Pháp, Ấn Độ và Úc cho biết họ đang cùng có kế hoạch tăng cường sự hiện diện tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, đồng thời cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực như an ninh hàng hải, theo bình luận của các ngoại trưởng của họ tại Đối thoại Raisina hàng năm, tờ SCMP đưa tin hôm 14/4. 

Embed from Getty Images

Ba Bộ trưởng các nước đã thảo luận trực tuyến cùng nhau hôm thứ Tư (14/4) trong buổi Hội thảo được tổ chức y bởi Bộ Ngoại giao Ấn Độ và Quỹ Nghiên cứu Người quan sát có trụ sở tại New Delhi. Buổi hội thảo diễn ra sau khi Ngoại trưởng Úc Marise Payne hủy chuyến đi đến thủ đô Ấn Độ do đại dịch COVID-19.

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar cho biết nhóm ba bên sẽ thảo luận về “điều tương tự” như các chủ đề trong chương trình nghị sự của Đối thoại An ninh Tứ giác – bao gồm hợp tác vắc-xin, giáo dục đại học, cũng như công nghệ mới nổi.

Nhóm “Bộ Tứ”, bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ, được coi là một biện pháp để kiềm chế trước sự hung hăng của Trung Quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã gọi nhóm này là “NATO Ấn Độ – Thái Bình Dương” và nói rằng nhóm Bộ Tứ mang lại “rủi ro an ninh lớn.” 

Sau cuộc họp của các nhà lãnh đạo Bộ Tứ vào tháng trước, Đại tá Ren Guoqiang, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh phản đối nhóm này vì nó phỏng theo “tâm lý Chiến tranh Lạnh”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Jaishankar đã bác bỏ những lời chỉ trích của Bắc Kinh mà không nêu đích danh Trung Quốc: 

“Ý tưởng rằng khi chúng ta đến với nhau, đó là một mối đe dọa hoặc một thông điệp cho ai đó, mọi người cần phải vượt qua điều này,” ông nói, bảo vệ nhóm Bộ Tứ và hợp tác ba bên Pháp-Ấn-Úc, đồng thời nói thêm rằng các nhóm này là vì “lợi ích quốc gia, khu vực và toàn cầu”.

“Tôi không thể để bên khác có quyền phủ quyết về những gì tôi sẽ thảo luận với ai và tôi sẽ đóng góp bao nhiêu cho thế giới,” ông nói và nói thêm rằng New Delhi sẽ không bị giới hạn giữa eo biển Malacca và Vịnh Aden.

Ngoại trưởng Úc Payne cũng hoan nghênh ba quốc gia đóng vai trò tích cực hơn trong khu vực, nói rằng mong muốn cơ bản thúc đẩy nhóm là nhu cầu về “một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương cởi mở, linh hoạt và hòa nhập”. Bà cũng nói thêm rằng cả ba quốc gia đều đã có “tiền lệ” trong việc hợp tác với nhau về các vấn đề như an ninh và an toàn hàng hải.

Các tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Pháp, Ấn Độ và Úc đang trở thành một tập thể ngoại giao ngày càng tích cực.

Vào tháng 9 năm ngoái, ba nước đã có cuộc hội đàm ba bên lần đầu tiên ở cấp ngoại trưởng, trong đó họ đã thảo luận về “những thách thức kinh tế và địa chiến lược và hợp tác ở Ấn Độ – Thái Bình Dương”. 

Theo cựu đại sứ Ấn Độ Rajiv Bhatia, hiện là thành viên xuất sắc tại tổ chức tư vấn Gateway House có trụ sở tại Mumbai, Paris đang tìm cách xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nhóm Bộ Tứ thông qua hợp tác ba bên Pháp-Ấn-Úc.

“Bộ Tứ không có khả năng mở rộng và thay vào đó nó sẽ có các phần phụ như ‘Bộ Tứ Cộng’, đây là nơi các quốc gia như Pháp tham gia vào,” ông nói.

Đô đốc Philip Davidson, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ, cho biết Bộ Tứ là “viên kim cương của các nền dân chủ” và nên hướng tới sự mở rộng.

Ông nói: “Chúng ta nên suy nghĩ về Bộ Tứ theo những ý nghĩa rộng nhất có thể và nhận thức đầy đủ tiềm năng của nó để tạo ra các cơ hội kinh tế toàn cầu, bao gồm cả việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng.”

Theo ông Bhatia, hợp tác Pháp-Ấn-Úc cũng là một thông điệp gửi đến Trung Quốc.

Kể từ tháng 5 năm ngoái, quan hệ giữa New Delhi và Trung Quốc trở nên căng thẳng khi giao tranh xảy ra ở khu vực biên giới Ladakh, khiến nhiều binh sĩ thiệt mạng. 

Trong khi đó, sau khi Úc lên tiếng yêu cầu điều tra về nguồn gốc virus corona, Trung Quốc đã đáp trả bằng các biện pháp cấm vận thương mại. Quan hệ hai bên đang ở mức chạm đáy.

Về phần mình, Pháp đã đồng ý tham gia Sáng kiến Ấn Độ – Thái Bình Dương do Ấn Độ lãnh đạo, tập trung vào các vấn đề như an ninh hàng hải, sinh thái và tài nguyên, cũng như kết nối thương mại.

Ngoài việc mời các nước trong Bộ Tứ tham gia cuộc tập trận hải quân La Perouse được tổ chức vào hồi đầu tháng, các tàu chiến của hải quân Pháp cũng sẽ tham gia cuộc tập trận Varuna của Ấn Độ vào cuối tháng này.

Ngoại trưởng Pháp Le Drian hôm thứ Tư cho biết ba bên cần một động lực cụ thể để “củng cố mối quan hệ của chúng ta”.

“Ấn Độ, Pháp và Australia chia sẻ sự sẵn sàng làm việc cùng nhau, không chỉ đơn giản vì chúng ta hợp nhau hay vì chúng ta có chung một số lợi ích và mối quan tâm. Chúng ta là các nền dân chủ và chúng ta tuân thủ pháp quyền,” ông nói, đề cập đến Trung Quốc.

Lê Vy (theo SCMP)

Xem thêm: