Tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao (Boao Forum For Asia) vừa qua, nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã đưa ra cái gọi là sáng kiến ​​an ninh toàn cầu. Một số hãng truyền thông quốc tế đã có những bình luận về phát biểu của ông Tập.

61682fa5c6d0df573687827f
Ngày 20/4/2021 ông Tập Cận Bình đã có bài phát biểu video tại Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao. (Ảnh: gov.cn)

Truyền thông Úc: Tập Cận Bình biện hộ cho chính sách đối với Nga

Vào thứ Năm (21/4), ông Tập Cận Bình đã kết nối với Diễn đàn châu Á Bác Ngao qua video và có bài phát biểu. Tờ Thông tin nước Úc (1688) giải thích bài phát biểu của ông Tập hôm thứ Năm rằng phát biểu chủ yếu tập trung vào phản ứng toàn cầu đối với đại dịch COVID-19, nhưng bản thân Bắc Kinh nổi tiếng với những hành vi che đậy. Ngoài ra ông Tập dù kêu gọi hòa bình nhưng ngấm ngầm làm gia tăng mâu thuẫn. Tuy không nêu tên bất kỳ nước nào, nhưng có thể hiểu rõ ràng là vấn đề về Mỹ, Ukraine và Nga.

Truyền thông Úc cho biết, ông Tập đề cập đến tư duy Chiến tranh Lạnh, một thuật ngữ phổ biến trong ĐCSTQ để mô tả vòng tròn đồng minh do Mỹ lãnh đạo. Ông đề cập đến vấn đề chính trị của các liên minh, một luận điệu chung của ĐCSTQ đối với các liên minh phương Tây như liên minh Úc-Anh-Mỹ (AUKUS) và NATO; việc đề cập đến lạm dụng các lệnh trừng phạt đơn phương thường là phản ứng thường được ĐCSTQ áp dụng khi nhắc cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ và gần đây là các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

“Nhà lãnh đạo ĐCSTQ mơ hồ về các chi tiết của sáng kiến ​​an ninh toàn cầu do họ đưa ra, nhưng có một số dấu hiệu cho thấy ông ấy đang đổ lỗi cho Mỹ về cuộc chiến ở Ukraine”, truyền thông Úc chỉ rõ.

Trong bài phát biểu, ông Tập kêu gọi cộng đồng quốc tế “chú ý đến các mối quan tâm an ninh chính đáng của tất cả các nước” liên quan “nguyên tắc về an ninh là không thể chia cắt”. Theo các tuyên bố của giới chức ĐCSTQ, kể từ ngày 25/2 Bắc Kinh đã bảo vệ Nga với “những lo ngại chính đáng về an ninh”, và thuật ngữ “an ninh là không thể chia cắt” lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc điện đàm hồi tháng Hai giữa Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Anh Johnson.

Truyền thông Nhật: Biện hộ cho chính sách ‘Zero COVID’ và tình hình kinh tế Trung Quốc

Tờ Nikkei Nhật Bản cũng đăng một bài báo cho rằng bài phát biểu của ông Tập cũng biện hộ cho vấn đề nhà cầm quyền ĐCSTQ áp dụng cách làm phong tỏa các thành phố lớn để kiểm soát sự bùng phát của chủng Omicron, đồng thời ông cũng chỉ trích các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga vì cuộc xâm lược Ukraine.

Về dịch bệnh COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán), ông Tập nói: “An toàn tính mạng và sức khỏe thể chất của người dân là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển và tiến bộ của loài người. Loài người sẽ cần phải nỗ lực hết sức để hoàn toàn loại bỏ đại dịch COVID-19”.

Nhưng chính sách ‘Zero COVID’ mà ĐCSTQ kiên quyết thực thi là hà khắc – bao gồm ngừng làm việc, phong tỏa thành phố, buộc 25 triệu cư dân của Thượng Hải phải ở nhà – được nhà lãnh đạo ĐCSTQ biện hộ trước diễn đàn, trong khi phần lớn thế giới đã chọn chính sách sống chung với COVID-19 và nới lỏng các quy tắc về buộc đeo khẩu trang, các hạn chế khác mà trước đây thường áp dụng.

