga có diện tích 17,07 triệu km vuông trong khi Ukraine chỉ có diện tích 603.700 km vuông, Nga gần gấp 30 lần Ukraine; Nga có 5.977 đầu đạn hạt nhân, trong khi Ukraine là số 0.

Một trong những lý do quan trọng nhất để Nga đưa quân tới Ukraine là việc NATO mở rộng về phía đông, việc Ukraine gia nhập NATO sẽ đe dọa đến an ninh của Nga. Nhưng trước chiến tranh, NATO đã tuyên bố rõ ràng rằng họ sẽ không gửi quân đến Ukraine, sau chiến tranh NATO liên tục từ chối can dự vào cuộc chiến Nga-Ukraine. Vào ngày 7/3, Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết trong một cuộc phỏng vấn với ABC rằng “NATO không sẵn sàng để kết nạp Ukraine”. Nói cách khác, lý do mà Nga biện bạch cho cuộc chiến chỉ là hoang tưởng.

Một lý do khác được Nga đưa ra là “phi phát xít hóa”. Tổng thống Zelensky của Ukraine là người Do Thái, gia đình ông đã bị Đức quốc xã đàn áp trong Thế chiến thứ Hai. Cũng như Nga có những nhóm cực hữu, ở Ukraine cũng vậy nhưng với số lượng rất nhỏ. Đảng của ông đã không vượt qua ngưỡng tán thành 5% trong cuộc tổng tuyển cử quốc hội Ukraine năm 2019 nên không thể có tiếng nói trong chính trường Ukraine. Vì vậy, Nga gửi quân đi với lý do này cũng không có cơ sở.

Việc Nga xâm lược Ukraine là ví dụ điển hình cho kiểu hành xử cá lớn nuốt cá bé. Đây là lý do quan trọng nhất khiến cộng đồng quốc tế ủng hộ Ukraine gần như áp đảo.

Hiện nay, thế giới tự do với Mỹ đứng đầu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất đối với Nga, bao gồm nhiều lĩnh vực như tài chính, quân sự, khoa học và công nghệ, năng lượng, thể thao và xuất khẩu hàng hóa.

Theo trang cơ sở dữ liệu giám sát các lệnh trừng phạt toàn cầu Castellum.ai, Nga đã hứng chịu 2.778 lệnh trừng phạt mới kể từ ngày 22/2. Như vậy, Nga đã nhận tổng cộng hơn 5.530 lệnh trừng phạt. Nga đã vượt qua Triều Tiên để trở thành nước “sở hữu” nhiều lệnh trừng phạt nhất trên thế giới.

“Gã khổng lồ” tài chính nổi tiếng Morgan Stanley đã công bố một báo cáo cho biết, vỡ nợ của Nga sẽ xảy ra sớm nhất vào ngày 15/4 và tỷ giá đồng rúp sẽ tăng tốc giảm – có nghĩa là vào tháng Tư tới, nước Nga có thể mất khả năng trả được nợ nước ngoài.

Bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt, đồng rúp của Nga đã rớt giá mạnh, thị trường chứng khoán Nga hỗn loạn, dòng vốn nước ngoài rời đi, cuộc khủng hoảng tài chính và suy sụp kinh tế đã cận kề.

Đài Loan là ngọn hải đăng của tự do và dân chủ trong thế giới người Hoa. Những năm gần đây, Đài Loan đã bị ĐCSTQ đàn áp toàn diện, nhưng vẫn tạo nên những kỳ tích về dân chủ, kinh tế và phòng chống dịch bệnh. Chừng nào Đài Loan tiếp tục phát triển “chu kỳ tốt đẹp” này, thì chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi hơn từ cộng đồng quốc tế.

Kết luận

Cuộc chiến Nga-Ukraine cứ như đặc biệt nhằm vào cảnh báo cho ĐCSTQ và Đài Loan. Đứng sau Nga là ĐCSTQ, còn sau Đài Loan là thế giới tự do có Mỹ đứng đầu. Quân đội Nga thất bại trong ý đồ thắng lợi chớp nhoáng, thậm chí sa lầy khốn khó, làm cho ĐCSTQ lâm vào tình thế hoang mang.  Có lẽ nếu thất bại trong cuộc chiến này và dưới sự tẩy chay cô lập của thế giới tự do mà Mỹ dẫn đầu thì Nga sẽ trở thành một nước bình thường, không còn vị thế cường quốc nữa. ĐCSTQ xưa nay vốn nỗ lực đoàn kết Nga chống lại Mỹ và vẫn ngấm ngầm ủng hộ Nga, có thể giờ đây đang thực sự hụt hẫng về triển vọng tương lai. Nhớ lại trận chiến tại Kim Môn khi xưa, Đài Loan đã được Trời giúp, bây giờ có gì mà không được như vậy?

Vương Hữu Quần, Epoch Times
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.)