Thứ 5 (15/9), Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Samarkand, Uzbekistan. Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo đã làm dấy lên sự chú ý của quốc tế vào thời điểm mà dư luận đang sôi sục sau thất bại của quân Nga ở chiến trường Ukraine và sự bất mãn của người dân Trung Quốc với chính sách ‘Zero COVID’.

Tập Cận Bình Putin
Ông Tập Cận Bình (phải) và ông Putin đã tổ chức một cuộc gặp song phương bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Uzbekistan. (Ảnh chụp màn hình video)

Các chuyên gia cho rằng Nga và Trung Quốc trở thành bạn bè vì có chung lập trường chống Mỹ, nhưng họ không phải là đồng minh, mà mỗi bên đều có quan điểm riêng. ĐCSTQ đang lợi dụng Nga, nhưng việc Nga tấn công Ukraine ngược lại đã gây cản trở cho những tham vọng của ĐCSTQ.

Trong bài phát biểu sau cuộc gặp tại Uzbekistan, ông Putin nói rằng Moscow hiểu rằng Trung Quốc có “những câu hỏi và lo ngại” về cuộc chiến. Đó là một vấn đề đáng chú ý, tuy còn mập mờ trong lời nói, nhưng phía Bắc Kinh có thể không hoàn toàn tán thành một cuộc xâm lược. Ông Tập cũng không đề cập đến Ukraine trong các bài phát biểu trước công chúng. Điều này cho thấy Nga thiếu sự ủng hộ hết mình từ phía Trung Quốc.

Trong một cuộc họp báo hôm thứ Năm, khi được hỏi về hội nghị thượng đỉnh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết “không có gì đáng ngạc nhiên” khi Bắc Kinh lo ngại về cuộc chiến.

“Nhưng điều có phần bất ngờ là ông Putin công khai thừa nhận điều đó”, ông Price bổ sung thêm.

Ông tiếp tục chỉ trích Bắc Kinh không cáo buộc Nga vi phạm chủ quyền của Ukraine, rằng Trung Quốc đã cố gắng tránh chỉ trích cuộc chiến của Nga với Ukraine, ít nhất là cố gắng tránh chỉ trích nước này một cách công khai. Điều này vi phạm tuyên bố của chính Trung Quốc rằng chủ quyền của họ là bất khả xâm phạm.

Khung cảnh ảm đạm của cuộc họp

Mặc dù mối quan hệ Nga-Trung phần lớn được thúc đẩy bởi cùng chung quan điểm phản đối Hoa Kỳ, nhưng cũng có một phần là bởi mối quan hệ cá nhân thân thiết của ông Tập và Tổng thống Putin. Trong thập kỷ cầm quyền của ông Tập, ông đã gặp ông Putin 38 lần, nhiều hơn gấp đôi số cuộc gặp của ông Tập với các nhà lãnh đạo khác trên thế giới.

Trong cuộc gặp hôm thứ Năm, hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Nga đã trao nhau những lời khen ngợi và cái ôm thân thiết, nhưng khung cảnh cuộc gặp của họ ảm đạm, khác xa với khung cảnh náo nhiệt khi thỏa thuận “không giới hạn” được ký kết vào hơn 200 ngày trước Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh. Vào thời điểm đó, họ đã đưa ra một tuyên bố chung dài 5.000 từ nói rằng “thế giới đang trải qua những thay đổi lớn” “sự thay đổi cấu trúc quản trị toàn cầu và trật tự thế giới“.

Tập Cận Bình và Putin scaled
Ông Tập và ông Putin ngồi đối diện khoảng cách xa tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải tại Uzbekistan. (Ảnh chụp màn hình video)

Các nhà phân tích cho rằng tuyên bố của Trung Quốc mang ngữ khí xa cách và vô cảm; tuyên bố của Nga nhiệt tình hơn, nhưng cũng không ca ngợi quan hệ song phương. Và ngữ điệu của ông Tập Cận Bình rất khác so với hồi đầu tháng Hai trước cuộc chiến Nga-Ukraine. Hai nước đã đưa ra một tuyên bố chung trước Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, nói rằng quan hệ đối tác của họ là “không có giới hạn”.

Tuy nhiên đến nay, Trung Quốc và Nga không đạt được tiến bộ nào trong việc định hình một trật tự thế giới có lợi cho họ, và quân đội Nga đã bị tổn thất nặng nề trên chiến trường Ukraine. Trong khi đó, Bắc Kinh thấy mình ngày càng mâu thuẫn với phương Tây về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Đài Loan và Tân Cương.