Một bài bình luận khác trên tờ Nikkei cho rằng chính sách ‘Zero COVID’ do lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ đưa ra, vì vậy rất khó để thay đổi. Chừng nào chính sách này vẫn được áp dụng thì việc thực hiện phong tỏa nghiêm sẽ tiếp tục diễn ra ở khắp mọi nơi tại Trung Quốc, làm gián đoạn nghiêm trọng sản xuất, phân phối và tiêu dùng, gây áp lực lên nền kinh tế Trung Quốc, qua đó cũng có những tác động đáng kể đối với nền kinh tế toàn cầu.

Do tác động của việc phong tỏa trên diện rộng và làm gián đoạn chuỗi cung ứng, hôm thứ Ba (19/4) Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2022 xuống còn 4,4%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của Chính phủ Trung Quốc là khoảng 5,5%.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Tập Cận Bình cũng cố gắng xoa dịu những lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc khi nói rằng “về cơ bản triển vọng tốt đẹp trong dài hạn của kinh tế Trung Quốc sẽ không thay đổi, sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự ổn định và phục hồi của nền kinh tế thế giới”.

Tờ Nikkei bình luận: “Chính phủ của ông Tập Cận Bình đặt mục tiêu trước thềm Đại hội toàn quốc của ĐCSTQ vào mùa thu năm nay cùng lúc thực hiện được ‘Zero COVID’ và mức tăng trưởng kinh tế khoảng 5,5%. Nhưng tục ngữ có ví, kẻ đuổi bắt hai con thỏ cùng lúc thường sẽ không có được con nào”.

Hôm thứ Năm, giới chức Thượng Hải – trung tâm của đợt bùng phát COVID-19 tại Trung Quốc hiện nay – cho biết rằng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt sẽ tiếp tục ngay cả ở những khu cộng đồng không còn mấy khả năng gây truyền nhiễm.

Diễn ngôn mới của ông Tập

Trong bài phát biểu, ông Tập Cận Bình cũng đề cập đến ý tưởng mà trước đây chưa từng thấy, được truyền thông nhà nước Trung Quốc coi là câu vàng ngọc: “Các nước trên thế giới đang ở trên một con tàu nên có chung số phận… Không thể chấp nhận được việc cố gắng ném bất cứ ai văng khỏi con tàu”.

Ông Tập cho biết sự phát triển của cộng đồng quốc tế ngày nay đã trở thành như một cỗ máy, cho nên việc loại bỏ một thành phần nào của cỗ máy đều sẽ khiến hoạt động của toàn bộ bộ cỗ máy gặp khó khăn nghiêm trọng.

Về vấn đề này, nhà bình luận thời sự Lý Lâm Nhất (Li Linyi) cho rằng phát biểu của ông Tập nhất quán theo “lợi ích luận” của ĐCSTQ. Ví dụ các ý tưởng như “loại bỏ bộ phận”“không ném xuống biển” ngụ ý rằng các nước nên khoan dung cho một số nước hoặc cá nhân gây rắc rối trong cộng đồng quốc tế, vì nếu quốc gia hoặc cá nhân đó bị loại khỏi phương Tây thì hoạt động và lợi ích của mỗi quốc gia liên quan cũng sẽ bị tổn hại nghiêm trọng, vì vậy chớ làm thế. Tất nhiên vấn đề ai đang gây rối, có thể ông Tập ám chỉ Nga, cũng có thể chính là ĐCSTQ.

Nhưng khi cộng đồng quốc tế nhìn nhận vấn đề không chỉ từ góc nhìn lợi ích mà còn góc nhìn đạo nghĩa. Ví dụ, việc Nga xâm lược Ukraine là trái đạo đức và phương Tây không thể không lên án, duy chỉ có ĐCSTQ là lại nhìn từ quan điểm lợi ích nên từ chối công khai chỉ trích các hành động của Nga. Ông Lý Lâm Nhất nói: “Đây là sự khác biệt giữa ĐCSTQ và phương Tây về giá trị sống, điều này phương Tây không thể thuận theo”.

Bên lề cuộc họp G20 ở Brussels vào thứ Năm (21/4), Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman cũng nói về Trung Quốc: “Bắc Kinh hướng theo cách phá hoại hệ thống mà họ đã được hưởng lợi, quay trở lại với nguyên tắc chân lý thuộc về kẻ mạnh, nước lớn có quyền cưỡng ép nước nhỏ, làm tổn hại đến cơ chế mà chính họ đang được hưởng lợi”.