Nhờ cuộc phản công thành công của Ukraine, chiến tranh Nga-Ukraine không những không thể phá vỡ trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo, mà ngược lại đã tái sinh NATO, củng cố mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và đưa các quốc gia phương Tây xích lại gần nhau hơn.

Tập Cận Bình không dám giúp Nga quá nhiều

CNN đưa tin, điều này đã khiến Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc – ĐCSTQ) lo lắng dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, ngày càng trở nên thân thiết với Moscow, và kết quả của cuộc chiến Nga-Ukraine có liên quan đến lợi ích của Trung Quốc. Nếu Nga bị đánh bại, lực lượng của các nước phương Tây sẽ được củng cố, và một Matxcova suy yếu cũng có thể giúp Hoa Kỳ ít phân tâm hơn, khiến Washington tập trung nhiều hơn vào Bắc Kinh.

Ông Tập Cận Bình có ít lựa chọn, nếu giúp Nga quá nhiều, Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ bị phương Tây trừng phạt và đánh đòn về mặt ngoại giao, do đó sẽ làm tổn hại đến lợi ích của chính Trung Quốc. Đây cũng là thời điểm nhạy cảm đối với ông Tập, bởi vì chỉ còn vài tuần nữa là diễn ra Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, nơi ông tìm cách phá bỏ khuôn khổ cho nhiệm kỳ thứ ba.

Các nhà phân tích nhận định rằng ông Tập sẽ không cung cấp cho ông Putin sự hỗ trợ cụ thể hơn, làm như vậy có thể sẽ phải đối mặt với sự đả kích từ phương Tây, từ đó sẽ làm trầm trọng thêm các thách thức trong nước, bao gồm nền kinh tế Trung Quốc chậm lại, khủng hoảng bất động sản và sự bất mãn của công chúng về chính sách Zero COVID.

Ông Brian Hart, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nói với CNN: “Trung Quốc sẵn sàng cung cấp cho Nga một số hỗ trợ ngầm về mặt chính trị, ngoại giao và ở một mức độ nào đó về mặt kinh tế, nhưng điểm mấu chốt là họ sẽ không vì ủng hộ Nga mà không màng đến mục tiêu chính trị của mình “.

Việc tiếp cận thị trường toàn cầu là rất quan trọng đối với Trung Quốc, đặc biệt là khi nền kinh tế Trung Quốc đang bị bao vây bởi những vấn đề nghiêm trọng. Cho đến nay, Bắc Kinh vẫn thận trọng tránh các hành động có thể vi phạm lệnh trừng phạt của phương Tây, chẳng hạn như viện trợ quân sự trực tiếp cho Moscow.

Ông Brian Hart nói, một lĩnh vực cần được quan tâm là bán vũ khí, Trung Quốc từ lâu đã là một trong những khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga. Ông nói: “Tôi tự hỏi liệu Nga có chuyển sang mua vũ khí từ Trung Quốc hay không nếu ngành công nghiệp quốc phòng của họ đang rơi vào tình trạng khó khăn.”

Nhưng ngay cả như vậy, Trung Quốc có thể tìm cách gửi phụ tùng hoặc các mặt hàng không nằm trong danh sách trừng phạt, hoặc vận chuyển trên các tuyến đường phức tạp khó theo dõi.

Ông Price cho biết, đánh giá của Hoa Kỳ cho đến nay vẫn là Bắc Kinh không gửi vũ khí cho Nga.

Ông nói: “Một vài tháng trước, chúng tôi đã nói rõ rằng thông tin chúng tôi có được cho thấy, Liên bang Nga đang tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự từ Trung Quốc (ĐCSTQ) trong cuộc chiến Ukraine.” 

Ông Price cho biết, phía Mỹ sẽ rất chú ý đến thực tế này và Trung Quốc sẽ phải trả một cái giá rất lớn nếu cung cấp hỗ trợ quân sự cho Nga trong cuộc chiến, hoặc nếu họ giúp Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt do cộng đồng quốc tế áp đặt một cách có hệ thống.

Tờ Washington Post phân tích rằng Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể tiếp tục áp dụng cái mà một số nhà phân tích gọi là ” Beijing straddle “, tức là sẽ hỗ trợ Nga về mặt ngoại giao, đồng thời tuân thủ các lệnh trừng phạt của phương Tây trong mối quan hệ đối tác nhằm đối đầu với trật tự quốc tế do Washington lãnh đạo.

ĐCSTQ và Nga đều có kế hoạch lợi dụng lẫn nhau

Các chuyên gia cho rằng quan hệ đối tác Trung-Nga chủ yếu là sự khai thác lẫn nhau, và động lực chính thúc đẩy họ xích lại gần nhau là niềm tin chung rằng Mỹ đe dọa lợi ích của họ.

Bà Susan A. Thornton của Trường Luật Yale cho biết: “Tôi không nghĩ Trung Quốc và Nga là một liên minh tự nhiên”, “mối quan hệ với Hoa Kỳ xấu đi đã tạo điều kiện cho Trung Quốc và Nga xích lại gần nhau.”

Mặc dù Nga và Trung Quốc đều phản đối Mỹ, nhưng các công cụ để đạt được mục tiêu của họ khác nhau đáng kể, ĐCSTQ được hưởng lợi từ trật tự quốc tế hiện tại, nhưng hành động không rõ ràng, để tránh xung đột trực tiếp với phương Tây.

Ông Brain Hart nói: “Tôi nghĩ đó là điều mà Bắc Kinh lo lắng, Nga sẽ bành trướng quá sức, điều này có thể làm suy yếu những nỗ lực chung của họ trong việc định hình trật tự thế giới”.

Vào tháng Tư năm nay, ông Hanns W. Maull, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Đức, đã công bố một bài phân tích, cho rằng mục tiêu chung quan trọng nhất của việc ủng hộ quan hệ đối tác Trung-Nga là làm suy yếu ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên thế giới, và thay đổi trật tự quốc tế do phương Tây thống trị, Nga có những tài sản quan trọng trong vấn đề này: Nga có ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và quyền phủ quyết, có lực lượng quân sự và công nghệ vũ khí hùng mạnh, có khả năng sử dụng không gian mạng để lật đổ ,và có kinh nghiệm, tầm ảnh hưởng trong vấn đề quan hệ ngoại giao. Nhưng mặt khác, ông Tập Cận Bình đang theo đuổi một chiến lược dài hạn đòi hỏi sự ổn định trong nước và quốc tế. Chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa đế quốc cực đoan của ông Putin, với sứ mệnh và sự sùng bái chiến tranh của Nga, có thể dễ dàng xung đột với các lợi ích của Trung Quốc, đặc biệt là ở Trung Á, nơi Bắc Kinh muốn và cần sự ổn định chính trị.

Trung Quốc từ chối lên án Nga, các nước Trung Á bất bình.

SCO được Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập năm 2001. Năm 2017, Ấn Độ và Pakistan trở thành thành viên, Iran và Afghanistan là quan sát viên. Iran dự kiến ​​sẽ trở thành thành viên chính thức tại hội nghị thượng đỉnh lần này. Điều đó đã làm dấy lên lo ngại lâu nay của một số nhà quan sát rằng nhóm này đang trở thành một khối chống phương Tây.

Nhưng một số chuyên gia cho rằng trong hoàn cảnh hiện tại, SCO không đủ làm nền tảng để Trung Quốc và Nga thúc đẩy một trật tự thế giới chống phương Tây. Là một tổ chức đa phương, SCO là một khu vực yếu hơn nhiều so với Liên minh châu Âu hoặc ASEAN.

Trong khi đó, việc Nga xâm lược Ukraine, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, khiến các nhà lãnh đạo Trung Á lo lắng. Đặc biệt, Kazakhstan đã và đang cung cấp viện trợ nhân đạo cho Ukraine, Tổng thống Zelensky đã công khai bác bỏ các khu vực ly khai do Nga hậu thuẫn ở miền đông Ukraine.

Bà Niva Yau, một thành viên cấp cao tại Học viện OSCE, một nhà tư vấn chính sách đối ngoại của Kyrgyzstan, nói với CNN rằng việc Trung Quốc từ chối lên án Nga đã gây ra sự bất bình ở quốc gia Trung Á.

Bà cho biết Trung Quốc có mâu thuẫn với các nước Trung Á vì họ vẫn nhìn nhận cuộc chiến Nga-Ukraine bằng lối tường thuật chống phương Tây. Điều này có khả năng cản trở nỗ lực của Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với các nước láng giềng Trung Á, nơi Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua.